Thị trường sách điện tử: Không như kỳ vọng

GD&TĐ - Sau 5 năm, xuất bản sách điện tử (gọi là ebook) chính thức phát triển tại Việt Nam (từ năm 2012), ebook vẫn chưa được xem là một hàng hóa để kinh doanh thực sự. Các doanh nghiệp dường như chưa mặn mà với loại hình xuất bản này.

Thị trường sách điện tử: Không như kỳ vọng

Phát hành sách điện tử còn dè dặt

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính tới ngày 20/11, các nhà xuất bản đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm. Trong đó, lượng sách in là 25.431 cuốn, với 293.191.225 bản... Trong khi đó sách điện tử chỉ có 137 xuất bản phẩm. So sánh với bản sách in thì con số này đúng là có một khoảng cách khá xa.

Sách điện tử (ebook) từng được hy vọng là một hướng đi thích hợp cho thị trường sách trong nước, với các ưu điểm: Chi phí mua sách thấp, dễ trao đổi mua bán, tiện lợi, việc đọc linh hoạt hơn… Vậy nhưng trái với kỳ vọng của nhiều người, sách điện tử tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Nhà sách Phương Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong việc tham gia thị trường ebook, nhưng chỉ hoạt động một cách cầm chừng như là sự đón đầu để chờ đợi sự bùng nổ của ebook. Với thị trường Việt Nam, người dùng vẫn lựa chọn sách in truyền thống.

NXB Kim Đồng cũng là đơn vị tiên phong trong việc khai trương thư viện ebook (sách điện tử) tại Việt Nam. Đây là thư viện số đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế cho thiết bị di động theo chuẩn quốc tế. Chỉ với 40.000 đồng/tháng, độc giả được truy cập toàn bộ kho sách, truyện, tạp chí của Thư viện eBook Kim Đồng. Tuy nhiên, NXB Kim Đồng cho rằng loại hình sách giấy vẫn có vị trí và ưu điểm nhất định nhờ công nghệ in ấn hiện đại, chất lượng giấy tốt và đặc biệt là thói quen đọc tồn tại như một bản năng của con người.

Hiện nay, có chưa tới 10 đơn vị trong nước đang kinh doanh sách điện tử. Đó là các NXB vốn đã nổi tiếng như NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TPHCM hay Phương Nam Book… Nhưng cũng có những đơn vị mới chuyên phát hành sách điện tử như Tiki và Vinabook.

Thực tế hoạt động xuất bản cũng cho thấy, với thị trường Việt Nam, xu hướng chủ đạo vẫn là sách in, cả người dùng lẫn nhà xuất bản đều còn ngần ngại với ebook.

Đang mạnh nhà nào nhà nấy làm

Một trong những thách thức khiến hầu hết những người làm sách điện tử là vấn đề giữ cho được bản quyền. Các NXB sách điện tử đang rất khó khăn trong việc đối phó với các đối tượng xấu tấn công, ăn cắp, vi phạm bản quyền, thêm bớt nội dung xấu, ảnh hưởng đến uy tín của mình. Đây cũng là lý do khiến nhiều NXB và phát hành sách điện tử còn dè dặt.

Mặt khác, để được phát hành ebook, các NXB và công ty phát hành ebook có bản quyền phải làm rất nhiều thủ tục, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý Nhà nước. Trong khi các đơn vị phát hành ebook không có bản quyền núp dưới danh nghĩa mạng xã hội để người dùng tự đưa ebook lên thì không bị bất kỳ sự kiểm soát nào đáng kể.

Đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có nhà phát hành lớn cho ebook. Thị trường ebook đang mạnh nhà nào, nhà nấy làm. Mỗi đơn vị tự xây dựng kênh phát hành riêng. Sách điện tử trong nước chủ yếu tiếp cận với bạn đọc qua 2 hình thức. Một là đơn vị phát hành ấn bản điện tử các tựa sách đã có bản in. Cách khác là các tác giả hoặc đơn vị tự công bố sách qua các trang cá nhân và mạng xã hội.

Theo các nhà phát hành sách, việc phát hành sách điện tử vẫn còn khá nhiều rào cản về kinh phí, cơ chế và quan trọng nhất là thói quen đọc sách. Để thị trường sách điện tử phát triển cần sớm có những biện pháp thắt chặt và kiểm soát từ các cơ quan chức năng. Điều này sẽ giúp thị trường sách điện tử Việt Nam vận hành chuyên nghiệp hơn, thuận theo xu hướng toàn cầu.

Phát hành sách bằng Internet là xu thế không thể cưỡng lại trong một thế giới của công nghệ nhưng trong khi chờ đợi những đột phá mới, trước mắt, các đơn vị này đành cố gắng trong việc quảng bá để người dùng biết nhiều hơn đến ứng dụng đọc sách của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.