Thế hệ mất mát giữa làn sóng Covid-19

GD&TĐ - Dù là nhóm tuổi ít có khả năng lây nhiễm Covid-19, thế hệ Z (những người sinh trong khoảng thời gian 1997 - 2015) chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong gần hai năm liên tiếp, việc học tập của thế hệ Z, trải dài từ cấp tiểu học đến bậc đại học, đã bị gián đoạn.

Theo dữ liệu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố vào tháng 3/2021, trường học của hơn 168 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã đóng cửa hoàn toàn do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Cứ bảy em lại có một em bỏ lỡ hơn 3/4 thời gian học trực tiếp, tương đương với khoảng 214 triệu trẻ em.

Bên cạnh đó, những người sinh từ năm 1997 - 2000 đang tìm kiếm việc làm. Các em bước vào thị trường lao động ngay khi nó chịu tác động mạnh bởi làn sóng dịch Covid-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Đối với tân cử nhân, tìm việc làm trong bối cảnh như vậy càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lao động trẻ cũng là nhóm ít có khả năng nhận được hỗ trợ tài chính khi mất việc.

Tình trạng việc làm, học tập bấp bênh lại phải ở nhà quá lâu do các lệnh phong tỏa, giãn cách, thế hệ Z cũng là những người có nguy cơ mắc bệnh về tâm thần cao nhất. Nghiên cứu chỉ ra 64% thanh niên châu Âu có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tăng 15% so với trước khi Covid-19 xuất hiện. Tình hình tồi tệ hơn với những người từ 18 - 29 tuổi.

Sang năm 2021, biến chủng Delta xuất hiện, tấn công mạnh mẽ châu Á và dần lan ra thế giới. Tương lai được trở lại trường học hoặc tìm được công việc ổn định còn là điều xa vời với thế hệ Z.

Tại nhiều quốc gia, việc quan tâm, chăm lo cho đời sống của thế hệ Z sau khủng hoảng Covid-19 chưa được quan tâm đúng mực. Chẳng hạn, tại các quốc gia châu Phi, nhiều trường học chưa mở cửa trở lại. Nếu tái mở cửa, nguồn hỗ trợ của chính phủ dành cho giáo dục cũng tương đối thấp, không đủ cải thiện chất lượng đào tạo.

Trong thời gian dịch bệnh, tỷ lệ trẻ em bỏ học cũng tăng cao. Nhiều em bị rơi vào vòng xoáy bóc lột sức lao động, mại dâm hoặc buôn bán nô lệ. Các chính sách kinh tế cũng ưu tiên hỗ trợ người thất nghiệp, người mất việc làm do Covid-19. Thế hệ Z có quá nhiều vấn đề phải đối mặt trong và sau đại dịch.

Tuy nhiên, đại dịch có thể coi là “cuộc cách mạng” làm thay đổi tư duy, mô hình làm việc của thế hệ Z. Trong tương lai, đây sẽ là nhóm dẫn đầu về ứng dụng công nghệ trong việc làm và học tập. Lấy ví dụ về việc trường học tạm đóng cửa, các em phải chuyển sang học trực tuyến.

Khi đại dịch lắng xuống, tại nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Anh, phương pháp học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp được hình thành. Chúng có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai bởi thế hệ Z đã quá quen thuộc với việc linh hoạt chuyển giao giữa hai phương pháp học này.

Từ những thay đổi và tác động của Covid-19, thế hệ Z sẽ có cái nhìn mới về xã hội. “Bó gối trong nhà” quá lâu vì các lệnh phong tỏa, thế hệ này sẽ đề cao tính tương tác trực tiếp giữa con người.

Ủng hộ bảo vệ môi trường sau khi chứng kiến sự hồi phục của thiên nhiên trong thời gian phong tỏa. Khuyến khích ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, chính phủ các nước cần tích cực đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc hiện nay của thế hệ Z, từ giáo dục đến việc làm. Dành sự quan tâm đến thanh thiếu niên cũng nhằm mục đích chăm lo tương lai xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ