Thế hệ Z Trung Quốc: Nợ ngập đầu vì gói vay trực tuyến

GD&TĐ - Theo báo cáo từ Trung Quốc, mức nợ trung bình của Gen Z (1997 – 2012) tại quốc gia này là 120.000 nhân dân tệ/người (tương đương 427 triệu đồng).

Vì “sống phải sang”, Gen Z đang nợ bình quân 120.000 NDT/người.
Vì “sống phải sang”, Gen Z đang nợ bình quân 120.000 NDT/người.

Trong tình hình suy giảm kinh tế và gia tăng thất nghiệp hiện tại, khả năng thoát nợ của họ là rất thấp. 

“Sống phải sang”

Trung Quốc là một trong những đất nước tiết kiệm nhất thế giới. Theo dữ liệu kinh tế toàn cầu từ CEIC, vào năm 2018, tỷ lệ tiết kiệm của họ lên đến 46%, cao gấp 1,7 lần mức trung bình quốc tế (26,5%). 

Phần lớn đối tượng có tài khoản tiết kiệm của Trung Quốc thuộc về Thế hệ X (1965 - 1980) và các lớp tuổi già hơn. Khác với họ, giới trẻ ở đây, những người thuộc Thế hệ Y (1981 – 1996) và Gen Z (1997 – 2012) rất “vung tay quá trán”. 

Trong 2 lớp trẻ này, bội chi nhất là những người sinh ra vào thập niên 1990, đang trong độ tuổi 20. Trung bình, mỗi 9X Trung Quốc đang nợ khoảng 120.000 nhân dân tệ (tệ). Nguyên nhân đến từ “triết lý” hiện đại, “đã sống thì phải sang”.

Tại Trung Quốc, ngành thương mại phụ thuộc vào sức tiêu dùng của Gen Z. Mặc dù chỉ chiếm 17% dân số, họ quyết định 25% tổng doanh thu của các thương hiệu mới. Nhờ thông thạo kỹ thuật số và tinh thần “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, họ thúc đẩy hoạt động tiêu dùng. Bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19, mức giao dịch năm 2020 đã tăng 23%. 

Từ thuở sinh viên, Gen Z đã bội chi. “Mặc dù bình quân, chúng tôi chỉ có khoảng 1.300 tệ/tháng (tương đương 4,6 triệu đồng), nhưng đứa nào cũng tiêu nhiều hơn số đó”, một sinh viên 21 tuổi ở Hà Bắc cho biết. Từ năm 2015, mức chi trên mức thu trung bình hàng tháng của Gen Z đã là 1.830/1.314 tệ (6,5/4,6 triệu đồng), tức là bội chi 516 tệ (1,8 triệu đồng). 

Châm ngôn hàng đầu của Gen Z là “sống phải sang”. Họ thoát li thói quen tiết kiệm của thế hệ cha ông, điên cuồng theo đuổi tiện ích công nghệ mới nhất, thức ăn ngon đắt, quần áo hàng hiệu, mỹ phẩm xa xỉ, du lịch và giải trí… Ước tính đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm đến 46% sức mua ở Trung Quốc. Và đến năm 2030, tổng tiêu dùng của họ sẽ đạt 12.700 tỷ USD. 

Gen Z Trung Quốc dễ dàng đăng ký các khoản vay trực tuyến.
Gen Z Trung Quốc dễ dàng đăng ký các khoản vay trực tuyến.

Vay thỏa sức

Từ năm 2015, tập đoàn tài chính lớn nhất Trung Quốc - Ant Financial đã ra mắt nền tảng thanh toán trực tuyến và di động Alipay. Họ mở nhiều dịch vụ cho vay trực tuyến, cấp thẻ tín dụng và cho phép lập nhiều thẻ cùng một lúc. 

Thế hệ Y và Gen Z, lớp tuổi hầu hết đều thông thạo kỹ thuật số là đối tượng chính của Ant Financial. Vào năm 2019, tập đoàn này thống kê được có tới 86,6% giới trẻ Trung Quốc sử dụng dịch vụ của họ. 

Đăng ký vay trực tuyến ở Trung Quốc cực kỳ dễ dàng và nhanh gọn. Người vay chỉ cần chọn một ứng dụng cho vay, nhập các dữ liệu cá nhân theo yêu cầu. Nếu nhanh tay, họ có thể hoàn thành quy trình chỉ trong vài phút. Và cũng chỉ cần chờ thêm vài phút, số tiền đăng ký vay đã nằm gọn trong tài khoản. 

“Bạn còn trẻ, bạn cứ tiêu xài thoải mái đi”, tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc kêu gọi. Hưởng ứng lời kêu gọi, Gen Z đua nhau đăng ký các gói vay. Sẵn thẻ và điện thoại thông minh trong tay, họ thỏa sức quẹt và quét thanh toán. 

Rồi nợ ngập đầu

Bắt đầu từ năm nay, thoát khỏi nợ tín dụng là ưu tiên hàng đầu của Gen Z.
Bắt đầu từ năm nay, thoát khỏi nợ tín dụng là ưu tiên hàng đầu của Gen Z.

Luật tài chính Trung Quốc quy định, các khoản cho vay trực tuyến chỉ được phép tính lãi suất từ 36% trở xuống. So với lãi suất vay thế chấp chỉ dưới 10%, nó khá là cao. 

Mỗi ứng dụng cho vay của Trung Quốc lại có chính sách cho vay riêng. Các gói cho vay cũng thay đổi dựa trên điều kiện của người vay, ví dụ như tuổi tác, công việc, lịch sử thanh toán… “Tiền trong thẻ cứ như tiền ảo ấy” - Eva Wang (1998) lên tiếng - “Tôi cứ việc thỏa sức mua sắm, chẳng phải lo mất hay cạn”.

Tuy nhiên, Wang phải sớm nhận ra tiền trong thẻ cũng là tiền thật. Tháng 6/2020, cô bị mất việc vì ảnh hưởng của Covid-19. Suốt mấy tháng kế tiếp, Wang vẫn chưa xin được việc làm khác. Cô không có khoản thu nhập nào, nhưng vẫn còn khoản nợ tín dụng 40.000 tệ (142 triệu đồng).

Trong số 86,6% thanh niên Trung Quốc sử dụng các gói vay tín dụng, chỉ có 42,1% là tất toán đúng hạn. 44,5% còn lại không có khả năng trả, bắt buộc phải chuyển đổi sang vay gói khác, lấy tiền thanh toán gói cũ hết hạn. Nó khiến cho tổng nợ của họ gia tăng và lãi suất cũng nâng. 

“Nhìn vào khoản nợ cứ ngày một tăng lên, tôi muốn đổ bệnh” - Wang than vãn - “Tôi tuyệt vọng và hổ thẹn đến nỗi muốn tự tử. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy sống thật đau đớn”. 

Năm 2021, Jack Ma lần nữa kêu gọi giới trẻ hãy cứ tiêu tẹt ga vì đã có cho vay trực tuyến. Khác với trước đây, ông bị 9X phản bác, bày tỏ thái độ ghét bỏ. Sau 5 năm “sống phải sang”, Gen Z nhận ra “nợ lắm thì chỉ có chết”. Họ bắt đầu nỗ lực kiểm soát ham muốn mua sắm, ăn chơi. 

“Bằng quyết tâm mãnh liệt nhất, tôi đã khống chế được cái tay hay quẹt thẻ của mình”, Shen Xiaoli (1996) chia sẻ. Thời sinh viên, cô cũng như hầu hết bạn bè, tiêu xài hoang phí không cần nghĩ. Đến khi ra trường, thấm thía kiếm được đồng tiền cơ cực như thế nào, Xiaoli mới hối hận. 

“Tôi đã tưởng cả đời cũng không trả hết nổi đống nợ đó” - Xiaoli rùng mình - “Nhưng bây giờ, tôi chỉ còn có một khoản 1.000 tệ (3,6 triệu đồng) nữa thôi. Tháng sau, tôi sẽ giải quyết nốt và lấy lại sự tự do triệt để”. 

Về phần Wang, sau khi hồi phục tinh thần và tìm được việc làm mới, cô trình bày mọi chuyện với gia đình, nhờ hỗ trợ. Wang cũng chấm dứt ăn tiêu hoang phí, nỗ lực tiết kiệm.

Cô tự hứa sẽ tất toán mọi khoản vay nhanh nhất có thể. “Không gì đáng sợ hơn là cái thói bóc ngắn cắn dài” - Wang kết luận - “Thật may, tôi vẫn còn trẻ và chưa quá muộn để thay đổi”.

Theo Latimes và Pandaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.