Tổng thống Putin lên tiếng về kế hoạch xây dựng “quân đội châu Âu"

GD&TĐ - Châu Âu mong muốn tạo ra quân đội của riêng mình và dừng phụ thuộc vào Washington về mặt quốc phòng không chỉ là điều dễ hiểu mà còn là điều “tích cực” cho một thế giới đa cực – Tổng thống Putin cho biết.  

Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

“Châu Âu là một… liên minh kinh tế mạnh mẽ và rất tự nhiên, họ muốn được độc lập và có chủ quyền trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh” – ông Putin nói với hãng tin RT ở Paris, Pháp – nơi các nhà lãnh đạo thế giới có mặt để kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ 2 vào hôm qua (11/11).

Tổng thống Nga mô tả khả năng tạo ra quân đội châu Âu là “một quá trình tích cực”, đồng thời nói thêm rằng nó sẽ “tăng cường sức mạnh cho thế giới đa cực”. Nhà lãnh đạo Nga thậm chí còn thể hiện sự ủng hộ của mình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người đi đầu về ý tưởng này và cho biết quan điểm của Nga “có phần giống Pháp” ở mức độ nào đó.

Gần đây, ông Macron nói về các kế hoạch đầy tham vọng là tạo ra một lực lượng quân sự chung của Liên minh châu Âu bởi cho rằng đó là điều cần thiết cho sự an toàn của châu Âu. Ông cũng nói rằng châu Âu phải trở nên độc lập với đồng minh quan trọng của mình ở phía bên kia Đại Tây Dương. Điều này đã gây ra  phản ứng tức giận từ Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ý tưởng này “mang tính sỉ nhục” và yêu cầu châu Âu trả lại những gì Mỹ “đã trợ cấp cho NATO”. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp sau đó đã cố gắng giảm nhẹ những khác biệt khi thống nhất rằng cần có một “châu Âu mạnh hơn” và gọi đây là “một sự hiểu nhầm”.

Tuy nhiên, họ dường như vẫn bất đồng về vấn đề này khi ông Trump vẫn khăng khăng về việc chia sẻ “gánh nặng NATO” trong khi ông Macron cho thấy ông chưa sẵn sàng từ bỏ ý tưởng về một lực lượng châu Âu.

Nói về mối quan hệ của Moscow với NATO và Washington, ông Putin cho biết Nga luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời cho rằng trái bóng hiện đang ở sân Mỹ. “Không phải chúng tôi sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, mà Mỹ dự định làm việc đó” – ông Putin nói về kế hoạch của Washington về việc rút khỏi thỏa thuận vũ khí đã 30 năm vốn ngăn cấm việc sở hữu và phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ được khôi phục, đặc biệt là cấp chuyên gia. Ông cũng cho rằng gần đây Nga đã tránh tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới NATO để giảm bớt căng thẳng, đồng thời Moscow “không có vấn đề gì” với các cuộc tập trận của NATO và hy vọng có hội đàm phán trong lĩnh vực này. 

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ