Philippines: Thà thất nghiệp còn hơn làm y tá

GD&TĐ - Có lẽ, không có ở đâu nghề điều dưỡng lại vất vả và bị trả lương thấp như ở Philippines.

Y tá Philippines biểu tình, phản đối mức lương và phúc lợi không thỏa đáng.
Y tá Philippines biểu tình, phản đối mức lương và phúc lợi không thỏa đáng.

Dù với 14 năm thâm niên, Pauline Budy (Manila) chỉ được trả 630 peso/ngày (tương đương 300.000 đồng). Mức lương này chỉ cao hơn mức lương tối thiếu quy định chung là 145 peso (khoảng 70.000 đồng). 

Tỷ lệ chỉ 1/5.000

Philippines có diện tích 300.000 km2 và dân số 105,8 triệu người. Họ đang gặp rắc rối lớn vì thiếu nhân viên y tế giữa đại dịch Covid-19. Mặc dù là quốc gia “xuất khẩu” nhiều y tá nhất cho thế giới, tỷ lệ y tá trên toàn dân trung bình chỉ 1/5.000.

Ở các vùng miền xa xôi, tỷ lệ y tá trên dân cư còn thấp tới 1/20.000. Từ năm 2018, Philippines đã báo cáo: 3/4 đơn vị chính quyền địa phương bị thiếu nhân viên y tế. Trong khi đó, lượng y tá tràn ra nước ngoài lại quá đông. Ước tính hàng năm, 2/5 sinh viên ngành điều dưỡng mới tốt nghiệp rời đất nước. Tại Singapore, y tá gốc Philippines nhiều đến mức gần như bệnh viện nào cũng có.

Trung bình mỗi năm, Philippines có khoảng 13.000 y tá rời quốc gia. Nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh mất nhân viên điều dưỡng ở đây là đồng lương quá thấp. Nếu tại Vương quốc Anh, một y tá có thể kiếm từ 1.950 - 2.250 bảng Anh/tháng (khoảng 51 - 72 triệu đồng) thì tại Philippines, nó không quá 21.000 peso/tháng (gần 10 triệu đồng).

Trong bảng mức lương tối thiểu chia theo ngành nghề ở Philippines, lương điều dưỡng nằm ở bậc 15/33. Nếu quy ra số tiền, nó là 33.575 peso/tháng (khoảng 16 triệu đồng). Thế nhưng kể từ khi quy định lương này được xác lập vào năm 2002 đến nay, mức lương thực tế của y tá chỉ giới hạn ở cao nhất là 21.000 peso/tháng.

Phần lớn các bệnh viện ở Philippines chỉ thuê y tá theo dạng hợp đồng. “Chúng tôi muốn trả cho họ mức lương phù hợp, nhưng không được cấp ngân sách nên cũng hết cách”, Tolentino – quan chức Bộ Y tế (Department of Health) giải thích.

Lương thấp, áp lực cao

Pauline Budy có thâm niên điều dưỡng 14 năm, nhưng chỉ được trả 630 peso/ngày (tương đương 300.000 đồng).
Pauline Budy có thâm niên điều dưỡng 14 năm, nhưng chỉ được trả 630 peso/ngày (tương đương 300.000 đồng).

Tại Philippines, điều dưỡng là “một trong các khóa học đắt đỏ nhất”, nhà xã hội học Yasmin Ortiga (Singapore) cho biết. Nhờ chương trình đào tạo chuyên sâu và khắt khe, họ tự hào là đất nước có lực lượng y tá giàu chuyên môn nhất hành tinh.

Trong bệnh viện Philippines, y tá là những người vất vả nhất. Với “quân số” ít ỏi, họ bắt buộc phải làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường.

Tháng 1/2020, Philippines bị đại dịch Covid-19 tấn công. Áp lực chăm sóc dồn lên vai ngành điều dưỡng, ép các y tá phải chia 2 ca, mỗi ca 12 tiếng. “Cái khó khăn nhất là thiếu thốn thiết bị bảo hộ. Tôi chỉ có đúng một bộ nên không thể thay đổi trong ca. Suốt 12 tiếng, tôi phải nhịn đói và không dám đi vệ sinh. Chưa hết, nhiều người còn không được cung cấp đồ bảo hộ, phải tự bỏ tiền ra mua”, một y tá tại thủ đô Manila nói.

Bắt đầu từ tháng 4/2020, tỷ lệ y tá Philippines mắc Covid-19 tăng vọt. Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organisation), có tới 13% bệnh nhân Covid-19 ở đây là nhân viên điều dưỡng. Tính đến cuối năm 2020, có 141 nhân viên y tế qua đời vì Covid-19.

Bất chấp sự thiếu thốn nhân viên điều dưỡng, Philippines phớt lờ công sức của các y tá. Họ không có ý định tăng lương hay giảm áp lực, cường độ công việc.

Ra nước ngoài hoặc bỏ nghề

Sharmaine Banog bị giữ lại Philippines vì vô tình về nước trước lệnh cấm y tá ra nước ngoài.
Sharmaine Banog bị giữ lại Philippines vì vô tình về nước trước lệnh cấm y tá ra nước ngoài.

Trước Covid-19, y tá Philippines có lựa chọn thứ 2 là ra nước ngoài xin việc. Họ rất được chào đón ở các quốc gia khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, vào tháng 4/2020, chính phủ Philippines ban hành quyết định mới: Cấm y tá ra nước ngoài. Hàng nghìn y tá di cư rơi vào tình cảnh mất việc chỉ vì vô tình về nước và chưa rời đi trước lệnh cấm.

“Tôi có rất nhiều lời mời từ nước ngoài”, Sharmaine Banog – y tá từ Ả Rập Xê Út về nước vào tháng 7/2020 bất mãn. “Trong suốt 2 năm từng làm y tá ở trong nước, tôi chưa bao giờ được nhận thù lao xứng đáng. Thay vì cấm chúng tôi đi, tại sao chính phủ không nghĩ đến chuyện thu hút chúng tôi về bằng mức lương và phúc lợi phù hợp hơn?”.

Trả lời các y tá như Banog, Philippines ký sắc lệnh tăng lương trong thời kỳ đại dịch, trả thêm 500 peso/ngày (khoảng 240.000 đồng). Tuy nhiên tính đến hết tháng 12/2020, có gần 17.000 người vẫn chưa được thanh toán lương công thêm.

Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện, các y tá cấp cao (xếp hạng theo thâm niên) đột ngột bị đánh tụt xuống cấp thấp. Lẽ dĩ nhiên, tiền lương cũng bị hạ xuống theo. “Ở đất nước này, cả bệnh viện lẫn chính phủ đều coi nhẹ người làm nghề điều dưỡng”, Ortiga thừa nhận. Nó dẫn đến hệ quả không thể tránh là bỏ việc.

“Y tá chúng tôi vẫn còn làm việc chỉ vì một lý do là yêu nghề”, Pauline Budy chia sẻ. “Nhưng bây giờ, tôi phải suy nghĩ lại vì gia đình và con cái. Với đồng lương còm cõi này, tôi không thể lo cho các con ăn học thành tài”.

“Mục tiêu của tôi vẫn là ra đi”, Banog quả quyết. Dù thất nghiệp và phải lo cho 3 đứa em ăn học, cô không xin việc trong nước mà kiên nhẫn chờ. Tháng 11/2020, Philippines gỡ lệnh cấm y tá xuất quan. Banog có lại cơ hội ra nước ngoài, còn Budy quyết định sẽ tới Anh quốc.

Có điều, Philippines đã áp dụng quy định mới nhằm hạn chế mất mát nhân viên điều dưỡng. Họ chỉ cho phép 5.000 người nghỉ việc/năm. Nếu không nằm trong số 5.000 người này, Budy cũng không có cơ hội ra nước ngoài xin việc.

Theo Channelnewsasia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ