Philippines: Covid-19 làm lộ yếu kém của ngành giáo dục

GD&TĐ - Covid-19 có thể là cơ hội để Chính phủ Philippines áp dụng công nghệ nhằm thay đổi hệ thống giáo dục toàn quốc.

Học sinh Philippines học trực tuyến tại nhà.
Học sinh Philippines học trực tuyến tại nhà.

Trái lại, đại dịch làm nổi bật những vấn đề nghiêm trọng trong giáo dục như khả năng tiếp cận Internet của học sinh còn hạn chế.

Đến nay, 2,6 triệu trẻ em Philippines phải nghỉ học vì cha mẹ không có việc làm. Nhiều em phải chuyển đến các trường công lập miễn học phí. Tỷ lệ nhập học năm 2020 giảm 1/10 xuống còn 24,6 triệu học sinh so với năm 2019.
Khi trường học địa phương đóng cửa, thầy cô không thể tương tác với học sinh, đặc biệt những em đến từ gia đình nghèo hoặc thu nhập thấp. Việc thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị học trực tuyến càng nới rộng khoảng cách cô - trò.

John Lazaro, đại diện nhóm Thanh thiếu niên Samahan Progresibong Kabataan, cho biết: “Các bất cập trong giáo dục phản ánh những vấn đề lớn hơn trong xã hội như nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe”.

Lazaro kể nhiều phụ huynh không thể dạy con tại nhà vì kiến thức học quá khó. Phần lớn gia đình không có máy tính xách tay hay các thiết bị công nghệ khác phục vụ việc học trực tuyến.

Trước đó, Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục nhưng bị trì trệ vì khủng hoảng do Covid-19 mang lại. Nhiều thanh thiếu niên Philippines đã yêu cầu chính phủ ngừng tổ chức học trực tiếp cho đến khi có vắc-xin Covid-19. Trong thời gian trường đóng cửa, ngoài tổ chức học online, Bộ Giáo dục cũng cần lên kế hoạch chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn bình thường mới.

Lazaro cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng đóng cửa trường học không thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Nhưng đây là biện pháp khẩn cấp để cơ quan quản lý giáo dục nghiêm túc suy nghĩ về các vấn đề trong giáo dục và tìm cách giải quyết nó, thay vì thực hiện các kế hoạch thiếu hiệu quả”.

Thượng nghị sĩ Sherwin T. Gatchalian, người đứng đầu Ủy ban Giáo dục cơ bản, cho biết: “Mặc dù có rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc thu nạp kiến thức khi học từ xa nhưng việc học này vẫn đang diễn ra chứ không hoàn toàn bằng không. Nếu chúng ta không triển khai học online, nhiều học sinh sẽ bỏ học, từ đó gây ra vấn đề lớn hơn cho xã hội”.

Ông Gatchalian nhận xét ngành giáo dục quốc gia đã ở trong “cuộc khủng hoảng sâu sắc” trước khi Covid-19 xảy ra. Nếu chính phủ không giải quyết bài toán về chất lượng đào tạo, những vấn đề trong giáo dục sẽ có ảnh hưởng lâu dài.

Trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2018, Philippines đứng cuối danh sách (79/79). Điểm trung bình môn Đọc hiểu của học sinh phổ thông là 340, môn Khoa học là 357 và môn Toán là 353. Trong khi điểm trung bình của học sinh các nước OECD ở môn Đọc hiểu là 487 và 489 ở môn Khoa học và Toán. Trong Chỉ số Học tập tiểu học ở Đông Nam Á năm 2019, học sinh lớp 5 của Philippines cũng được đánh giá là tụt hậu so với học sinh lớp 5 ở các quốc gia khác.

“Khủng hoảng sức khỏe có thể sớm trôi qua nếu có vắc-xin nhưng tác động của nó lên giáo dục là lâu dài. Học sinh có thể bỏ học, mang thai sớm, kết quả học tập kém. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng việc làm, khả năng đổi mới và cạnh tranh của đất nước”.

Jerome T. Buenviaje, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Philippines, cho biết giáo dục là một trong những chỉ số quan trọng nhằm đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia.

“Việc học nên tiếp tục được triển khai bất chấp đại dịch. Học trực tuyến, học từ xa có thể không hiệu quả tuyệt đối nhưng đây là những biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách học tập và các tác động khác của đại dịch. Các trường nên khắc phục nhược điểm của học online khi tái mở cửa”, ông Buenviaje cho biết.

Theo Bworld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.