Kinh tế và giãn cách

GD&TĐ - Ngày 12/1, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Tuyên bố được cho là gây bất ngờ bởi được đưa ra chưa đầy một ngày sau quyết định phong tỏa một số bang.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mục đích chính của tình trạng khẩn cấp là chống lại làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba. Thủ tướng Muhyiddin Yassin đề nghị, các sắc lệnh khẩn cấp có thể được ban hành để cho phép chính phủ tiếp cận tài sản y tế tư nhân và trao quyền cho lực lượng vũ trang hỗ trợ ngành y tế công.

Các nhà phê bình đã lập luận rằng, những luật và biện pháp hiện tại là quá đủ để ngăn chặn làn sóng Covid-19. Song, tình hình chính trị bấp bênh chỉ là một trong nhiều bất ổn mà Malaysia phải đối mặt. Triển vọng lạc quan ban đầu về việc ngăn chặn đại dịch ở Malaysia dường như đã “tan thành mây khói”.

Các biện pháp đã được đề xuất để ngăn chặn làn sóng hiện tại trong giai đoạn đầu. Đáng tiếc, chính phủ nước này phải nới lỏng biện pháp do những cân nhắc về kinh tế. Trong khi đó, sự mệt mỏi của công chúng với các quy định giãn cách cũng trở nên trầm trọng hơn.

Kế hoạch tiêm chủng ban đầu cho 70% dân số vào quý đầu tiên của năm 2021 đã phải được điều chỉnh ngay tức thời. Bởi, lô vắc-xin đầu tiên của Pfizer-BioNTech sẽ có mặt tại địa phương vào cuối tháng 2 và chỉ đủ cho 20% dân số.

Mốc thời gian để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vẫn đang được chờ đợi, với nguồn hy vọng là vắc-xin Sinovac. Đây là nguồn vắc-xin lớn thứ hai của Malaysia và đang được nghiên cứu thêm về hiệu quả.

Điều này không phải là điềm báo tốt cho sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Quyết định phong tỏa vào tháng 3 năm ngoái đã hạn chế tiêu dùng tư nhân và là yếu tố chính dẫn đến mức thụt giảm xuống 17,1% GDP trong quý II/2020. Đây là con số thấp kỷ lục kể từ Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Nhiều biện pháp kích cầu khác nhau được đưa ra nhằm thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Các chương trình trợ cấp tiền lương cũng giúp 2,4 triệu việc làm được duy trì, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng ở mức khoảng 4,7%.

Cùng với xu hướng toàn cầu, Malaysia chứng kiến sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quốc gia này ghi nhận 8,6 tỷ RM (2,1 tỷ USD) vốn FDI trong nửa đầu năm 2020, giảm mạnh so với 23,3 tỷ RM trong cùng kỳ năm 2019.

Malaysia đang kỳ vọng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi. Bởi, hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này - Trung Quốc và Singapore, gần như đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch. Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11 năm ngoái cũng sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Malaysia, đặc biệt là ngành điện và điện tử.

Trong tương lai, đại dịch tạo động lực cho các cuộc cải cách kép về mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ và đưa Malaysia lên chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi, các vấn đề về kết nối Internet kém ngoài khu vực đô thị luôn là trở ngại với người dân.

Đầu tư vào công nghệ và lao động có kỹ năng sẽ là yếu tố then chốt giúp Malaysia mở rộng quy mô doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Dù tốt hay tệ hơn, có vẻ như việc sống chung với những bất ổn đã trở thành điều bình thường mới ở Malaysia...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ