Chìm trong khủng hoảng kép

GD&TĐ - Nước Mỹ đang ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày ở mức kỷ lục, cho thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống cũng đang kéo nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng khác do sự giằng co chưa có hồi kết giữa hai phe.

Theo số liệu của Đại học John Hopkins, ngày 10/11 vừa qua, một cột mốc đáng buồn mới tại ổ dịch Mỹ được ghi nhận khi có tới 201.961 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tại nước này lên hơn 10,5 triệu. Texas cũng vừa trở thành bang đầu tiên của Mỹ vượt mốc 1 triệu ca mắc Covid-19 và trở thành điểm nóng nhất của ổ dịch lớn nhất thế giới này.

Những thống kê đang cho thấy, đại dịch sẽ còn hoành hành và ảnh hưởng rất tiêu cực đến nước Mỹ trong thời gian tới. Việc đại gia ngành dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức công bố vắc-xin của họ đạt khả năng trên 90% trong ngăn ngừa Covid-19 đã mang lại không khí lạc quan lớn, nhưng chưa thể giải quyết sớm được cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.

Cuộc “chạy đua” giữa tốc độ lây lan của virus với tiến trình phát triển vắc-xin càng khẳng định Covid-19 là đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua không chỉ với nước Mỹ mà đối với cả thế giới. Tốc độ phát tán của virus còn vượt xa phỏng đoán của các chuyên gia. Trong tuần đầu của tháng 11, số ca nhiễm mới tại Mỹ vượt 100.000 mỗi ngày, nhưng chỉ trong 10 ngày sau đó con số này đang có xu hướng tăng gấp đôi.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng thứ hai tại nước Mỹ hiện nay là cuộc bầu cử tổng thống. Cách thức ứng phó với Covid-19 của chính quyền ông Donald Trump được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến ông thất cử.

Tuy nhiên, sau một tuần kể từ ngày bỏ phiếu ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa này vẫn kiên quyết không chịu nhận thua. Ông cáo buộc có gian lận bầu cử mà không đưa ra được bằng chứng và đang tìm mọi cách để ngăn cản đối thủ là ứng viên đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden tiếp quản Nhà trắng.

Cuộc giằng co giữa một bên không chịu chấp nhận kết quả bỏ phiếu với một bên dù đã nhận được lời chúc mừng từ nguyên thủ khắp thế giới nhưng vẫn chưa thể bắt tay vào tiếp quản chính quyền, khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên đặc biệt. Nhưng cuộc khủng hoảng trên chính trường này cũng đang tác động tiêu cực một cách trực tiếp đến cuộc khủng hoảng dịch bệnh của nước Mỹ.

Ngay trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng hôm 7/11, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã khẳng định sẽ dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc khống chế đại dịch ngay trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Đồng thời ông thông báo sẽ cho thành lập một đội đặc nhiệm quốc gia gồm các nhà khoa học và chuyên gia y tế để tập trung ứng phó hiệu quả với Covid-19, điều mà chính quyền Tổng thống Trump bị đánh giá là yếu kém.

Tuy nhiên, trong khi đại dịch mỗi ngày thêm nghiêm trọng hơn và làm hơn 1.500 người chết mỗi ngày thì chính trường Mỹ vẫn tiếp tục chìm trong sự bất ổn, trái với truyền thống chuyển giao êm thấm trong các kỳ bầu cử trước đây.

Điều này đang làm nước Mỹ mất đi thời gian quý báu để có thể khởi động một chiến lược đối phó dịch bệnh hiệu quả hơn. Do đó cuộc khủng hoảng dịch bệnh tại Mỹ được dự đoán sẽ còn nghiêm trọng hơn, bất chấp tín hiệu tích cực từ tiến trình phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.