Afghanistan: Khó khăn không thể cản ước mơ đại học

GD&TĐ - Ở Rustam – ngôi trường nằm ở nơi hẻo lánh bậc nhất của quận Yakawlang (Afghanistan), học sinh (HS) phải học trong điều kiện không có điện, máy tính hay máy photocopy. Các tài liệu đều được giáo viên (GV) tự tay viết, thay vì có thể in ra hay trình chiếu trên bảng điện tử như ở những nơi khác. Thậm chí, một cô giáo tại trường cho biết, cô có ít sách hơn cả HS.

Các HS Trường Rustam trên đường về nhà sau khi tan học
Các HS Trường Rustam trên đường về nhà sau khi tan học

Ngôi trường đặc biệt

Từ 7 giờ sáng, nhiều nữ sinh từ 7 - 18 tuổi mặc đồng phục màu xanh da trời và khăn quàng trắng, đã bắt đầu đi bộ được hơn một giờ đồng hồ trên con đường đến trường. Gần 8 giờ, các HS đều có mặt tập trung tại sân Trường Rustam. Đây là nơi có 330 nữ sinh ,146 nam sinh theo học từ lớp 1 – 12. Những con số này có thể coi là một điều đáng kinh ngạc ở đất nước thường chỉ có 1/3 nữ sinh được đến trường.

Chia sẻ với học trò, Hiệu trưởng Mohammad Sadiq Nasiri (49 tuổi) cho biết: “Để vào được ĐH sẽ là điều khó khăn hơn bao giờ hết, vì vậy các em phải làm thật tốt”. Chỉ với 7 phòng học bằng đá và 6 cái lều lớn, số lượng HS tại Rustam bị quá tải tới nỗi, nhà trường phải chia thành 2 ca học vào buổi sáng và buổi chiều, trong đó, mỗi ca học kéo dài 4 tiếng đồng hồ.

Chia sẻ với truyền thông, Hiệu trưởng Nasiri khẳng định: “Chỉ 5% HS có cha mẹ biết đọc và viết. Hầu hết, các em là con nhà nông, sống tự cung tự cấp”. Trái với những điều kiện thiếu thốn của trường, theo thống kê vào năm 2017,

Rustam có tới 60/65 HS sau khi tốt nghiệp được nhận vào các trường ĐH công lập của Afghanistan, với tỷ lệ đỗ ĐH lên tới 92%. Đặc biệt hơn, 2/3 trong số đó là HS nữ.

Không giống như hầu hết trường học ở Afghanistan, Rustam cho phép HS nam và nữ được học chung trong một lớp học. “Cả nam và nữ đều bình đẳng như nhau. Các em đều có khối óc và cơ thể giống nhau”, Hiệu trưởng Nasiri nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Nasiri cũng khẳng định, nhà trường thường xuyên nhắc nhở HS rằng, không có bất cứ sự khác biệt nào giữa các em và vì vậy, các HS sẽ đi cùng nhau cho tới ĐH và cần học cách tôn trọng lẫn nhau.

Tại Afghanistan, 40% câu hỏi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH về Toán học. Và, thật ngạc nhiên, các nữ sinh tại Rustam đều có niềm yêu thích bất tận với môn Toán. Shahrbano Hakimi (17 tuổi), một nữ HS đứng đầu môn Toán lớp 11và môn Tin học tại Trường Rustam, cho biết: “Điều mà em mong muốn nhất ngày lúc này là có được một chiếc máy tính xách tay”. Bởi lẽ, các em nhỏ tại Rustam chỉ được học về Tin học thông qua sách, vở và hầu hết HS đều không có máy tính ở nhà.

Nơi lòng tốt được lan tỏa

Khi phiến quân Taliban cai trị Afghanistan, trẻ em nữ không được phép đến trường, còn phụ nữ phải ở trong nhà. Cô Joya (28 tuổi) - GV dạy Toán tại Rustam, cho biết đã không được đi học cho đến khi

Taliban bị lật đổ vào năm cô 11 tuổi. Trước đó, Joya không biết đọc, viết và chỉ được học một môn duy nhất là may vá. “Tôi phải bắt đầu từ con số 0”, nữ GV chia sẻ.

Khu vực xung quanh Rustam hiện không có Taliban và ít xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, ở những nơi khác, các gia đình vẫn không muốn để con gái đến trường, đặc biệt là ở những vùng nông thôn hẻo lánh. Nói về các nữ sinh tại Rustam, Hiệu trưởng Nasiri khẳng định, các em là những người rất có động lực. “Thật lòng mà nói, HS nữ thường thể hiện tốt hơn HS nam và nghiêm túc hơn. Những đứa trẻ này đều biết rằng, những người có học thức sẽ không bao giờ bị biến thành nô lệ”, ông Nasiri nói thêm.

Amina (18 tuổi) là nữ sinh có thành tích học tập đứng đầu toàn Trường Rustam. Nữ sinh này cho biết, bản thân là người vô cùng may mắn vì có cha là người có học thức, mặc dù mẹ em mù chữ. Nói về gia đình mình, Amina tiết lộ, em là người đầu tiên trong số 8 anh chị em học xong THPT và hy vọng sẽ được theo học tại Học viện Mawoud (Kabul) - một trường dự bị ĐH. Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, Amina chia sẻ, em mong muốn sẽ trở thành một bác sĩ.

Nữ sinh Hakimi cũng mong ước sẽ là một bác sĩ trong tương lai vì cả cha và mẹ em đều có vấn đề về sức khỏe. Ông

Ghulam Hussein, cha Hakimi cho biết: “Tôi chỉ là một nông dân. Tôi không muốn các con có một cuộc sống như vậy”. Trong số 11 người con, gia đình ông Hussein có một con trai và hai con gái đang học ĐH.

Chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn trong trường, Hiệu trưởng Nasiri cho biết, gia đình nữ sinh Friba (13 tuổi) nghèo tới mức không thể mua được một bộ đồng phục. Vì vậy, ông Nasiri đã mua vải màu xanh ở chợ, sau đó đưa cô Joya tự tay may cho em Friba.

Ngoài việc lãnh đạo Trường Rustam trong suốt 6 năm qua, ông Nasiri cùng vợ - bà Roya (45 tuổi) phải nuôi 4 cô con gái và 2 người con trai. Bà Roya là một phụ nữ không biết chữ, vì vậy, ông Nasiri đã dạy bà đọc, viết. “Chúng tôi đã thảo luận và quyết định rằng, cô ấy nên đến trường. Trẻ em sẽ có động lực hơn khi mẹ của chúng được giáo dục”, vị hiệu trưởng khẳng định.

Đặc biệt, con gái lớn của ông Nasiri đã học xong THPT trước mẹ 4 năm. Bà Roya vừa tốt nghiệp THPT và sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH vào năm tới. Nhắc tới người vợ của mình, ông Nasiri tự hào nói: “Cô ấy nuôi 6 đứa con và giờ đây, cô ấy đang tự giúp chính mình”.

Trên một sườn núi đá đối diện Trường học Rustam, nơi đàn cừu đang gặm cỏ, một cô bé chăn cừu mặc một chiếc váy màu xanh, giống với đồng phục của trường, nhưng phủ đầy bụi. Cô bé tự giới thiệu, em tên là Nikbakht (13 tuổi). Lao động nhưng không quên việc học, Nikbakht luôn mang theo người một cây bút và cuốn sách bài tập về ngôn ngữ tiếng Pashtun.“Em rất thích được đến trường học như các bạn, nhưng vì không có ai ở nhà nên em phải làm công việc này”, cô bé cho biết.

Mặc dù tiếng Pashtun là một môn học bắt buộc tại các trường ở Afghanistan, nhưng cô bé 13 tuổi tiết lộ, đó không phải là sở thích của em. Trái lại, môn học mà Nikbakht yêu thích là Toán học.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ