Các công nghệ mới có thể giúp ngăn chặn sự biến mất của âm nhạc khỏi chương trình giáo dục phổ thông. Thế nhưng, chúng hầu như không được sử dụng trong các mô hình dạy học hiện nay.
Mô hình “lỗi thời” hay…
Khoảng cách giữa giáo dục âm nhạc và việc sử dụng công nghệ của học sinh hiện nay có thể khiến cho các mô hình dạy học đương đại nhanh chóng bị lỗi thời. Không như trước đây, thanh niên hiện nay nghe nhạc, chia sẻ và sáng tác nhạc. Và cách làm của họ đã thay đổi căn bản.
Dù sao, trong giáo dục âm nhạc chúng ta có một khoảng cách quá lớn giữa âm nhạc trong lớp học và âm nhạc ở ngoài bốn bức tường của nhà trường. Học sinh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu khoảng cách này được khắc phục.
Một khảo sát của Hội Nhạc sĩ Anh cho thấy, nhiều trường phổ thông ở Anh hiện nay không bắt buộc dạy nhạc ở lớp 9, mặc dù bộ môn này có trong chương trình giáo dục quốc gia. Năm học 2012 - 2013, âm nhạc như một môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 9 trong tất cả các trường phổ thông Anh với 84%, sau đó giảm còn 62% vào năm học 2016 - 2017.
Theo các nhà nghiên cứu, thời lượng dành cho việc dạy nhạc, cũng như chất lượng của nó, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và sự tiến bộ của học sinh. Trong thời điểm hiện nay, chính các giáo viên trong các trường phổ thông quyết định dạy gì và dạy như thế nào cho học sinh ở các giờ nhạc.
Việc xác định chất lượng giảng dạy và đánh giá âm nhạc rất khác nhau ở các trường. Hội Nhạc sĩ Anh cho rằng, kế hoạch dạy học bộ môn phải được quyết định ở cấp cơ sở, còn chất lượng giảng dạy được thể hiện rõ ràng trong chuẩn chung.
Trọng tâm của giáo dục âm nhạc là công nghệ rẻ
Trên giờ nhạc học sinh chủ yếu tập hát |
Công nghệ tạo ra rất nhiều điều kiện cho dạy học, sáng tác và biểu diễn âm nhạc, bắt đầu từ các ứng dụng cho phép người dùng sáng tác nhạc kỹ thuật số trên điện thoại thông minh đến video “Học chơi đàn ghi ta như thế nào” trên YouTube.
Theo các nhà nghiên cứu, các công nghệ mới thường xuyên cung cấp những phương tiện vừa sức, rẻ tiền để sáng tác và phổ biến âm nhạc, và điều này phải trở thành yếu tố trung tâm của giáo dục âm nhạc.
Mục tiêu của giáo dục âm nhạc là giúp đỡ học sinh phát triển âm nhạc, tạo điều kiện tích lũy kinh nghiệm và nhận thức sâu sắc. Đối với một số học sinh điểm xuất phát trong phát triển âm nhạc có thể là sự trao đổi, sau đó là tìm hiểu cơ sở của lịch sử âm nhạc và sáng tác; đối với những người khác, đó có thể là những kỹ năng thực hành, nhờ chúng học sinh có thể sáng tác nhạc với sự giúp đỡ của giáo viên.
Môn Nhạc trong các trường phổ thông Nga
Theo ý kiến của nhiều người Nga, âm nhạc là một trong những môn học vô bổ nhất trong chương trình phổ thông và không giúp ích gì cho học sinh trong cuộc sống. Không có gì bí mật là các giờ học nhạc thường tẻ nhạt và không thú vị.
Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng, môn Nhạc trong các trường phổ thông đang xa rời thực tế. Học sinh không hiểu âm nhạc, vì các em không hiểu ngôn ngữ âm nhạc, không nói bằng ngôn ngữ đó. Các em không biết ký âm, không nắm được những khái niệm âm nhạc chủ yếu, không xác định được các phong cách, thời đại và thể loại âm nhạc.
Các giờ học nhạc thường biến thành những giờ học buồn tẻ, ở đó hoạt động âm nhạc duy nhất là học hát. Trong khi chuẩn giáo dục đòi hỏi học sinh phải tích cực tham gia vào môn học, trở thành không chỉ là người thưởng thức hay diễn giải thụ động mà là tác giả và người ngẫu hứng năng động.
TS nghệ thuật Nina Aleksandrovna Berger - Giáo sư bộ môn Lịch sử và Lý luận âm nhạc Nhạc viện Saint-Petersburg cho rằng, các giờ học nhạc trong trường phổ thông có thể hoàn toàn khác. Giáo dục âm nhạc có thể trở thành một lĩnh vực giáo dục độc lập. Giáo dục âm nhạc phổ thông có thể và cần phải trở thành nền tảng của giáo dục nghề nghiệp. Để thực hiện điều đó đã có những điều kiện và công nghệ mới.
Những điều kiện mới
Mục tiêu của giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông là phát triển những phẩm chất cá nhân của học sinh: Nhận xét về cái đẹp, những giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ, hình thành hệ thống giá trị, phát triển tư duy thông qua âm thanh, giọng hát và bàn tay.
Mỗi học sinh, không phụ thuộc vào khả năng, đều được giáo dục âm nhạc trong khuôn khổ chuẩn giáo dục ở nhà trường. Nghĩa là mỗi đứa trẻ đều có thể tự thể hiện như một thính giả, người biểu diễn và nhạc sĩ.
Có thể giải quyết khó khăn mà mỗi giáo viên nhạc gặp phải với sự trợ giúp của những điều kiện mới. Đó là các phím điện tử và tai nghe vòng qua đầu, chúng cho phép giáo viên làm việc với từng cá nhân trong tập thể lớp học. Tất cả học sinh được giao bài tập và với sự trợ giúp của bàn điều khiển giáo viên nghe được từng em làm bài tập như thế nào.
Không như phím điện tử, các nhạc cụ khác đều phát thành tiếng và điều này gây trở ngại cho việc dạy học tập thể.
Mục tiêu của giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông là phát triển những phẩm chất cá nhân của học sinh: Nhận xét về cái đẹp, những giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ, hình thành hệ thống giá trị, phát triển tư duy thông qua âm thanh, giọng hát và bàn tay. Có thể thực hiện giáo dục âm nhạc đích thực thông qua sự tác động qua lại của giọng hát và bàn tay, vốn được coi như một trung tâm trí tuệ thứ hai.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, việc dạy ký âm không nằm trong chương trình dạy học và được coi là không bắt buộc. Hiện nay đã có các công nghệ mới để thực hiện điều đó: Phím điện tử dùng để nghiên cứu giai điệu, các chương trình vi tính giúp phối khí, ngoài ra còn có phương pháp và kinh nghiệm dạy ký âm và chơi đàn trong điều kiện biểu diễn tập thể.
Âm nhạc luôn đặc biệt quan trọng
Nửa thế kỷ trước nhà khoa học Hà Lan Jacobus Henricus van’t Hoff, giải thưởng Nobel, đã nghiên cứu hàng trăm nhân vật lịch sử trong khoa học và rút ra kết luận rằng, những người sáng tạo nhất trong họ ngoài khoa học còn làm nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc.
Sau 5 đến 10 năm nữa, những học sinh phổ thông hôm nay khi bước vào cuộc sống người lớn cần có những kỹ năng và kỹ xảo mới, ví dụ, kỹ năng tìm tòi những giải pháp sáng tạo. Kỹ năng này được hình thành nhờ tư duy kỹ thuật thông qua sự tích hợp nghệ thuật và công nghệ.
Trong các bài giảng và chương trình biểu diễn của mình, nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ sĩ violon Nga Mikhail Kazinik thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển tư duy với sự trợ giúp của âm nhạc trong nhà trường phổ thông.
Theo ông, hầu như tất cả những người đoạt giải Nobel hồi nhỏ đều chơi nhạc: Einshtein chơi vĩ cầm, Planck (nhà vật lý Đức) chơi piano. Vì vậy nếu như học sinh cảm thấy buồn chán trên giờ học nhạc thì đó là vấn đề rất đáng lo ngại.