Cựu cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - Đại tá nghỉ hưu Douglas MacGregor cho biết kho tên lửa của nước này dành cho các hoạt động tấn công và phòng thủ là có hạn và chỉ đủ hỗ trợ các hoạt động chiến đấu trong 8 ngày.
Tuyên bố gây tranh cãi này nhấn mạnh sự yếu kém của kho vũ khí Hoa Kỳ trong bối cảnh thực hiện hoạt động bán vũ khí cho các đồng minh, bao gồm Ukraine và Israel. Ông MacGregor kêu gọi Washington xem xét lại chính sách xuất khẩu vũ khí để bảo tồn kho dự trữ chiến lược cho mục đích phòng thủ của chính mình.
Theo các nhà phân tích, kho dự trữ tên lửa hiện tại của Hoa Kỳ thực sự đang chịu áp lực do hỗ trợ quân sự mạnh mẽ dành cho các đồng minh. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, Hoa Kỳ đã chuyển giao một lượng lớn vũ khí cho Kiev, bao gồm tên lửa cho các hệ thống Patriot, HIMARS và Javelin.
Vào tháng 7 năm 2025, Lầu Năm Góc đã tạm dừng việc chuyển giao 30 tên lửa Patriot, khoảng 8.500 quả đạn pháo 155 mm, hơn 250 tên lửa dẫn đường chính xác GMLRS và 142 tên lửa Hellfire, với lý do kho dự trữ cạn kiệt.
Kho tên lửa của Hoa Kỳ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk (TLAM) và tên lửa phòng không SM-2 và SM-3, đã cạn kiệt do được sử dụng trong các chiến dịch giai đoạn 2023 - 2025.
Lầu Năm Góc ước tính có khoảng 4.000 tên lửa TLAM vào năm 2020 và kể từ đó chỉ sản xuất thêm 250 tên lửa mới. Với việc Hải quân Hoa Kỳ có thể mang theo khoảng 10.000 tên lửa trong ống phóng thẳng đứng, thì cần khoảng 3.000 tên lửa để bổ sung đầy đủ cho kho vũ khí.
Năng lực sản xuất của các nhà máy công nghiệp quốc phòng Mỹ là có hạn, với khoảng 500 tên lửa được sản xuất hàng năm, không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong các cuộc xung đột.

Tình hình trở nên phức tạp hơn bởi hoạt động quân sự gần đây ở Iran, nơi Hoa Kỳ đã sử dụng 14 quả bom hạng nặng GBU-57 MOP để tấn công các cơ sở hạt nhân vào tháng 6 năm 2025.
Chiến dịch này, mặc dù không liên quan trực tiếp đến kho dự trữ tên lửa, nhưng lại làm nổi bật sự căng thẳng về nguồn lực quân sự. Đồng thời, Nga và Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí tên lửa của họ, bao gồm những hệ thống siêu thanh, gia tăng áp lực lên Hoa Kỳ.
Đại tá McGregor lưu ý rằng việc cạn kiệt kho dự trữ có thể buộc Hoa Kỳ phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xung đột kéo dài, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại chiến lược.
Lầu Năm Góc vẫn chưa bình luận về con số chính xác, nhưng thừa nhận rằng kho dự trữ một số loại vũ khí, bao gồm tên lửa Patriot, đang ở mức cực kỳ thấp - khoảng 25% nhu cầu để thực hiện kế hoạch quân sự.
Đây là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine vào tháng 7 năm 2025, nhấn mạnh ưu tiên "lợi ích của nước Mỹ".