Thế giới vượt mốc nghiệt ngã vì Covid-19, WHO báo động ca tử vong ở châu Âu

GD&TĐ - Thế giới đã vượt qua ngưỡng nghiệt ngã với 4,5 triệu ca tử vong do Covid-19 – theo một thống kê của hãng tin AFP hôm qua (30/8) khi biến thể Delta tàn phá toàn cầu.

Công nhân khiêng thi thể nạn nhân COVID-19 trong quan tài bằng bìa cứng để hỏa táng tại một nghĩa trang ở ngoại ô Colombo, Sri Lanka.
Công nhân khiêng thi thể nạn nhân COVID-19 trong quan tài bằng bìa cứng để hỏa táng tại một nghĩa trang ở ngoại ô Colombo, Sri Lanka.

Khoảng 10.000 ca tử vong được báo cáo mỗi ngày trên thế giới, đây là con số thấp hơn nhiều so với mức cao nhất của tháng 1 khi trung bình có 14.800 ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, nó cũng cao hơn nhiều so với đầu tháng 7 khi có khoảng 7.800 ca tử vong hàng ngày.

Với trung bình 1.290 ca tử vong mỗi ngày trong tuần qua, Mỹ một lần nữa trở thành quốc gia có nhiều ca tử vong mới nhất thế giới. Hồi tháng 1, nước này ghi nhận tới 3.380 ca tử vong mỗi ngày và con số đã giảm xuống chỉ còn 200 ca vào đầu mùa hè. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ đang đối mặt với làn sóng của biến thể Delta độc hại vốn đã có mặt hầu hết trên thế giới.

Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn vào năm 2021 so với năm 2020 với hơn 2,6 triệu ca tử vong được báo cáo chính thức kể từ tháng 1 so với chỉ dưới 1,9 triệu ca của cả năm ngoái.

Các quốc gia trên thế giới đang hy vọng vắc xin sẽ giảm bớt sự lây lan của virus nhưng có sự chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia giàu và nghèo. Tại châu Phi trong 100 người mới có 7 người được tiêm vắc xin, con số này ở châu Âu là 99 và ở Mỹ là 111.

Các loại vắc xin cũng được xem là kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta.

Theo một nghiên cứu được các cơ quan y tế Mỹ công bố vào tuần trước, hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna chống lại Covid-19 giảm từ 91% xuống 66% kể từ khi biến thể Delta thống trị Mỹ. Tuy nhiên, vắc xin vẫn rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng.

WHO báo động số ca tử vong vì Covid-19 tăng mạnh ở châu Âu

WHO hôm qua cảnh báo 236.000 khác có thể chết vì Covid-19 ở châu Âu vào ngày 1/12, gióng lên hồi chuông báo động về số ca mắc gia tăng và tỷ lệ tiêm vắc xin đang trì trệ tại châu lục này.

Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge hôm qua cho biết số ca mắc và tử vong đang tăng trở lại ở châu Âu, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn ở Balkan, Kavkaz và Trung Á.

“Tuần trước, số người chết trong khu vực đã tăng 11%, một dự báo đáng tin cậy là có 236.000 ca tử vong ở châu Âu, tính đến ngày 1/12” – ông Hans Kluge nói.

Đến nay, châu Âu đã ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca tử vong do Covid-19. Trong số 53 quốc gia thành viên của châu lục này, 33 nước có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 10% trong 2 tuần qua, chủ yếu là tại các quốc gia nghèo hơn – theo ông Kluge.

Tỷ lệ lây truyền cao trên toàn châu lục là “đáng lo ngại sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng thấp trong các nhóm dân số ưu tiên ở một số quốc gia”. Ông Kluge cho rằng biến thể Delta có một phần nguyên nhân, cùng với việc “nới lỏng quá mức” các hạn chế và biện pháp chống dịch và sự gia tăng du lịch vào mùa hè.

Trong khi khoảng 1 nửa số người ở khu vực châu Âu của WHO được tiêm chủng đầy đủ, việc tiêm vắc xin tại đây đã chậm lại. Chỉ 6% người dân ở các quốc gia thu nhập trung bình và thấp được tiêm chủng đầy đủ, tại một số quốc gia chỉ cố gắng tiêm được vắc xin cho 1/10 nhân viên y tế.

“Tình trạng đình trệ trong việc tiêm vắc xin tại khu vực này là điều đáng lo ngại” – ông Kluge nói và kêu gọi các quốc gia “tăng cường sản xuất, chia sẻ liều lượng và cải thiện khả năng tiếp cận”.

Theo ông Kluge, “sự hoài nghi về vắc xin và sự phủ nhận khoa học đang cản trở chúng ta ổn định cuộc khủng hoảng này. Nó không có mục đích gì và chẳng tốt cho ai cả.”

Cảnh báo trên được đưa ra khi WHO và UNICEF thúc giục các nước châu Âu đưa giáo viên trở thành nhóm ưu tiên được tiêm chủng để các trường học có thể mở cửa.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu).

Tây Bắc tự tin bước vào năm học mới

GD&TĐ - Mặc dù còn bộn bề khó khăn, song các trường học vùng cao Tây Bắc đã nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho năm học mới,