Trò cần được tạo động lực ôn thi
Lắng nghe một số GV là tổ trưởng bộ môn, GV bộ môn có môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, PV báo GD&TĐ nhận thấy, dù có lộ trình để các nhà trường chủ động hơn trong việc dạy và học nhưng khi đề minh họa được công bố vẫn khiến nhiều GV và HS cảm thấy băn khoăn.
Qua phân tích và lắng nghe ý kiến của một số GV, HS tại Hà Nội thì thấy thách thức chủ yếu đối với GV và HS lớp 12 nằm ở phần nội dung kiến thức lớp 11 được đưa vào đề thi: HS và GV băn khoăn liệu đề thi năm 2018 sẽ thêm những phần kiến thức gì ở lớp 11? Học và ôn tập như thế nào để vừa nắm vững chương trình lớp 12 mà vẫn có thời gian ôn lại được chương trình lớp 11?
“Với phương thức thi trắc nghiệm, bất cứ chi tiết nhỏ nào cũng có thể vào đề thi, vì vậy, để có thể học và nắm vững kiến thức lớp 12 đã là một thách thức, nay thêm kiến thức lớp 11 lượng kiến thức trở nên quá lớn. Sau khi làm đề thi “thử” của Sở vừa qua em thấy áp lực lớn về mặt thời gian khi làm đề thi trắc nghiệm”- HS Nhật Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) thật thà chia sẻ - “Em mong thầy cô mở lớp luyện thi, giúp HS lớp 12 chúng em ôn luyện tốt hơn, nhất là ôn lại nội dung kiến thức lớp 11”.
Còn Thu Phương (HS chuyên Toán) lại cho biết, dù học chuyên môn KHTN nhưng em lại chọn thi tổ hợp môn KHXH, lý do em đưa ra là ngoài “yêu thích” môn XH thì: “Yêu cầu của đề thi làm em nhận thấy tổ hợp KHXH dễ học hơn. Tuy nhiên, khó khăn của thi chéo ban là số tiết học những môn thi trên lớp hạn chế hơn thi đúng ban, khiến em phải đi học thêm ngoài giờ học chính khóa nhiều hơn. Em mong các thầy cô tạo điều kiện ôn luyện kiến thức mở rộng (kiến thức lớp 11) của đề năm nay và tạo động lực tinh thần cho em cùng các bạn HS đang trong thời gian ôn luyện nước rút”.
Thầy Ngọc Anh (GV môn Hóa, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ: “Thực tế là từ năm 2017, khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi tổ hợp môn KHTN thực tế giảng dạy không chỉ môn Hóa mà các môn khác trong tổ hợp cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, năm ngoái tôi đã xác định một HS khi chọn thi tổ hợp KHTN không có nghĩa là phải ép HS đó tập trung toàn lực học môn Hóa. Nếu HS không thích học môn nào thì rất khó ép HS học. Bây giờ GV phải làm thế nào để HS ôn thi có định hướng”.
“Trước hết, tùy theo khả năng của HS, trước hết ôn thi phải làm sao để không bị điểm liệt, sau đó phải phấn đấu để đạt điểm cao hơn. Ngay trong lớp tôi dạy tôi phải phân hóa HS ra thành hai nhóm: Một nhóm thi môn Hóa lấy điểm xét tuyển ĐH, một nhóm HS không xét tuyển ĐH nhưng phải thi môn tôi dạy. Trong phân hóa như vậy tôi hình thành nội dung dạy trên lớp và giao bài tập hoàn toàn khác cho hai nhóm để phù hợp với mục tiêu lấy điểm thi của HS.
Gần như tôi đã dạy “lớp ghép” hai mức trình độ HS khác nhau. HS không cần đạt điểm cao, nhưng cần thi “qua” môn học thì tôi cho những dạng bài tập cơ bản, cho các HS trong nhóm này làm đi làm lại các dạng bài tập cơ bản. Thậm chí tôi chỉ đặt mục tiêu cho nhóm HS này đạt điểm 3 - 4 và có thể nâng dần mục tiêu điểm, tùy theo nỗ lực của bản thân HS”- thầy Ngọc Anh chia sẻ kinh nghiệm ôn thi cho HS.
“Tuy nhiên, HS hiện nay ứng phó với các môn học không tốt là khi thi trắc nghiệm thì cứ “khoanh bừa” câu trả lời. Thậm chí năm ngoái thi chính thức tôi thấy môn Hóa còn đỡ, chứ có môn như môn Sinh tôi coi thi tại một trường tỉnh khác đã tận mắt thấy nhiều HS chỉ “khoanh bừa” 5 - 10 phút là coi như làm xong bài thi” - thầy Ngọc Anh cho biết.
Trong khi đó, nói về việc ôn thi môn Văn, cô Lê Hằng (Tổ trưởng môn Văn) cho rằng: “Môn Văn có những đặc thù không giống nhiều môn khác. Với yêu cầu của đề minh họa môn Văn năm nay sẽ là khó khăn với GV dạy và ôn thi, khó khăn cho chính HS. Tuy nhiên, chủ động là yếu tố cần nhất đối với GV dạy và ôn thi cũng như HS lớp 12 năm nay”.
“Ở tổ Văn của tôi thống nhất trong quá trình dạy và ôn thi cho HS, trước hết phải đứng ở vị trí của người ra đề, khi mà kiến thức thi sẽ tích hợp cả lớp 11 và lớp 12. GV trong tổ xây dựng ôn cho HS theo chuyên đề, chẳng hạn là thơ thì bài nào có thể kết hợp ôn tập với bài nào, nếu văn xuôi bài nào có thể vừa dạy vừa gợi đến bài nào. Nếu ôn như vậy thì kiến thức sẽ khá trọng tâm chứ không đến mức dàn trải. Nghĩa là khi GV cố gắng tìm ra những đề, những nội dung ôn thi có thể tích hợp với nhau thì nhất định sẽ có điểm chung để việc ôn tập đỡ dàn trải, nặng nề”- cô Hằng cho biết cách ôn luyện cho HS khi nội dung đề thi mở rộng ra cả chương trình lớp 11.
Để dạy theo mục tiêu kết quả thi và khả năng của chính HS, cô Hằng cho biết cách làm: “Chúng tôi phải phân hóa HS, tìm hiểu ma trận đề có 20% nhận biết, 20% nâng cao, 60% chia cho kiến thức thông hiểu, vận dụng… Từ đòi hỏi trình độ của đề minh họa mà chia HS trong lớp ra các nhóm HS với khả năng làm bài khác nhau, qua đó có những quan tâm cụ thể tới từng HS trong ôn thi. Thậm chí sau khi phân hóa GV thấy rằng có những HS chỉ cần làm được những phần kiến thức cực kỳ đơn giản. Thậm chí, với một số HS còn phải dạy các em có những câu trả lời trong đề chỉ cần “2 chữ” là em đã được 0,5 điểm... Nghĩa là với nhóm đối tượng HS này chỉ cần giúp các em trả lời chính xác nhất có thể”.