Đổi mới dạy học, ôn luyện hướng đến Kỳ thi THPT

GD&TĐ - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2018, song song tổ chức dạy học theo đúng kế hoạch chương trình năm học mới, các trường THPT trên toàn quốc đã khẩn trương xây dựng kế hoạch dạy học phụ đạo HS, tổ chức kiểm tra đánh giá HS theo các bộ đề thi tham khảo cho HS tất cả các khối lớp THPT. 

Đổi mới dạy học, ôn luyện hướng đến Kỳ thi THPT

Nhằm nâng cao chất lượng dạy học hiệu quả, đáp ứng đổi mới kỳ thi, các trường cũng chủ động yêu cầu giáo viên nghiên cứu, thực hiện soạn thảo giáo án, xây dựng ngân hàng đề thi, ma trận câu hỏi bám sát nội dung, cấu trúc của đề thi tham khảo THPT quốc gia.

Chủ động đổi mới phương pháp dạy học

Cùng với công tác chuẩn bị dạy và ôn luyện cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được ngành GD-ĐT chủ động triển khai, bộ đề thi tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố kịp thời đã giúp đội ngũ giáo viên, HS định hướng nội dung học tập, ôn luyện nhằm đạt kết quả kỳ thi một cách tốt nhất.

Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, cấu trúc bộ đề thi tham khảo, các trường đã chủ động thực hiện kế hoạch dạy học và xây dựng chương trình dạy học phụ đạo cho HS theo hướng đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia.

Tổ chức họp các tổ chuyên môn, nhà trường tích cực động viên, khuyến khích giáo viên mạnh dạn trao đổi chuyên môn, linh hoạt trong phương pháp và cách thức tổ chức dạy học. Ngành GD-ĐT các địa phương cũng đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn về công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá bám sát nội dung đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo thầy Phan Đức – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Kon Tum), sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2018, các giáo viên, HS nhận định mức độ câu hỏi khó hơn đề thi năm 2017, phạm vi đề thi rộng hơn khi bao gồm cả kiến thức lớp 11.

Tuy trọng tâm đề thi vẫn là kiến thức lớp 12, tỷ lệ kiến thức lớp 11 không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5 - 30% câu hỏi nhưng cũng khiến không ít giáo viên và HS lo lắng. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này, công tác ôn luyện đang được cả giáo viên, HS tập trung cao độ.

“Qua nghiên cứu bộ đề thi tham khảo, có thể khẳng định rằng, những sự thay đổi đó có tính căn bản nhằm hướng tới đổi mới cách dạy, cách học, công tác kiểm tra, đánh gia ở bậc học THPT hiện nay theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS.

Với nội dung, cấu trúc đề thi như vậy càng đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải tích cực, chủ động thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm. Muốn HS đạt kết quả cao trong kỳ thi, người giáo viên phải không ngừng đổi mới, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, dành thời gian hơn để nghiên cứu, đầu tư công sức cho công tác soạn thảo giáo án, bài giảng trên lớp, xây dựng đề thi, câu hỏi” - thầy Đức chia sẻ.

Tăng cường ôn luyện cho HS

Với điều kiện của một trường học miền núi, HS đa phần là con em đồng bào dân tộc, Trường THPT Nam Trà My (huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cũng đã chủ động đổi mới hoạt động dạy học, triển khai công tác ôn luyện cho HS.

Ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, nhà trường đã có kế hoạch phụ đạo cho HS các môn thi THPT quốc gia năm nay với thời lượng 2 tiết/môn/tuần. Ngay đầu học kỳ 2 này, nhà trường tăng gấp đôi thời gian phụ đạo lên 4 tiết/môn/tuần.

Thầy Nguyễn Đoàn - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My - cho biết: HS miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc học tập so với miền xuôi; mặt khác, chương trình thi năm nay khó hơn năm 2017 nên nhà trường nỗ lực hết sức để hỗ trợ HS.

Đáng mừng là hầu hết HS Trường THPT Nam Trà My đều ở nội trú nên việc tổ chức ôn luyện cũng gặp thuận lợi. Ban đêm, nhà trường phân công 2 - 3 giáo viên trực ở các phòng nội trú để hướng dẫn, hỗ trợ HS ôn tập. HS Trường THPT Nam Trà My cũng được hưởng chế độ hỗ trợ học tập theo quy định của Chính phủ nên cũng bớt phần nào khó khăn.

Song song với đó, nhà trường cũng thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS theo cách ra đề trắc nghiệm khách quan, tích cực bám sát, vận dụng các đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT vừa công bố.

Tổ chức các buổi họp trao đổi chuyên môn theo từng bộ môn, tổ hợp liên môn nhằm đề ra các giải pháp đổi mới cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng thi THPT quốc gia 2018 và trên cơ sở phù hợp với điều kiện dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, cũng như dạy phụ đạo, ôn tập cho HS các khối lớp, nhất là HS khối 12.

“Với mục tiêu không chỉ nâng cao chất lượng dạy học, mà còn giúp HS hướng đến kỳ thi với kết quả cao nhất, nên khi có bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhà trường đã tổ chức họp các tổ chuyên môn yêu cầu thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phụ đạo HS yếu kém ngay từ thời điểm này.

Mặt khác, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn ngân hàng câu hỏi, ma trận câu hỏi. Chính những sự thay đổi trong cách dạy, cách học như thế này cũng đã tạo ra một phong trào thi đua trong dạy học ở nhà trường hết sức sôi nổi.

Đội ngũ giáo viên ra sức nỗ lực tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu với tình hình giảng dạy mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, giúp HS tự tin bước vào kỳ thi ngay từ lúc này”, thầy Đoàn cho biết thêm.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - cho hay: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo, Sở GD&ĐT đã chuyển toàn bộ đề thi cho các trường, yêu cầu nhà trường chuyển đến các tổ bộ môn để tổ chức dạy học và xác định nội dung kiến thức cần ôn tập cho học trò. Đồng thời, sở GD&ĐT cũng mời chuyên viên các bộ môn và giáo viên cốt cán ở các trường trong tỉnh để cùng bàn thảo phương pháp ôn thi cho các đối tượng HS khác nhau; trong đó chú ý HS ở miền núi, HS học trường dân tộc nội trú, HS có học lực trung bình, HS yếu...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ