Giải tỏa áp lực
Mặc dù hai năm lớp 10 và 11 đều đạt thành tích cao trong học tập nhưng nữ sinh Trần Tống Lê Thư, lớp 12A1, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) vẫn không khỏi áp lực và lo lắng khi nghĩ về kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Thư chia sẻ: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT là bước ngoặt quan trọng với mỗi học sinh nên em thấy khá áp lực. Để đạt kết quả như mong muốn, em đã lập kế hoạch học tập, trong đó, phân bổ hợp lý thời gian ôn tập cho các môn trong tổ hợp em dùng để xét tuyển đại học”.
Dự kiến xét tuyển vào ngành Y, Thư cho biết, hàng năm điểm chuẩn vào ngành này rất cao. Những học sinh đăng ký đều có điểm trung bình mỗi môn hơn 9. Điều đó khiến áp lực trên đôi vai nữ sinh ngày càng lớn. Vì vậy, Thư tận dụng tối đa thời gian để học và luyện đề. Nữ sinh cố gắng hoàn thành bài tập trên lớp, thời gian ở nhà dùng để luyện đề và gia cố những kiến thức còn thiếu. Bên cạnh đó, Thư cũng cố gắng cân bằng việc học và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ.
Cô Lê Thị Tâm – giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Giai đoạn hiện nay là cao điểm ôn tập cho học sinh lớp 12. Vì vậy ngoài học trên lớp, các em cần cân bằng thời gian học tại nhà để không bị áp lực và căng thẳng ảnh hưởng đến quá trình học”.
Theo cô Tâm, với môn Tiếng Anh, các em nên dành thời gian để mở rộng vốn từ vựng và đọc hiểu. Trong quá trình ôn luyện, học sinh cần để ý các kiến thức trọng tâm được bố trí ở mỗi ma trận đề từ đó hệ thống hoá kiến thức và ôn tập.
Tương tự, Nguyễn Quang Trí, học sinh lớp 12B, Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đang cố gắng hoàn thành chương trình học trong tháng 2 để đầu tháng 3 bắt đầu tập trung luyện đề và gia cố kiến thức. Để có tấm vé vào trường đại học tốp đầu, nam sinh đã xây dựng kế hoạch học tập cho mình từ năm cuối lớp 11 nhưng vẫn không thể tránh khỏi áp lực, lo lắng.
Mong muốn mở rộng cơ hội vào đại học, Trí dự định tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Mỗi tuần, nam sinh dành 2 buổi tập trung nghiên cứu và luyện đề thi.
Còn thầy Nguyễn Quang Thi, giáo viên môn Toán Trường THPT Bảo Lộc (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nhận định: “Yếu tố tâm lý rất quan trọng với mỗi học sinh cuối cấp. Do đó, các em cần cân bằng cảm xúc, không quá hồi hộp, lo lắng và căng thẳng ảnh hưởng đến kết quả học và ôn cũng như quá trình làm bài thi”.
Thầy Nguyễn Quang Thi gợi ý, muốn có tâm lý vững vàng trong quá trình ôn luyện, học sinh nên lên bảng làm bài để giáo viên rèn luyện phương pháp; lắng nghe những hướng dẫn, nhận xét mà giáo viên đưa ra để rút kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, sĩ tử cần tham gia vài lần thi thử để làm quen dạng đề. Khi nhận đề thi, các em đọc kỹ để tìm ra hướng giải cho từng câu. Nếu hồi hộp và hoang mang, hãy hít thật sâu rồi thở ra từ từ, nắm chặt hai tay để lấy lại bình tĩnh.
Ảnh minh họa/ INT |
Chọn mặt gửi vàng
Từ đầu năm học, nhiều trường THPT đã tiến hành khảo sát đánh giá năng lực của học sinh, từ đó có phương pháp hỗ trợ và giúp các em ôn tập hiệu quả. Cô Vương Xuân Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, với học sinh cuối cấp, nhà trường chia thành 3 giai đoạn học và ôn tập.
Cụ thể, giai đoạn 1 từ tháng 9/2022 đến hết học kỳ I (tháng 12/2022). Thời điểm này, ngoài dạy chính khoá, nhà trường bố trí tăng thêm các tiết học ôn tập của môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giai đoạn 2, từ học kỳ II, triển khai lồng ghép ôn tập các môn tổ hợp theo nguyện vọng học sinh đăng ký trước đó. Riêng môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh sẽ được bố trí dạy thêm vào các buổi chiều theo thời gian 2 buổi/tuần.
Trong quá trình học, trò được giáo viên dạy cuốn chiếu xen kẽ với ôn tập tổng hợp, đảm bảo các em có đủ kiến thức tham gia kỳ thi thử. “Sau khi có kết quả kỳ thi thử, nhà trường tiếp tục phân loại năng lực học sinh theo môn, từ đó, thầy cô lên kế hoạch bồi dưỡng riêng đối với từng nhóm học sinh”, cô Vương Xuân Thuận nhấn mạnh và cho biết thêm: Giai đoạn 3 là luyện đề và gia cố kiến thức, từ đầu tháng 4 đến ngày thi tốt nghiệp THPT. Đối với học sinh có môn nằm trong diện đạt điểm chưa cao, nhà trường bố trí một cô - một trò để bồi dưỡng thêm vào giờ tự học.
Ngoài số tiết theo kế hoạch đã xây dựng, căn cứ vào năng lực, nhu cầu của học sinh, tình hình thực tế, giáo viên sẽ tiếp tục lên lớp ôn luyện miễn phí hoặc hỗ trợ kèm cặp học sinh vào buổi tối hoặc ngoài giờ lên lớp.
Tại Trường THPT Văn Giang, nhà trường đang tập trung nguồn lực cũng như tạo điều kiện tốt nhất để học sinh lớp 12 yên tâm học và ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Ngân cho biết: “Từ đầu năm học, chúng tôi đã tổ chức cho học sinh đăng ký theo tổ hợp và bố trí thời gian biểu, giáo viên để giảng dạy. Đội ngũ giáo viên là các thầy cô có kinh nghiệm, theo sát trò từ ngày mới vào trường cho đến nay. Ngoài ra, trường yêu cầu các thầy cô phải thành thạo công nghệ thông tin, đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu, phương pháp để giảng dạy tốt nhất. Đây là người hiểu rõ năng lực, biết được nguyện vọng và mong muốn của các em, qua đó sẽ hỗ trợ tối đa, từ ôn luyện và hướng nghiệp chọn trường, nghề”.
Không những vậy, Trường THPT Văn Giang còn tổ chức cho học sinh học nhóm để cùng hỗ trợ nhau. Các nhóm có thể trao đổi, chia sẻ với giáo viên những vấn đề chưa hiểu hay khó khăn trong quá trình ôn tập.
Chúng tôi hướng dẫn học sinh và giáo viên tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội để học. Theo đó, các lớp, nhóm học sinh đã thành lập nhóm học thông qua Zalo, Facebook để trao đổi kiến thức, cùng luyện đề. Nếu trên lớp chưa hiểu bài, học sinh có thể trao đổi với thầy cô qua các nhóm này để được hỗ trợ và hướng dẫn. - Cô Nguyễn Hồng Ngân (Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang)