Chuẩn bị sớm cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

GD&TĐ - Việc giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2023 giúp cơ sở giáo dục, địa phương có thể lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi này.

Thí sinh trao đổi kết quả làm bài sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa
Thí sinh trao đổi kết quả làm bài sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa

Dạy học nghiêm túc, nâng chất lượng điểm thi

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận sẽ tiến hành rút kinh nghiệm mọi mặt quá trình chuẩn bị; tích cực thực hiện các buổi hội thảo đánh giá, phân tích kết quả điểm bài thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong đó đặc biệt chú trọng phân tích một cách nghiêm túc, khoa học, xác thực đối với những “bài thi điểm liệt”, “bỏ trắng phương án lựa chọn trong bài thi trắc nghiệm”.

“Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT bám sát và cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; cấu trúc, mức độ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Nghiêm túc xây dựng kế hoạch thường xuyên ôn luyện kiến thức, giúp học sinh chủ động chuẩn bị đầy đủ kiến thức để tham dự kỳ thi. Thực hiện việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với xếp loại thi đua giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường đối với các trường THPT trong việc nâng cao chất lượng, cải thiện vị trí các môn thi tốt nghiệp THPT. Mỗi tổ/nhóm bộ môn, mỗi nhà trường phải có giải pháp cụ thể để nâng cao điểm thi tốt nghiệp THPT”, ông Nguyễn Anh Linh cho hay.

Đồng thời, các buổi hội thảo này cũng chú trọng phân tích mức độ bám sát của đề kiểm tra định kỳ ở các trường với đề thi tham khảo, đề thi tốt nghiệp các năm. Trên cơ sở đó, đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả thông qua đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; bảo đảm sự đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt chú trọng đến chất lượng dạy học môn Lịch sử, Ngữ văn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến thông tin: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo để nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệp THPT hai môn học này ngay từ đầu năm học. Theo đó, các cơ sở giáo dục có học sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy và ôn tập lớp 12 phù hợp thực tiễn đơn vị và bám sát yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Thường xuyên trao đổi các nội dung, phương pháp dạy, ôn thi tốt nghiệp lớp 12. Xây dựng bảng đặc tả, ma trận, ngân hàng đề kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ.

Trong năm học 2022 - 2023, đối với lớp 12, việc xây dựng đề kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ phải bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp (đề chính thức và đề tham khảo) các năm gần đây của Bộ GD&ĐT. Nếu có sự thay đổi về cấu trúc và nội dung đề thi từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn. Lưu ý, nội dung yêu cầu của đề phải phù hợp với thời gian làm bài của học sinh. Việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm với các cơ sở giáo dục có cấp THPT trên địa bàn tỉnh về công tác dạy học, ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn, Lịch sử cũng được Sở GD&ĐT lưu ý các trường thực hiện.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa

Lên kế hoạch từ đầu năm học

Tại Vĩnh Long, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Hà, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT tổng kết việc tổ chức ôn tập; thực hiện đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình học bạ của học sinh; từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo dạy, ôn tập với từng bộ môn.

Đặc biệt chú trọng đến tính chính xác trong hồ sơ dự thi của học sinh, Sở GD&ĐT nhấn mạnh các nhà trường cần rút kinh nghiệm các sai sót thường gặp để rà soát, kiểm tra, chủ động điều chỉnh và bổ sung, hạn chế thấp nhất thông tin sai sót khi hoàn thành hồ sơ.

Mỗi trường thành lập tổ phụ trách hồ sơ thi tốt nghiệp THPT do phó hiệu trưởng nhà trường/hoặc phó giám đốc trung tâm làm tổ trưởng. Thủ trưởng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác trong hồ sơ dự thi của học sinh. Các trường cũng được yêu cầu chủ động rà soát cơ sở vật chất, các điều kiện tổ chức đặt điểm thi tại đơn vị để tham mưu sửa chữa, bổ sung kịp thời, phục vụ tốt cho công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được Sở GD&ĐT sớm xây dựng kế hoạch, chủ động tham mưu UBND tỉnh để thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; thành lập Hội đồng thi và các ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phối hợp và triển khai thực hiện đúng tiến độ kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Vĩnh Long đạt tỷ lệ 99,38%, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đạt 6,539 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tinh thần này sẽ được tiếp tục trong kỳ thi năm 2023 tới đây”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cho hay.

Tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Anh Linh cũng cho biết, sẽ chuẩn bị sớm, đầy đủ và hoàn chỉnh các điều kiện để thực hiện tốt các công đoạn của kỳ thi tại địa phương; đặc biệt, bảo đảm yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khâu của kỳ thi.

Cùng với đó, xây dựng các phương án linh hoạt ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, thiên tai theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cập nhật, phổ biến kịp thời những điều chỉnh, thay đổi, bổ sung của Bộ GD&ĐT áp dụng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Chú trọng khâu lựa chọn nhân sự, tập huấn nghiệp vụ, quy chế cho cán bộ làm thi; hướng dẫn, phổ biến, tư vấn cho học sinh trong việc làm hồ sơ đăng ký, lựa chọn môn thi, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng…

Với Quảng Trị, công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh đã hoàn thành theo đúng tiến độ và khung thời gian quy định của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi diễn ra bình thường, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Để tổ chức tốt kỳ thi trong năm 2023, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: Sở GD&ĐT đề xuất trong năm tới, Hệ thống Quản lý thi cần có phương án tối ưu để giảm thiểu sai sót trong đăng ký dự thi, phân chia rõ ràng các mốc thời gian trong việc đăng ký dự thi; thời gian sửa và duyệt hồ sơ cần dài hơn.

Bộ GD&ĐT ban hành sớm các văn bản liên quan đến việc tổ chức thi, đặc biệt là các văn bản liên quan đến đăng ký dự tuyển ĐH, CĐ. Điều chỉnh một số nội dung trong Quy chế thi ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BGDĐT ngày 4/5/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phù hợp với tình hình thực tế.

Từ thực tiễn tổ chức thi tại Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà kiến nghị Bộ GD&ĐT có thể nghiên cứu để sắp xếp, điều động thành phần thanh tra/kiểm tra tại điểm thi sao cho bảo đảm khách quan và giảm áp lực cho đơn vị. Hiện tại, mỗi điểm thi vừa có lực lượng thanh tra của đoàn thanh tra do Sở GD&ĐT thành lập, vừa có lực lượng của đoàn kiểm tra do Bộ GD&ĐT thành lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ