Thầy trò vùng lũ vượt khó đến trường: Chạy đua với thời gian

GD&TĐ - Sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, thiệt hại đối với ngành Giáo dục miền Trung là quá lớn.

Cô giáo Trường Tiểu học Thạch Tân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phơi sách giáo khoa cho học trò.
Cô giáo Trường Tiểu học Thạch Tân (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phơi sách giáo khoa cho học trò.

Sách vở, đồ dùng học tập và trang thiết bị dạy học hư hỏng, học sinh nhiều nơi chưa xác định ngày trở lại... đang trở thành gánh nặng và thử thách khắc nghiệt với đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý. 

Lội nước cứu sách vở của học trò

Tại Hà Tĩnh, ngay khi nước vừa rút, các thầy cô giáo, phụ huynh, cùng nhiều đơn vị tình nguyện đã khẩn trương dọn vệ sinh trường lớp để sớm đón học sinh trở lại lớp. Tranh thủ trời vừa hửng nắng, các giáo viên tận dụng những chỗ khô ráo để phơi sách. Từ lan can, cửa sổ, đống gạch xây dựng… thậm chí giáo viên phải trèo lên mái hiên mới đủ chỗ để phơi sách cho học sinh.

Ông Trần Huy Hơi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà), chia sẻ: “Trong các đợt mưa lũ vừa qua, trường bị ngập sâu từ 0,6m – 1,5m. Do bị ngâm lâu trong nước nên bùn đất bám vào lớp, bàn ghế rất dày. Ngay khi nước vừa rút, các thầy cô giáo được sự trợ giúp của công an, đồng nghiệp… đã khẩn trương thu dọn, vệ sinh trường lớp. Tuy nhiên, đến ngày 26/10, nhà trường vẫn chưa thể cho học sinh đi học trở lại do sách vở và đồ dùng đã bị hỏng”.

Phần lớn học sinh nơi đây đều khó khăn. Sau lũ, nhiều gia đình còn cơ cực hơn do mất tư liệu sản xuất. Vì vậy, thầy cô Trường Tiểu học Thạch Tân phải tìm mọi cách cứu lấy sách vở để các em bớt đi gánh nặng chi phí khi đi học trở lại. Ngoài ra, nhà của nhiều giáo viên cũng bị ngập sâu trong những ngày lũ. Nước lũ rút, chưa kịp dọn nhà, các cô đã vội xắn quần vượt nhiều tuyến đường còn ngập nước để đến trường.

Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 26/10, bà Nguyễn Thị Xuân Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay sau khi nước lũ vừa rút, chính quyền phối hợp cùng ngành Giáo dục đến lớp dọn dẹp để đón học sinh trở lại. Theo dự kiến, ngày 26/10 toàn bộ học sinh tiểu học và THCS đi học trở lại. Tuy nhiên, một số trường vẫn phải cho học sinh nghỉ do hồ Kẻ Gỗ xả lũ trở lại. Còn đối với bậc mầm non hiện nay vẫn nghỉ học. Sau khi rà soát kỹ trường lớp đã an toàn và đảm bảo vệ sinh mới cho các cháu đi học trở lại”.

Theo báo cáo, ước tính ngành Giáo dục Hà Tĩnh thiệt hại gần 26 tỷ đồng sau lũ. Trong đó, huyện Cẩm Xuyên bị thiệt hại khoảng 10,7 tỷ đồng… Đến thời điểm hiện nay, mặc dù nhiều trường đã lên phương án dạy và học bù cho học sinh, nhưng để toàn bộ học sinh trở lại trường thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. “Nhiều trường học ở huyện Cẩm Xuyên bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng như Trường Mầm non Cẩm Quan. Ngoài ra, các trang thiết bị  cần được đầu tư làm mới, đặc biệt là sách vở, tránh việc nhiều học sinh, giáo viên phải đối mặt với tình trạng học và dạy chay trong những tuần tới” – bà Hoàng cho biết thêm. 

Một góc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập sau mưa lũ. Ảnh: TG
Một góc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập sau mưa lũ. Ảnh: TG

Trường lớp ngổn ngang, ngập bùn đất

Ở vùng hạ nguồn sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), nơi mực nước vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999, bà Đỗ Thị Cẩm Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai 2 (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) cho biết: “Những gì tận dụng được, chúng tôi đều cố gắng tự khắc phục. Chiếu cũng vừa mua lại một ít để phục vụ cho các em. Nhưng có những thứ quả thực quá sức với trường. Cơn bão số 5 trước đó đã thổi bay hệ thống mái che, nhà chòi ngoài trời cho trẻ. Chưa kịp khắc phục thì lũ ập đến. Ba đợt lũ liên tiếp chỉ trong hơn 2 tuần. Nhìn cảnh hàng loạt đồ dùng học tập, giá đựng đồ dùng cá nhân, tập vở, đồ chơi… hư hỏng mà nhiều cô giáo không cầm được nước mắt”.

Trong khi đó, giáo viên Trường Mầm non Phong Bình 2, xã Phong Bình (huyện Phong Điền) ai nấy đều mệt mỏi. Đến ngày 26/10, 143 học sinh của trường vẫn chưa thể đến lớp. “Do trường thấp hơn mặt đường nên phải dùng xe rùa và các phương tiện thủ công để dọn. Chúng tôi đã huy động tổng lực, dọn suốt mấy ngày vừa qua”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Linh chia sẻ.

Được biết, đến sáng 26/10 vẫn còn khoảng 20% số trường của Thừa thiên - Huế phải tiếp tục dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa lũ, chưa thể đón học sinh trở lại trường. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường nào dọn dẹp, vệ sinh, khắc phục xong có thể an toàn thì đón học sinh trở lại, tránh để học sinh nghỉ dài ngày.Thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh cho thấy, riêng tiền sách vở của học sinh tạm tính tổng thiệt hại khoảng trên 10 tỉ đồng; đồ dùng dạy học, bàn ghế, sách vở, hư hỏng hàng rào... và các hạng mục khác thiệt hại ước tính 24,8 tỉ đồng.

Tại Quảng Trị, cơn lũ dữ không chỉ cướp đi tài sản, sinh mạng của người dân mà còn gây thiệt hại nặng nề cho các trường học vùng rốn lũ. Hàng trăm ngôi trường vốn khang trang, sau khi lũ rút chỉ còn lại cảnh hoang tàn, ai nấy nhìn vào quặn thắt, không khỏi xót xa. Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho hay, dự kiến cho học sinh đi học lại sau khi nước rút. Tuy nhiên, các em chưa thể đến trường vì phòng học quá bề bộn, ngổn ngang. 

Trong sân trường, phòng học… còn đọng lại hàng tấn bùn đất. Bàn ghế, sách vở, giáo án giảng dạy của thầy và trò bị nước lũ ngâm chìm, hư hỏng. Tuyến đường Hồ Chí Minh hướng Tây, con đường dẫn đến trường vẫn đang bị chia cắt. Theo ông Nghĩa, sau khi mưa lũ đi qua, sách vở, dụng cụ học tập, giảng dạy... bị hư hỏng nặng. Nhà trường đang tích cực huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu và đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường vào tuần sau.

Theo ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, vẫn chưa rõ thời điểm tổ chức dạy học đối với các trường ở vùng cô lập như Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh (huyện Hướng Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ