Ngành Giáo dục miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 11

Ngành Giáo dục miền Trung nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 11

(GD&TĐ) - Hiện tại, tất cả các giáo viên tại Nông Sơn (Quảng Nam) đang chung tay nỗ lực dọn dẹp cơ sở vật chất và giải phóng những cây cối ngã đổ ngổn ngang trong khuôn viên những trường học bị thiệt hại để lưu thông lối đi. Đồng thời vận chuyển trang thiết bị dạy học về nơi an toàn.

Các thầy cô giáo thu dọn cây cối ngã đổ
Các thầy cô giáo thu dọn cây cối ngã đổ

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCBL huyện Nông Sơn, bão số 11 làm  2 người chết (trong đó có 1 học sinh đang học lớp 3), 11 người bị thương, 869 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cột điện bị gãy đổ, nhiều tuyến đường bị cô lập, thông tin liên lạc bị chập chờn.

Đường ĐT611 từ huyện Quế Sơn lên Nông Sơn đoạn qua đèo Le bị sạt lở nghiêm trọng; hàng trăm héc ta cây cao su tiểu điền từ 4 đến 6 năm tuổi và hàng nghìn héc ta cây keo lá tràm bị gãy đổ, nhiều địa phương trong huyện bị cô lập, chia tách; 63 héc ta vườn cây ăn quả Đại Bình như bưởi năm roi, sầu riêng, lòn bon… bị trốc gốc nằm la liệt, số bị gãy ngang thân.

Tại Trường Tiểu học Sơn Viên, toàn bộ các phòng học ở phân hiệu Đại An bị tốc mái hoàn toàn, chỉ còn các bức tường trống trơn, khu để xe của học sinh cũng bị gió bão giật sập. Hiện tại, tất cả các giáo viên trong trường đang chung tay nỗ lực dọn dẹp cơ sở vật chất và giải phóng những cây cối ngã đổ ngổn ngang trong khuôn viên trường để lưu thông lối đi. Đồng thời vận chuyển trang thiết bị dạy học về nơi an toàn.

Để khắc phục hậu quả do bão gây ra và giảm đến mức thấp nhất việc học sinh nghỉ học, cô Nguyễn Thị Bớt - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Việc phục hồi lại trường lớp như nguyên trạng ban đầu tốn khá nhiều thời gian, công sức. Trước mắt, nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương mượn tạm cơ quan thôn làm phòng học để giảng dạy nhằm đảm bảo chương trình. Đồng thời báo cáo với cấp trên để có biện pháp sửa chữa kịp thời, không làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập”.

Tại Trường Tiểu học Quế Ninh, rất nhiều phòng học, nhà vệ sinh bị tốc mái, ngã đổ la phông. “Xác định sự nguy hiểm của cơn bão dữ, từ trưa ngày 14/10, nhà trường đã chủ động chằng chống, dùng bao đựng cát đè lên mái tôn, cửa ngõ níu buộc cẩn thận, nhưng gió rít liên hồi, đổi hướng liên tục thành một vòng tròn, sau đó xoáy quần vần vũ kèm theo mưa lớn nên không thể nào chống cự nổi” - thầy Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng nhà trường vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại.

Hiện tại, ngay cả các trường học trên địa bàn cũng đã chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm cho học sinh, đảm bảo đủ ăn uống trong hơn 10 ngày nếu bị cô lập.

Sau khi nghe các địa phương và ban ngành báo cáo tình hình thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng kiến nghị với đoàn công tác của Trung ương về giải pháp khắc phục để sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng bão lũ.

Thiên Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.