Thầy trò vùng cao biên giới chung sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

GD&TĐ - Mặc dù là huyện miền núi cao khó khăn, nhưng ngành giáo dục huyện Tương Dương, Nghệ An từ mỗi học sinh, giáo viên, nhà trường đều có nhiều hoạt động thiết thực chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Giáo viên huyện Tương Dương lên núi hái măng rừng, chế biến gửi cho vùng dịch
Giáo viên huyện Tương Dương lên núi hái măng rừng, chế biến gửi cho vùng dịch

Trò vùng cao tuyên truyền phòng dịch Covid-19 online

Trong clip chỉ gần 3 phút, em Vi Thị Hà Phương (học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã trở thành một tuyên truyền viên nhí xuất sắc phòng chống dịch Covid-19.

Cô bé dân tộc Thái thông tin cho các bạn về sự nguy hiểm của virus Corona, diễn biến dịch bệnh tại tỉnh Nghệ An – địa phương em sinh sống. Đồng thời nhắc các bạn về thông điệp 5K với động tác biểu diễn cụ thể, sinh động. Clip của Hà Phương được bố mẹ, thầy cô đăng lên mạng xã hội, và thu nhút sự sự quan tâm chia sẻ của nhiều bạn bè, phụ huynh khác.

Trong khi đó, em Kha Hà Thiên An (lớp 4C Trường Tiểu học thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương) lại khiến nhiều bạn bè bất ngờ với clip tuyên truyền phòng dịch bằng tiếng Anh. Bài thuyết trình của Thiên An còn được dẫn chứng bằng nhiều hình ảnh hấp dẫn, thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu...

Clip của Hà Phương và Thiên An cũng xuất sắc giành giải cao tại Cuộc thi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 do Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương phát động từ cuối tháng 6.

Bà Võ Tuyết Chinh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay, cuộc thi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 có mục đích nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các em học sinh  trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tạo sân chơi cho các em học sinh lứa tuổi tiểu học trong dịp nghỉ hè.

Tương Dương là huyện miền núi, với nhiều xã biên giới vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập, tăng cường kỹ năng sống còn hạn chế, thiếu thốn. Trước khi nghỉ hè, Phòng GD&ĐT đã lập nhiều kế hoạch tổ chức hoạt động cho trẻ tại địa phương, bản làng như: mở cửa thư viện, tổ chức thi đọc sách... Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát ở Nghệ An, nên tất cả mọi hoạt động trên phải tạm dừng và chuyển về tại nhà học sinh.

Trước thực tế này, Phòng tổ chức cuộc thi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 với hình thức online cho đối tượng học sinh tiểu học.

Theo bà Võ Tuyết Chinh, lý do học sinh THCS đã có nhận thức, hiểu biết đầy đủ hơn, còn trẻ mầm non thì chưa đủ kỹ năng. Học sinh với sự hỗ trợ của phụ huynh quay các clip tuyên truyền dài 3-5 phút gửi về cho nhà trường. Các trường sau khi chấm sơ khảo gửi clip có nội dung, hình thức đạt yêu cầu gửi về cho Phòng GD&ĐT chấm chung khảo.

“Mặc dù lần đầu tiên tổ chức, nhưng không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng rất hào hứng, phấn khởi tham gia. Cuộc thi một mặt để tuyên truyền phòng dịch, mặt khác rèn kỹ năng thuyết trình, nói tiếng Việt cho học sinh DTTS, giúp các em mạnh dạn, tự tin giao tiếp. Đặc biệt, trẻ em lại rất thích nghe chính các bạn của mình nói, nên hiệu ứng lan tỏa rất tích cực”, bà Võ Tuyết Chinh cho hay.

Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức trao 1 giải đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Tất cả học sinh có bài dự thi vượt qua vòng sơ khảo đều được tặng sách, truyện, bút vở..., khích lệ tinh thần chuẩn bị cho năm học sắp tới.

Trường học, thầy cô chung tay hỗ trợ tuyến đầu

Ngày 14/7, huyện Tương Dương (Nghệ An) chính thức xác nhận có 3 ca bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng, đều trú tại bản Chăm Puông, xã Lượng Minh. Đây là một bản làng người Khơ Mú, với số lượng nhân khẩu lớn, trong đó có tới 61 học sinh THCS, 122 HS tiểu học và 40 cháu mầm non.

Điểm bản Na Cáng, Trường Tiểu học Yên Tĩnh, huyện Tương Dương trở thành nơi cách ly tập trung cho lao động là người địa phương trở về từ vùng dịch
Điểm bản Na Cáng, Trường Tiểu học Yên Tĩnh, huyện Tương Dương trở thành nơi cách ly tập trung cho lao động là người địa phương trở về từ vùng dịch

Trước tình hình trên, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn xã Lượng Minh rà soát số lượng giáo viên, học sinh trong vùng dịch. Kêu gọi trường học tại Lượng Minh và các xã lân cận huy động nhân lực để giúp đỡ học sinh, người dân bản Chăm Puông.

Do bản này đang bị phong tỏa, nên giáo viên có thể hỗ trợ bằng các hoạt động cụ thể như: kêu gọi nguồn nhu yếu phẩm cần thiết để tiếp tế, nấu ăn cho lực lượng cắm chốt, hộ gia đình đặc biệt khó khăn.

Thực phẩm, măng, rau, củ của cán bộ, giáo viên huyện Tương Dương gửi xuống phố
Thực phẩm, măng, rau, củ của cán bộ, giáo viên huyện Tương Dương gửi xuống phố

Ông Kha Văn Lập – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Phòng cũng đã xin ý kiến và được UBND huyện đồng ý, ra lời kêu gọi giáo viên trên địa bàn có điều kiện sức khỏe xung phong làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát tại Chăm Puông. Qua đó, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch của địa phương”.

Trước tình hình TP Hồ Chí Minh đang là điểm nóng dịch Covid-19 của cả nước, nhóm cán bộ quản lý, giáo viên Hóa học THCS đã phát động kêu gọi ủng hộ. Ông Kha văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, thuộc hội Hóa học Nghệ An, Trưởng ban Hóa THCS cho biết: Qua kêu gọi, chúng tôi vận động được gần 50 triệu đồng. Sau khi thống nhất, phương án giải ngân là chuyển thành 1.600 suất cơm miễn phí cho sinh viên (720 suất), lao động nghèo, người vô gia cư (880 suất) bị mắc kẹt tại TP Hồ chí Minh. Thầy Hồ Lâm Quang Thảo - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Chí Quốc - TP Thủ Đức và tập thể giáo viên nhà trường đã nhận nấu cơm đem phát đến tay sinh viên, người nghèo trong danh sách.

Trước đó, khi Tương Dương chưa xuất hiện ca bệnh nhân Covid-19, các trường học cũng đã có nhiều hoạt động tích cực, chung tay với chính quyền chống dịch. Cụ thể, dành cơ sở vật chất của trường mầm non, trường THCS dân tộc bán trú để làm nơi cách ly tập trung cho lao động là người dân địa phương từ vùng dịch Bắc Giang, Bắc Ninh... trở về. Do những trường này có phòng ở, khu bếp nấu ăn đáp ứng yêu cầu làm nơi cách ly tập trung.

Nhiều giáo viên bản địa của trường như Mầm non Lưu Kiền, mầm non Xiêng My, trường Phổ thông DTBT THCS Xá Lượng, Yến Thắng...  tình nguyện nấu ăn cho người dân khi cách ly tại đơn vị mình.

Đặc biệt, phát huy tinh thần tương thân tương ái, Phòng GD&ĐT Tương Dương đã kêu gọi các đơn vị trường học gửi quà từ núi rừng xuống cho cán bộ nhà giáo ngành GD&ĐT TP Vinh khi nơi đây là điểm nóng của tỉnh về dịch bệnh. Chỉ sau thời gian ngắn kêu gọi, hơn 7 tấn nhu yếu phẩm: măng, rau, củ quả... đã được tập kết, đưa lên xe tải chở xuống núi.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thời gian qua, Sở đã có nhiều văn bản gửi đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng dịch, kể cả thời điểm trong năm học và khi nghỉ hè. Rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng cho năm học mới. Nhiều trường học, đặc biệt ở vùng cao biên giới như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong... được đưa vào danh sách trưng dụng làm nơi cách ly tập trung.

Sở cũng đề nghị Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường học hỗ trợ, phối hợp với ban chỉ đạo phòng dịch cấp huyện, xã trong hoạt động trên. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên các đơn vị của toàn ngành cũng có nhiều hoạt động chung tay giúp đỡ người dân vùng dịch, tăng cường cho lực lượng tuyến đầu, góp sức sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ