Kỳ thi cũng giúp ngành giáo dục rút ra nhiều kinh nghiệm, trong đó với quyết tâm tất cả vì học sinh, thì mọi khó khăn, cản trở, vất vả cũng sẽ vượt qua
Kỳ thi thành công nhờ chủ động chuẩn bị
Nghệ An là một trong ít tỉnh thành tổ chức cho tất cả thí sinh tham gia thi Tốt nghiệp TPHT đợt 1, bao gồm có cả những thí sinh F1, F2.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, trước đó, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã xây dựng kịch bản rất kỹ càng, chuẩn bị phương án cho những tình huống có thể xảy ra tại kỳ thi.
Chia sẻ của ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An
Hội đồng thi tỉnh Nghệ An có 68 điểm thi chính thức, 21 điểm thi dự phòng. Ngoài ra, mỗi điểm thi còn bố trí sẵn sàng phòng chờ, phòng thi dự phòng và 4 – 5 phòng thi dành cho F1, F2. Ngành tập huấn đầy đủ và quán triệt đến từng cán bộ thực hiệm nhiệm vụ thi.
Vì thế, ngay từ đầu, Nghệ An quyết định cho toàn bộ thí sinh của tỉnh thi đợt 1, trong đó có 63 thí sinh F2 và những em ở trong vùng phong tỏa đã test Covid-19 âm tính. Toàn tỉnh không có thí sinh F0, chỉ có 7 thí sinh thuộc diện F1 theo kế hoạch sẽ dự thi đợt 2.
Nhưng khi nhận công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ngay trong đêm 6/7, tỉnh đã quyết định cho thí sinh F1 dự thi. Dù khẩn trương, nhưng công tác tổ chức cho các em này dự thi vẫn chủ động, không bất ngờ.
“Chúng tôi chỉ đạo hiệu trưởng các nhà trường lấy nguyện vọng của thí sinh và cha mẹ các em. Sở cũng đã cân nhắc rất kỹ càng, đặc biệt là các ý kiến chuyên môn của ngành y tế. Khi nhận được sự đồng thuận của thí sinh và phụ huynh chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để các em tham gia kỳ thi một cách thuận lợi nhất”, ông Thái Văn Thành cho hay.
Chiều ngày 8/7, thí sinh hoàn thành bài thi Ngoại ngữ, cũng là môn cuối cùng của kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, chất lượng, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT cũng được đông đảo giáo viên đánh giá phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch. Có giảm tải nhưng vẫn đảm bảo được thực hiện hai mục tiêu là công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào đại học.
Đối với Nghệ An, việc tổ chức cho tất cả thí sinh được tham dự trong đợt 1 cũng đem đến nhiều lợi ích. Về mặt kinh tế thì việc tổ chức một kỳ thi sẽ giúp cho tỉnh và phụ huynh tiết kiệm, hiệu quả.
Quan trọng hơn đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của thí sinh được dự thi, tránh áp lực kéo dài thời gian chờ đợi. Tạo điều kiện cho thí sinh Tốt nghiệp THPT đúng dự kiến để đi du học, học nghề hoặc xét tuyển ĐH.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An cũng ghi nhận, thành công của kỳ thi năm nay còn nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan trọng là sự phối hợp của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh với các sở ngành, chính quyền địa phương.
Hướng đến học thật, thi thật, chất lượng thật
Sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi, sẽ đến khâu chấm thi. Theo ông Thái Văn Thành, đây là khâu rất quan trọng, Sở sẽ chỉ đạo chấm thi khách quan, chính xác, nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Công tác chấm thi tại Nghệ An đã được xây dựng từ trước, gồm thành lập ban chỉ đạo chấm thi, thanh tra chấm thi, huy động đội ngũ giám khảo. Hiện đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT đã có mặt tại Nghệ An để hướng dẫn, triển khai chấm từ ngày 11/7 theo kế hoạch.
Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT và tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 400 giám khảo.
Đây là kỳ thi 2 trong 1, với mục đích lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học. Vì vậy, điểm thi là một thước đo quan trọng phản ánh chất lượng dạy học ở các trường phổ thông.
Với tỉnh Nghệ An, sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ phân tích phổ điểm từng môn, đối sánh điểm thi với kết quả điểm học bạ của thí sinh, và với điểm của năm học trước. Phân tích phổ điểm từng môn gửi về về cho từng địa phương, từng trường.
Nếu môn nào có điểm trung bình thấp hơn so với năm trước thì Sở GD&ĐT, Phòng Giáo dục trung học của Sở sẽ đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân, tồn tại. Qua đó đưa ra giải pháp đổi mới kể cả trong chỉ đạo của ngành cũng hoạt động dạy học của nhà trường. Sự điều chỉnh phải phù hợp với từng địa phương vùng miền, từng nhà trường. Vừa tạo động lực dạy học cho thầy và trò, vừa khích lệ năng lực học sinh của học sinh trong năm học tới.
Theo ông Thái Văn Thành, Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay được Bộ GD&ĐT chỉ đạo bài bản, khoa học, đáp ứng kỳ vọng của thí sinh cũng như được sự đồng thuận cao của xã hội.
Mong muốn của nhân dân là kỳ thi ngày càng gọn nhẹ mà vẫn đạt hiệu quả quan trọng, đánh giá được năng lực học sinh. Vì thế, về lâu dài cần chiến lược cải tiến kỳ thi theo hình thức đánh giá năng lực học sinh. Trong 1 năm có thể tổ chức thành nhiều đợt đánh giá. Thí sinh nếu có năng lực, tự học vượt chương trình có thể tham gia thi sớm. Những thí sinh còn lại có thể thi vào đợt sau. Điều này, vừa giảm mật độ, giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh và xã để.
“Quan trọng nhất là học sinh học được cái gì, làm được cái gì và vận dụng được kiến thức vào trong thực tiễn và cuộc sống. Giáo dục cần hướng đến học thật, thi thật, chất lượng thật”, ông Thái Văn Thành khẳng định.