Buổi lễ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội, các giảng viên và đặc biệt là đông đảo sinh viên - những tác giả tham gia cuộc thi.
Về phía báo Giáo dục và Thời đại có Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam, Phó Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm chứng kiến, ghi nhận và đánh giá những sáng tạo của các sinh viên.
Cuộc thi nhỏ ý nghĩa lớn
Cuộc thi sáng tác manchette báo Giáo dục & Thời đại (GD&TĐ) được Viện Đại học Mở Hà Nội phát động chỉ đơn thuần dựa trên Cuộc vận động sáng tác manchette báo GD&TĐ khởi xướng nhằm hướng tới 55 thành lập Báo, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức trình bày các ấn phẩm của Báo, nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi đến bạn đọc và toàn xã hội.
Nói như TS Trương Tiến Tùng - Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Nhà trường rất lấy làm vui mừng tham gia cuộc thi sáng tác manchette báo GD&TĐ. Với nhà trường và các em sinh viên, đây thực sự là một sân chơi bổ ích, hướng đào tạo gắn với thực tiễn.
Việc các tác phẩm dự thi của các em được đánh giá thế nào, điều này chỉ có thể được xã hội, người sử dụng thẩm định chứ không chỉ sự đánh giá trong trường, giữa các thầy cô và sinh viên với nhau.
Hơn 200 tác phẩm đã đem đến cuộc thi chỉ trong một thời gian ngắn phát động từ ngày 7/7/2014 - 17/10/2014. Một con số hết sức ấn tượng, điều này chỉ có thể lý giải bằng mong muốn sáng tạo lớn lao trong mỗi sinh viên, cũng như sự động viên khích lệ của ban chủ nhiệm khoa Tạo dáng Công nghiệp - Viện Đại học Mở Hà Nội, cũng như các thầy cô trong khoa.
Với sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu, cùng sự gợi ý sát sao của các thầy cô giáo về hình thành những ý tưởng sáng tác, các tác phẩm dự thi của sinh viên đều đáp ứng tốt các tiêu chí cơ bản thể hiện tầm quan trọng, nổi bật của ngành Giáo dục - Đào tạo.
Mỗi manchette dự thi đều là dấu ấn sáng tạo của các tác giả là những sinh viên năm thứ 2, 3, 4, các bố cục chữ đều thể hiện logic của hình khối, sự nghiêm túc, trang nhã, nhưng đồng thời cũng không kém phần năng động.
Chủ nhiệm khoa Tạo dáng Công nghiệp - Viện Đại học Mở Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương - vui mừng cho biết: Là người thầy, tôi đánh giá cao ý nghĩa to lớn của cuộc thi này. Nếu Ban tổ chức cuộc thi vui một vì cuộc thi đã thu hút được số đông người tham gia cũng như chất lượng các công trình dự thi thì chúng tôi, những người thầy vui mười vì các em sinh viên có dịp thể hiện năng lực sáng tác của mình.
Tác phẩm là dấu ấn sáng tạo của mỗi cá nhân, nhưng đồng thời nó cũng thể hiện dấu ấn đào tạo của các thầy giáo và hơn thế nữa đây là dịp để các em được cọ xát với thực tế cuộc sống, công việc sau này.
Sức sáng tạo là vô cùng
Không có nhiều cuộc thi, không có nhiều sân chơi nên khi có các cuộc thi gắn với nghề là chúng em lao vào. Tham gia cuộc thi này, em đã lang thang trên mạng, ngủ mơ cũng thấy giaoducthoidai.vn, em cũng tham khảo rất nhiều các manchette báo trong và ngoài nước để làm công trình gửi đến báo.
Trước khi bước vào phần trình bày của từng thí sinh, lãnh đạo Báo GD&TĐ đã có cuộc làm việc riêng với lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội và khoa Tạo dáng Công nghiệp và cũng đã được nghe các giảng viên trình bày qua về các ý tưởng thiết kế cũng như đánh giá tổng quan về các công trình dự thi của sinh viên.
Tuy nhiên khi vừa bước chân vào hội trường nơi trưng bày các sáng tác, Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam và Phó Tổng biên tập Triệu Ngọc Lâm đã tập trung vào ngay từng pano trưng bày và đều đánh giá cao sức sáng tạo của các bạn sinh viên.
Mỗi tác phẩm một vẻ, bố cục chặt chẽ, bám sát đầy đủ các tiêu chí đặt ra về ngành Giáo dục nhưng cũng thể hiện dấu ấn riêng đầy ấn tượng.
Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam đánh giá: Trước khi đến với cuộc trưng bày này, chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào các sáng tác dự thi của các bạn sinh viên. Báo cũng đã nhận được khoảng 30 tác phẩm của những họa sĩ chuyên nghiệp và đây mới là gửi gắm của Báo.
Nhưng vừa bước chân vào hội trường, tôi đã bất ngờ vì nhiều công trình được thực hiện rất công phu, thể hiện tâm huyết cũng như tình cảm của các em dành cho tờ báo của Ngành; đồng thời cũng cho thấy tiềm năng sáng tạo rất lớn ở các em.
Có thể nói với thầy cô giáo, với các em sinh viên, những lời tâm sự trên của Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam là lời động viên rất lớn đối với nhà trường.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Viện trước đó, Phó Viện trưởng Trương Tiến Tùng cũng đã bày tỏ mong muốn được nghe phản biện từ chính các nhà báo từ báo GD&TĐ bởi vì báo là người sử dụng, là khách hàng.
Sản phẩm nhà trường sáng tạo ra, khách hàng có ưng ý hay không là lời nhận xét khách quan và có ý nghĩa nhất để sinh viên, các thầy cô giáo và nhà trường điều chỉnh cách dạy và học của mình.
Khi được cầm trên tay những công trình dự thi của sinh viên, không ít tác phẩm thực sự khiến người viết bài phải bất ngờ. Có tác phẩm tác giả không chỉ thiết kế manchette mà còn sáng tạo cho từng trang báo với những bố cục hết sức chặt chẽ. Từng trang Giáo dục & Phát triển, Bạn đọc với Toàn soạn… cùng với các cụm bài, tin, ảnh hết sức sinh động, cảm giác như cầm một tờ báo trên tay.