Vì vậy ngành Giáo dục đã vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thu xếp công việc chuyên môn, tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh.
Hơn 4.000 nhà giáo lên đường chống dịch
- Đồng Nai có bao nhiêu thầy cô giáo được trưng tập để tham gia công tác chống dịch, thưa ông?
- Hiện có 4.331 cán bộ, GV, nhân viên ngành Giáo dục Đồng Nai tham gia công tác phòng, chống dịch tại tuyến tỉnh và tất cả huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Các thầy cô tích cực tham gia công tác phòng chống dịch với nhiều hoạt động khác nhau theo phân công, hướng dẫn của các cấp chính quyền và ngành Y tế, như: Hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, phục vụ các khu cách ly tập trung, trực chốt kiểm soát, tiêm chủng vắc-xin, hậu cần, nhập dữ liệu quản lý tình hình dịch bệnh…
- Tham gia công tác này có ảnh hưởng đến công tác chuyên môn mà giáo viên phải thực hiện trong hè, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng năm học?
- Do dịch bệnh phức tạp, thầy cô giáo hầu như không đến trường trong hè để thực hiện hoạt động giáo dục như mọi năm. Thời gian ở nhà nhiều hơn, thầy cô có thời gian đầu tư, chuẩn bị năm học mới, như xây dựng kế hoạch dạy học, chương trình bộ môn… nhất là tìm hiểu kỹ về Chương trình GDPT 2018, chương trình môn học, cũng như các mô-đun đã được tập huấn, bồi dưỡng.
Thời điểm này, Đồng Nai đã hoàn thành tổ chức học tập, bồi dưỡng đại trà mô-đun 3 nên ít nhiều có những thuận lợi nhất định. Các thầy cô đều tiếp cận nhanh, rất tốt chương trình và đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá… Do vậy, việc tham gia chống dịch không ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.
- Là địa phương dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh đóng góp của thầy cô, sự tham gia của ngành Giáo dục Đồng Nai như thế nào trong phòng chống dịch thời gian qua?
- Ngành Giáo dục quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”, xác định mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cán bộ, GV, nhân viên, HS; vừa hoàn thành chống dịch, vừa hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, dạy - học của ngành. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành tuân thủ nghiêm quy định, biện pháp phòng chống dịch, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan cũng là điều rất quan trọng.
Với công tác phòng chống dịch, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, hướng dẫn của ngành Y tế, ngành đã khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả biện pháp phòng chống dịch. Trọng tâm là tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, HS, học viên với nhiệm vụ phòng, chống dịch. Sử dụng nhiều hình thức để phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch, như giữ vệ sinh môi trường, trường, lớp học sạch sẽ, thông thoáng, thực hiện quy định 5K; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng dịch...
Với cố gắng của toàn ngành, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, không có cán bộ, GV, nhân viên, HS vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; việc bảo đảm an toàn trường học đạt kết quả tốt. Ngành Giáo dục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2021 an toàn, đúng quy chế.
Đồng hành cùng thầy trò khó khăn
- Đồng Nai có những chính sách gì hỗ trợ giáo viên, người học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thưa ông?
- Trong giai đoạn cao điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, có không ít cán bộ, GV, nhân viên, trẻ em, HS bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên nhiều phương diện. Thầy cô, HS cũng gặp một số khó khăn về sức khỏe, phải ở trong khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung hoặc đi điều trị vì là F0. Một số thầy cô làm việc tại các đơn vị ngoài công lập gặp khó khăn về kinh tế.
Để hỗ trợ GV, người học, ngoài các chính sách chung của Nhà nước, ngành Giáo dục đã có quan tâm, hỗ trợ thiết thực. Theo đó, triển khai hỗ trợ 303 triệu đồng cho GV, HS diện F0, F1 từ nguồn Quỹ tấm lòng vàng ngành Giáo dục và Quỹ tương trợ giáo dục vùng khó khăn do Sở GD&ĐT quản lý; Quỹ hỗ trợ GV, nhân viên mắc bệnh nan y và qua đời do Công đoàn ngành Giáo dục quản lý. Hỗ trợ 10 tấn rau củ, 200 kg gạo cho các trường hợp đang ở trong khu phong tỏa, ưu tiên gia đình HS tại phường Trảng Dài, Hóa An, Long Bình, Trường THCS Hòa Bình…
Ngành Giáo dục đồng thời phối hợp với quỹ học bổng Saigon Children, Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị hỗ trợ cho 429 HS có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài với số tiền 445 triệu đồng; phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Thành Công (IGC) triển khai chương trình học bổng “Vượt qua
Covid-19” trị giá 132 triệu đồng để trao 60 suất học bổng (2,2 triệu/suất) cho HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì dịch bệnh. Phối hợp với Công ty cổ phần dinh dưỡng Nuti Food tặng 542 hộp sữa bột dinh dưỡng, trị giá 185 triệu cho các trẻ em, HS trong các khu cách ly tập trung…
- Công tác bảo đảm điều kiện an toàn phòng dịch được Đồng Nai triển khai như thế nào để chuẩn bị năm học 2021 - 2022?
- Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Nai khai giảng năm học mới 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, GDPT là 12/9, với giáo dục thường xuyên là 18/9. Việc bắt đầu năm học mới bằng hình thức dạy - học trực tiếp hay dạy học trực tuyến tùy thuộc vào tình hình thực tế. Các phương án đều đã được tính toán, chuẩn bị.
Phục vụ công tác chống dịch, tỉnh Đồng Nai đã có 222 trường học trên 11 huyện, thành phố được trưng dụng làm khu cách ly và bệnh viên dã chiến. Số trường được trưng dụng tập trung tại các vùng trọng điểm dịch bệnh của tỉnh, nhiều nhất là thành phố Biên Hòa có 99 trường; huyện Nhơn Trạch 35 trường, huyện Vĩnh Cửu 28 trường.
Chuẩn bị cho năm học mới, bên cạnh chỉ đạo về chuyên môn, sở GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị tốt bảo đảm an toàn phòng dịch, như chỉnh trang, vệ sinh trường lớp; nhất là với các trường được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bảo đảm trả lại không gian dạy-học sạch sẽ, an toàn, thoải mái nhất cho GV, HS.
Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện phòng dịch như bố trí phòng cách ly, phòng y tế, cơ số thuốc, máy đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, đặc biệt là hệ thống nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn phục vụ nhu cầu rửa tay thường xuyên của HS, cán bộ, GV, nhân viên. Đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới; xây dựng phương án xử lý khi có tình huống dịch; chuẩn bị phương án đón - trả HS, tổ chức giờ nghỉ giải lao… bảo đảm yêu cầu giãn cách, không tập trung đông người; tiến hành kiểm tra công tác phòng dịch đối với các đơn vị trước khi năm học mới bắt đầu.
- Xin cảm ơn ông!