Thầy, trò trên tuyến đầu chống dịch: Cho đi để nhận lại

GD&TĐ - Khi dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh lân cận ngày càng diễn biến phức tạp với sự gia tăng của các ca F0, thầy trò các cơ sở đào tạo y dược đã dấn thân vào tâm dịch với tâm thế hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh.

GV, SV Trường ĐH Lạc Hồng hỗ trợ công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
GV, SV Trường ĐH Lạc Hồng hỗ trợ công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Để sinh viên vững tâm chống dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương phía Nam, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ khẳng định tâm thế luôn sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành. Lực lượng tình nguyện gồm cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường đã đăng ký từ trước và luôn sẵn sàng đến điểm nóng để đảm nhiệm việc xét nghiệm cộng đồng, tiêm chủng vắc-xin và tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến. Các đội hình được nhà trường tập huấn, đào tạo chuyên môn đã và đang tham gia hỗ trợ tại TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và gần đây là chi viện cho TPHCM.

TS.BS Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho biết: Với những sinh viên tình nguyện, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhà trường tổ chức dạy, học bù để các em kịp tiến độ học tập. Nhà trường cũng tập huấn về công tác điều trị, xét nghiệm và tiêm ngừa cho tất cả sinh viên năm cuối.

“Tinh thần của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ lúc nào cũng sẵn sàng hướng về cộng đồng. Với phương trâm “tri thức cho bạn, sức khoẻ cho đời”, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường quyết tâm hỗ trợ cho toàn dân, không chỉ Đồng bằng sông Cửu Long mà người dân cả nước, để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và chiến thắng đại dịch”, cô Phương chia sẻ.

Để lực lượng tham gia vững tâm chống dịch, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn trực tuyến nhằm trang bị kiến thức chuyên môn về dịch bệnh. Đồng thời, trường cũng hỗ trợ cho lực lượng tham gia chống dịch nhu yếu phẩm, lương thực, trang phục, dụng cụ bảo hộ. Phòng khám Đa khoa của trường phối hợp cùng Viện Tim tổ chức tiêm ngừa mũi 1 và 2 cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch và mũi 1 cho người thân.

Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và sinh viên Trường CĐ Y tế Cần Thơ đã tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch. Theo lời kêu gọi, nhà trường cử hơn 60 cán bộ, giảng viên và sinh viên lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Bình Dương. Tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường cũng không ngại nắng mưa, thay phiên trực 24/24 giờ tại các chốt ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, trong chiến dịch “Cần Thơ Xanh” trường đã thành lập 72 đội với hơn 300 sinh viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng. Hiện vẫn còn hơn 100 sinh viên của trường đang hỗ trợ quận Ninh Kiều và huyện Thới Lai thực hiện lấy mẫu tầm soát, xét nghiệm, góp phần cùng thành phố sớm chiến thắng dịch bệnh.

BS Nguyễn Quang Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ cho biết: Những việc làm này mang ý nghĩa và tinh thần nhân văn cao cả. Nhà trường đánh giá cao tinh thần tự giác, tự nguyện, không quản ngại khó khăn, thử thách của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Tất cả đã cống hiến hết mình, đem hết tâm sức, chuyên môn và lòng nhiệt huyết để tham gia hỗ trợ thành phố và các tỉnh bạn chống dịch.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp trao quà động viên GV, SV trường tham gia Đội Taxi cấp cứu.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp trao quà động viên GV, SV trường tham gia Đội Taxi cấp cứu.

Trao kiến thức, nhận lại nụ cười

“Với tình nguyện viên không may trở thành F0 sau khi tham gia chống dịch, nhà trường liên hệ với Bệnh viện điều trị tại huyện Cần Giờ. Nhà trường cũng hỗ trợ chi phí xét nghiệm và điều trị cho lực lực xung kích này…” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) chia sẻ.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn quan tâm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời đội ngũ giảng viên, sinh viên tham gia chống dịch. ThS Bùi Quang Trung - Trưởng phòng Truyền thông nhà trường trao đổi: Nhà trường hỗ trợ chi phí ăn uống 70.000 đồng/cá nhân/ngày công tác; cung cấp trang bị đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn, nước sát khuẩn; hỗ trợ tính giờ thực hành và chính sách hỗ trợ khác theo đề xuất của lãnh đạo các khoa... Riêng trường hợp sinh viên bị dương tính với Covid-19, nhà trường hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

Nguyễn Thị Khánh Linh, sinh viên Khóa 17 ngành Y học dự phòng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khi quyết định tham gia chống dịch, đã gặp không ít sự phản đối từ gia đình. Nhưng với kiến thức mình có, sự “bảo trợ” của trường cùng quyết tâm của bản thân, Linh đã thuyết phục được mọi người trong nhà.

“Trong suốt quá trình tham gia phòng chống dịch, nhà trường luôn là chỗ dựa vững chắc, để em có thể vừa hoàn thành tốt công tác chống dịch nhưng vẫn đảm bảo được việc học. Với gia đình, em coi như mình là F0 và thực hiện nghiêm việc cách ly để giữ an toàn cho mọi người”, Khánh Linh chia sẻ.

Trần Hồ Anh Thư  - sinh viên năm 4 ngành Dược Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) do sợ gia đình lo lắng, nên đã giấu kín chuyện tham gia chống dịch. “Em nghĩ gia đình sẽ không ngăn cản chuyện tham gia tuyến đầu chống dịch, vì đây là trách nhiệm, là bổn phận thiêng liêng. Nhưng chắc chắn không thể không lo. Đây là tâm lý chung của mọi người, nhất là bậc làm cha mẹ” - Anh Thư  chia sẻ đồng thời bộc bạch:

“Ngày 2/8 em dương tính với Covid-19, được đưa đi cách ly. Đoàn trường LHU và Khoa Dược đã hỗ trợ em rất nhiều. Nhà trường và thầy cô luôn hỏi thăm và gửi nhiều thứ, từ chai xịt khuẩn cho đến thuốc men, bánh kẹo, mì gói... Ở nơi cách ly, có nhiều cán bộ y tế, công an, quân đội phơi nhiễm như em, dường như mọi người đều hiểu, cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau. Có bệnh nhân khi biết chúng em bị phơi nhiễm trong quá trình chống dịch hỏi thăm, nhường đồ ăn… Nên, dù bị nhiễm Covid-19, nhưng em chưa bao giờ cô đơn…”.

Giáo viên, giảng viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Hình ảnh thầy cô tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng chống dịch là minh chứng thực tế có tác động sâu sắc đến học sinh về tinh thần tương thân tương ái, đồng lòng giúp đỡ nhau trong giai đoạn khó khăn. Qua đó, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với địa phương, đất nước, giúp các em nâng cao lòng yêu thương con người, nhất là những lúc khó khăn. - Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.