Thầy, trò trên tuyến đầu chống dịch: “Hoa nở” trong gian khó

GD&TĐ - Bất chấp hiểm nguy, nhiều sinh viên, giáo viên, giảng viên đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Sinh viên Lê Huỳnh Tâm lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: NVCC
Sinh viên Lê Huỳnh Tâm lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: NVCC

Trong gian khó, tình thầy – trò và nghĩa đồng bào luôn tỏa sáng, trở thành động lực để họ tiếp tục “xếp bút nghiên” lên đường vì sức khỏe cộng đồng.

Động lực từ những điều giản dị

Hơn 1 tháng nay, Lê Huỳnh Tâm – sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TPHCM tình nguyện xung kích trên tuyến đầu phòng, chống Covid-19. Công việc chính của Tâm là lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng. Không may, Tâm bị nhiễm Covid-19 và được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi khoảng 20 ngày. Trong giai đoạn này, Tâm gặp nhiều khó khăn, khi vừa điều trị, vừa ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Thế nhưng, em luôn được gia đình, thầy, cô, bạn bè và các y, bác sĩ động viên, hỗ trợ…

“Có những lúc, mọi người quan tâm, chia sẻ cho nhau từ chiếc bánh, gói mì, chai nước, hộp sữa… “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, điều đó khiến em vô cùng xúc động và quyết tâm tình nguyện, xung kích trên mặt trận phòng, chống Covid-19. Bởi đây là lúc tuổi trẻ chúng em cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, quê hương và đất nước” – Tâm bộc bạch và cho biết luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu để hỗ trợ tuyến đầu dập dịch.

Ngoài những hình ảnh bệnh nhân vui mừng khi nhận được kết quả âm tính với Covid-19, chờ ngày xuất viện, nam sinh trường y dược không khỏi trăn trở và trắc ẩn khi chứng kiến nhiều bệnh nhân lớn tuổi phải vật lộn, giành sự sống. Tâm tận mắt chứng kiến nỗi đau đến tận cùng của gia đình bệnh nhân khi người thân của họ ra đi không trở về.

Nam sinh này tự nhủ, phải thật khỏe mạnh để chung sức đẩy lùi và dập tắt dịch bệnh. Chính vì thế, ngay sau khi sức khỏe ổn định, Tâm tiếp tục tham gia đội tình nguyện. Ngoài lấy mẫu xét nghiệm ở cộng đồng, em còn lấy mẫu cho tình nguyện viên của các đội lưu động và tham gia mô hình theo dõi, chăm sóc điểu trị các F0 từ xa trên địa bàn Quận 5.

Khi Covid-19 hoành hành ở Bắc Giang, huyện Yên Dũng trở thành một trong những điểm nóng về dịch bệnh. Cô Đặng Thị Hương – giáo viên Trường Tiểu học Tiến Dũng đã viết đơn tình nguyện tham gia vào đội nhập liệu thông tin lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc Covid-19. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi tính chính xác, cẩn thận và sự tập trung cao độ. Cô Hương kể, những ngày đỉnh dịch, công việc không có giờ giấc cố định, đi sớm, về khuya là chuyện bình thường.

Nhớ lại những lúc làm việc ở tâm dịch, cô Hương cho biết: Không ai bảo ai, mọi người tự nhủ: Nhập liệu nhanh, chính xác để hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ y tế, nhưng cũng cẩn thận hết mức để không bi phơi nhiễm với Covid-19, trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như toàn đội tình nguyện và ngành Y tế. “Có những hôm làm việc đến 2 - 3 giờ sáng mới xong việc. Thế nhưng, chúng tôi được bà con và các đội tình nguyện tiếp sức bằng những ổ bánh mì, cốc chè tự nấu và chai nước suối mát lạnh. Giản dị nhưng nghĩa tình, khiến ai nấy đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi Covid-19” – cô Hương kể.

Quyết tâm của đội tình nguyện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, giúp TP Hồ Chí Minh chiến thắng đại dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Quyết tâm của đội tình nguyện Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, giúp TP Hồ Chí Minh chiến thắng đại dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Nghĩa tình giữa gian khó

Cũng nằm trong đội tình nguyện nhập liệu thông tin mẫu xét nghiệm, cô Nguyễn Thị Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Đồng Việt (Yên Dũng, Bắc Giang) không khỏi xót xa khi chứng kiến những cụ già, người mẹ trẻ bế con nhỏ vài tháng tuổi xếp hàng ngồi chờ lấy mẫu xét nghiệm giữa thời tiết nắng nóng.

“Các nhân viên y tế sẽ ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng này trước, nhưng nhiều cụ không đồng ý, nhất định làm lần lượt theo thứ tự xếp hàng và thực hiện nghiêm 5K. Điều đó khiến chúng tôi cảm động. Những lúc như thế này, rất cần ý thức chung của mọi người và tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế”, cô Thảo chia sẻ.

Nhớ lại những ngày làm tình nguyện giữa thời tiết nắng nóng 39 – 40 độ C, quần áo ướt sũng, mắt nhòe đi và cay xè vì mồ hôi, cô Thảo xúc động kể: Thấy mọi người làm việc vất vả, nhiều gia đình đã nấu nước lá vối kèm theo thùng đá, có gia đình còn bảo các con pha nước chanh đường hoặc mua kem chiêu đãi toàn đội và cũng là để “tiếp sức” cho mọi người làm nhiệm vụ.

“Tôi không bao giờ quên những hình ảnh thân thương, tình cảm chân phương ấm áp đó. Trên hết, đó là nghĩa đồng bào trong gian khó, trở thành động lực để chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, càng thêm tin tưởng, lạc quan vào ngày mai tươi sáng”, cô Thảo tâm sự.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ tuyến đầu Bắc Giang, TS Trần Anh Tuấn - giảng viên Bộ môn Nội (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) cùng hơn 200 giảng viên, bác sĩ, sinh viên của học viện tiếp tục lên đường vào TPHCM. Công việc của đoàn chủ yếu hỗ trợ truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, tùy theo thực tế và sự phân công của địa phương, đoàn sẵn sàng tham gia phục vụ trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến….

“Ban đầu, cả đội dự kiến tham gia tình nguyện khoảng 20 ngày nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, nên tiếp tục ở lại (đến nay là hơn 1 tháng) để cùng “chia lửa” với miền Nam ruột thịt và chưa hẹn ngày về” - TS Trần Anh Tuấn bày tỏ, đồng thời cho hay: Có những hôm cả đội test nhanh gần 10 nghìn mẫu, hỗ trợ tiêm chủng cho hàng nghìn trường hợp và tư vấn online cho hàng trăm người dân.

Theo TS Trần Anh Tuấn, mệt mỏi chỉ là cảm giác, chỉ mong dịch sớm được khống chế và dập tắt để cuộc sống trở lại bình thường. Song, trân quý ở chỗ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cả đội luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của người thân, đồng nghiệp và người dân địa phương.

“Chúng tôi tiếp tục tình nguyện ở lại TPHCM lâu hơn nữa, hoặc đi đến bất cứ vùng dịch nào nếu cần. Bởi với chúng tôi, đó là những trải nghiệm đáng nhớ và cũng là những tháng ngày thanh xuân rực rỡ và tươi đẹp nhất” - TS Trần Anh Tuấn tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ