Thầy, trò trên tuyến đầu chống dịch: Chiến sĩ trên hai mặt trận

GD&TĐ - Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng là lúc các trường học kết thúc năm học.

BS Nguyễn Quang Thông, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ tiễn sinh viên lên xe hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch.
BS Nguyễn Quang Thông, Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ tiễn sinh viên lên xe hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch.

Rời bục giảng, nhiều thầy cô giáo đã tình nguyện tham gia hỗ trợ thành phố và các địa phương chống dịch.

Rời bục giảng, xông pha đi chống dịch

Vừa hoàn thành công việc trên mặt trận dạy chữ, rèn người, nhiều giáo viên Cần Thơ đã tham gia chốt chặn để tuyên truyền, kiểm soát người ra vào địa bàn, nấu ăn, vận chuyển hàng hóa... Làm việc dưới thời tiết oi bức, công việc kéo dài từ sáng sớm tới đêm nhưng thầy cô vẫn tận tụy, với mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để thầy, trò được trở về với trường lớp.

Thầy Phan Trần Đặng Tâm Anh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Thành phố kêu gọi tình nguyện tham gia hỗ trợ trực các chốt ra vào cửa ngõ thành phố. Thoạt đầu, tôi có cảm giác lo lắng, nhưng là một Bí thư Đoàn cơ sở giáo viên nên tôi đã mạnh dạn đăng ký và thuyết phục đồng nghiệp tham gia hỗ trợ khi thành phố cần”.

Cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, cho hay: Trước tình hình dịch Covid-19, bà con lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người bán vé số, lượm ve chai vất vả mưu sinh. Mong muốn góp một phần nhỏ để hỗ trợ, chia sẻ, cô Xuân cùng các thầy, cô giáo đã xây dựng bếp ăn và “chợ 0 đồng”. Thầy cô đều tranh thủ thời gian, sắp xếp chuyện gia đình để tham gia hoạt động. Mọi người đều vui vẻ, nhiệt tình, một số thầy cô giáo mang cả con cùng tham gia để các cháu hiểu được ý nghĩa của việc giúp đỡ người dân khó khăn.

Bản thân là bác sĩ, cùng sinh viên ra tuyến đầu chống dịch, ThS.BS Nguyễn Phúc Đức, Kỹ thuật viên Trưởng, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Cần Thơ ban đầu cảm thấy áp lực khi dẫn đoàn tham gia chống dịch tại các điểm nóng. Ngoài đảm bảo công tác chuyên môn đem lại hiệu quả trong phòng chống dịch, đoàn còn phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các sinh viên.

“Là giảng viên, từng tham gia nhiều đợt tập huấn chuyên môn, tôi đánh giá cao khả năng tìm tòi, học hỏi và kỹ năng chuyên môn của sinh viên. Ngoài việc tập huấn ở giảng đường, giảng viên cũng luôn đồng hành, giám sát và hỗ trợ sinh viên tham gia tình nguyện tại vùng dịch. Tôi nhận thấy, sinh viên đã đảm bảo tốt công tác chuyên môn và tin rằng các em sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh. Điều này giúp ích cho các em rất nhiều trong chặng đường hành nghề sau này”, BS Phúc Đức chia sẻ.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiễn đoàn cán bộ, giảng viên, SV lên đường chi viện cho TPHCM chống dịch.
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiễn đoàn cán bộ, giảng viên, SV lên đường chi viện cho TPHCM chống dịch.  

Kết nối người bệnh với bác sĩ

Tham gia vào tổ công tác đặc biệt phục vụ phòng chống dịch tại quận Bình Thạnh (TPHCM), chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (Chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) phụ trách việc giám sát lấy mẫu cộng đồng, lấy mẫu diện rộng, đồng thời kiêm luôn giám sát các công việc phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, tại các khu cách ly phong tỏa… trên địa bàn.

Cuối tháng 7 vừa qua, chị Nguyệt Thanh chuyển lên phục vụ tại Tổng đài cấp cứu 115 dã chiến của TPHCM, với vai trò Phó chỉ huy tổng đài này. Phụ trách Tổng đài 115 có 130 sinh viên của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia làm 3 ca/ngày.

“Khi TP áp dụng lệnh giãn cách, các cuộc gọi tới tổng đài gia tăng. Trung bình mỗi ngày chúng tôi nhận từ 4.000 - 6.000 cuộc gọi. Sự vất vả ở đây không phải là tiếp xúc với bệnh nhân mà về mặt tinh thần, khi phải đối diện nỗi đau của người dân. Có những ca gọi đến nhiều khi mình điều chưa kịp thì bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, với những trường hợp như vậy, các bạn trong nhóm cũng rất buồn. Tuy nhiên rồi cũng tự động viên nhau vượt qua để tiếp tục công việc”, chị Nguyệt Thanh chia sẻ.

Là sinh viên ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Trương Nhật Minh cho biết rất tự hào khi khóa Y đầu tiên của trường tham gia tuyến đầu chống dịch. Nhật Minh tham gia hỗ trợ các y, bác sĩ tại quận Gò Vấp, Bình Tân, Quận 8, Quận 7, Quận 4, huyện Nhà Bè… trong việc nhập liệu thông tin (những người phải lấy mẫu), hỗ trợ lấy mẫu, tiêm chủng vắc-xin cho người dân…

“Biết việc tham gia chống dịch luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhưng khi thấy số F0 gia tăng cùng lượng người bị Covid cướp đi tính mạng nhiều lên mỗi ngày, em thấy trọng trách sinh viên ngành Y với cộng đồng nên không còn thấy sợ hãi và đã quyết định tham gia vào tuyến đầu chống dịch” - SV Nhật Minh chia sẻ.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), hàng nghìn giảng viên, SV của trường đã tham gia, hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TPHCM. 

Phần lớn các cuộc gọi tới, người dân đều trong trạng thái hoảng loạn… khiến các tổng đài viên của đường dây rất áp lực, làm sao xử trí nhanh nhất, tìm cơ sở y tế gần nhất, phù hợp với tình trạng bệnh của người dân để chuyển đi nhanh nhất có thể. Mỗi lần làm cầu nối kịp thời, một người dân thông báo khỏi bệnh, chúng tôi mừng rơi nước mắt. - Chị Nguyệt Thanh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.