Tăng năng suất, hạn chế tai nạn lao động
Tiếp nối thành công từ việc nghiên cứu chế tạo thiết bị đo tỷ lệ dừa sáp, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Trà Vinh tiếp tục phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ bằng dự án “Chế tạo máy tách vỏ trái dừa tại tỉnh Trà Vinh phục vụ sản xuất tơ xơ dừa”.
Với dự án này, nhóm nghiên cứu mong muốn nghiên cứu chế tạo một mẫu máy tách vỏ dừa phù hợp cho sản xuất tơ xơ dừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với tỷ lệ tách đạt 92,42%. Thạc sĩ Đặng Hoàng Vũ, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Để máy tách được quả (kích thước từ 140mm - 270mm) và độ chín khác nhau của quả dừa, nhóm phải xác định được khả năng ôm tách của trục và lực tách phù hợp cho các loại trái (dừa vừa chín tới, dừa khô hoàn toàn…).
Máy được thiết kế nạp cùng lúc từ 2 - 3 trái với năng suất 647 trái/giờ. Thông qua hệ thống nạp dừa vào vùng tách đảm bảo an toàn cho ngưởi lao động. Ngoài ra, máy còn có cụm băng tải vận chuyển thẳng vào vùng nạp liệu, giúp tăng tính tự động hóa trong sản xuất. Quá trình khảo nghiệm gần 1.200 trái dừa, nhóm xác định được khoảng cách tối ưu và kích thước bố trí hợp lý trong thiết kế máy tách. Sau khi chế tạo và thử nghiệm tại Trường ĐH Trà Vinh, thiết bị được đưa vào thử nghiệm tại doanh nghiệp cơ sở chế biến dừa và được đánh giá cao.
Thạc sĩ Đặng Hoàng Vũ cho biết thêm: Nhóm nghiên cứu mong muốn thương mại hóa sản phẩm để đáp ứng cơ sở chế biến trong tỉnh Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Hiện tại, thiết bị đã đăng ký sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp. Sắp tới đăng ký nhãn hiệu để thuận lợi cho việc triển khai thương mại hóa sản phẩm.
Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị có giá thành phù hợp với cơ sở (khoảng 60 - 80 triệu đồng/máy) khả năng thu hồi vốn đầu tư máy nhanh. Nhóm dự định sản xuất nhiều mẫu máy với năng suất máy theo yêu cầu của khách hàng. Với năng suất sản xuất của máy tách vỏ sẽ giúp cho cơ sở, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất trong ngành chế biến dừa. Máy có năng suất cao gấp 3 lần và chi phí sản xuất giảm đi 3 lần so với thuê nhân công tách vỏ dừa theo phương pháp truyền thống.
Tơ xơ dừa là sản phẩm từ vỏ dừa, chiếm tỉ trọng xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ và thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ chỉ xơ dừa là rất lớn. Trước đây, quá trình tách vỏ lấy xơ vẫn còn thực hiện bằng phương pháp thủ công, đặc biệt là khâu tách vỏ dừa rất nguy hiểm cho người lao động. Việc nghiên cứu chế tạo máy tách vỏ dừa tự động của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Trà Vinh phục vụ trong ngành chế biến dừa hạn chế rủi ro tai nạn lao động và thiếu hụt lao động phổ thông, giúp năng suất và hiệu quả kinh tế.
Nâng tầm sản phẩm truyền thống
Củ nưa từ xa xưa được người dân miền Tây Nam Bộ chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, có tác dụng bồi bổ, vừa là vị thuốc quý. Bột nưa ăn mát, chắc dạ, có tác dụng tăng cường sức khỏe nên ai bị bệnh tật, thương tích đều được khuấy bột nưa cho uống. Bột nưa còn là món quà quý hiếm, bởi vậy bột nưa còn xem như món quà quý dùng để tặng người thân.
Xuất phát từ mong muốn mang lại sản phẩm có lợi cho cộng đồng và xã hội, góp phần nâng cao giá trị cho củ nưa. Nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm “Bột nưa nông sản vì sức khỏe - KLEN FARM”. Đây là thành quả lao động không ngừng nghỉ của nhóm nghiên cứu: Sơn Thái Ngoan (sinh viên Đại học Luật), Nguyễn Thanh Trà (sinh viên Đại học Dược), Hà Thị Diễm Khuyên (sinh viên Đại học Công nghệ Thực phẩm) và Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (sinh viên Đại học Ngôn ngữ Anh).
Nói về cách thức chế biến thành phẩm bột nưa, tạo sự khác biệt với các loại sản phẩm cùng đặc điểm khác trên thị trường. Sơn Thái Ngoan, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Bột nưa nông sản vì sức khỏe - KLEN FARM là sản phẩm được sản xuất từ củ nưa nguyên chất, canh tác theo nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm áp dụng công nghệ mới trong sản xuất như: Nghiền, sấy, trích ly, phân ly. Để tạo ra sự độc đáo, nhóm tạo ra nhiều loại sản phẩm bột nưa khác nhau như: Bột nưa tinh chất nghệ mật ong, bột nưa hoa đậu biếc, bột nưa hương hoa lài…
Ngoài ra, sản phẩm không chất bảo quản, 100% tự nhiên bảo đảm nguồn gốc sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác. Sản phẩm độc đáo và nhiều loại hương vị khác nhau so với các sản phẩm cùng đặc điểm như bột sắn dây, bột mì… Nhóm nghiêm cứu tiếp tục sáng tạo đổi mới sản phẩm, nhiều mẫu mã khác nhau, kết hợp nông trại nưa với du lịch trải nghiệm, ẩm thực, nghiên cứu và cho ra sản phẩm nước uống đóng lon từ bột nưa. Đồng thời xây dựng thương hiệu gắn liền với địa phương.