Thầy nỗ lực, trò cố gắng

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có nhiều em đạt điểm cao là học sinh các dân tộc thiểu số. Kết quả này là minh chứng cho những nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên học tập của trò.

Học sinh Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Tân Lạc (Hòa Bình).
Học sinh Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Tân Lạc (Hòa Bình).

Đây cũng là thành quả đổi mới trong dạy học của GV, trường vùng khó, nhất là khối trường dân tộc nội trú.

Những thủ khoa người dân tộc thiểu số

Phạm Thị Huệ, dân tộc Tày, học sinh lớp 12D Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang đã xuất sắc đạt được điểm 10 môn Lịch sử, Địa lý và 8,5 môn Ngữ văn. Với điểm số trên, Huệ nằm trong tốp thí sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước và tổ hợp xét tuyển của trường.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Ngọc Quang, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang trong gia đình bố mẹ đều làm nông nghiệp, ngay từ nhỏ, Huệ luôn tự giác học tập, chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ việc nhà và việc đồng áng. Nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi, tham gia tích cực hoạt động chung của nhà trường.

Huệ cho biết: Từ nhỏ em đã có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn Lịch sử. Thời gian rảnh rỗi em thường tìm hiểu về lịch sử của dân tộc, quốc tế và dường như nó đã trở thành thói quen. Với số điểm này, em có cơ hội được xét tuyển vào Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngôi trường mơ ước của em từ lâu.

Kể về học trò, cô Hà Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang cho hay: Huệ học giỏi đều các môn, là tấm gương sáng trong học tập với nhiều thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Điểm 10 môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp là phần thưởng xứng đáng dành cho em.

Có được điều này cũng nhờ công sức của các thầy cô trong trường đã tâm huyết dạy dỗ các em. Trong những năm gần đây, học sinh dân tộc thiểu số đạt được thành tích xuất sắc tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường luôn đạt 100%. Không chỉ được học văn hóa, học sinh còn được giáo dục kỹ năng sống, tham gia vào rất nhiều các câu lạc bộ sở thích.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Mạ Thị Quỳnh, dân tộc Tày, học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (Thái Nguyên) cũng đạt số điểm rất cao: Lịch sử 10, Địa lý 10, Văn 8,75. Với kết quả này, Mạ Thị Quỳnh nằm trong tốp thí sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước và điểm cao nhất với tổ hợp xét tuyển đại học.

Quỳnh tâm sự: Lịch sử là môn khó nhưng cũng rất thú vị nếu có niềm đam mê với môn học. Khát khao được tìm hiểu những kiến thức về đất nước, dân tộc đã thôi thúc em đến với môn học này. Trước kỳ thi, em đặt ra mục tiêu phải đạt điểm 10 môn Lịch sử và quyết tâm phấn đấu để có thể đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhận được kết quả thi, mọi cảm xúc trong em đan xen và vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Mạ Thị Quỳnh - học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Mạ Thị Quỳnh - học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc. 

Trường dân tộc nội trú có kết quả học tập chỉ sau trường chuyên

Em Lường Thị Cảnh, dân tộc Thái, học sinh Trường PTDTNT THCS& THPT huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cũng là thí sinh đạt điểm cao nhất tại tổ hợp C với tổng điểm 3 môn là 27 điểm (môn Ngữ văn 9,25 điểm, Địa lý 9 điểm, Lịch sử 8,75 điểm). Ngoài ra, điểm trung bình 3 môn Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân của Cảnh là 7,85.

“Là khóa đầu tiên của trường thi tốt nghiệp THPT, Cảnh và các bạn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của thầy, cô giáo và Ban giám hiệu nhà trường. Được thầy cô truyền động lực, em và các bạn quyết tâm học tập thật tốt trong năm lớp 12, đặc biệt là trong 3 tháng cuối ôn thi tốt nghiệp để có kết quả thi tốt nhất”, Cảnh nói.

Cô Nguyễn Thúy Hiền – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Đà Bắc cho biết: Cảnh và các học sinh lớp 12 của nhà trường đều ngoan ngoãn, chăm học, biết tự lập trong cuộc sống. 2 năm học vừa qua dù gặp  ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các em đã vượt khó vươn lên trong học tập.

Kết quả của kỳ thi năm nay đã phản ánh chất lượng không ngừng tăng của các trường dân tộc nội trú. Ở môi trường nội trú, các thầy cô như cha mẹ, tìm hiểu tâm lý học sinh, động viên các em trong học tập, luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo động lực cho học sinh học tập.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường PTDTNT THCS& THPT huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tạo được dấu ấn nổi bật nhờ lứa học sinh lớp 12 đầu tiên của nhà trường dự thi đã đạt thành tích xuất sắc. Nhiều em đạt điểm cao và trúng tuyển vào trường đại học tốp đầu.

Thầy Đào Tuấn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS& THPT huyện Tân Lạc tự hào nói: Lớp 12 của nhà trường năm nay có 28/30 học sinh giỏi toàn diện, 2 học sinh tiên tiến. Tại kỳ thi năm nay, lớp đã lập thành tích ấn tượng, đưa nhà trường lên vị trí thứ 2 chỉ sau Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ trong danh sách các đơn vị giáo dục có học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt thành tích cao nhất.

Có được kết quả đó do trong quá trình học tập và ôn luyện, học sinh đều chăm chỉ, tự giác, quyết tâm, cùng với đó là hướng dẫn trách nhiệm của thầy, cô giáo, sự quan tâm đôn đốc nền nếp sinh hoạt và học tập của đội ngũ giáo vụ nhà trường, đồng thời là sự vào cuộc của Ban giám hiệu ngay từ đầu năm học.

Theo thầy Sơn, để hỗ trợ học sinh, Ban giám hiệu và giáo viên thường xuyên nói chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh. Cùng với đó, các trang thông tin tuyển sinh đều được nhà trường chuyển cho học sinh nghiên cứu, công văn về tuyển sinh được chuyển 1 bản về lớp.

Ngay từ đầu năm, học sinh lớp 12 viết cam kết về kết quả học tập, có bảng thống kê niêm yết tại lớp, bảng đồng hồ đếm ngược ngày thi, chỉ tiêu về điểm thi được đề ra cụ thể... Đặc biệt, một điều hết sức quan trọng là duy trì tốt nền nếp nội trú của học sinh - yếu tố then chốt giúp các em có ý thức học tập và rèn luyện, quyết tâm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. - Thầy Đào Tuấn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.