Thầy Hiệu trưởng tận tâm với sự nghiệp “trồng người”

GD&TĐ - Gần 25 năm gắn bó sự nghiệp “trồng người”, thầy Phạm Thành Tấn-Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Phạm Kiệt luôn được bao thế hệ học trò nhắc đến với hình ảnh là một người thầy tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh

Thầy Tấn (thứ 3, từ trái qua) đến nhà vận động các em học sinh đến trường.
Thầy Tấn (thứ 3, từ trái qua) đến nhà vận động các em học sinh đến trường.

Vượt đèo, lội suối đến nhà vận động học sinh đi học

“Tận tâm với nghề, yêu thương học trò như con ruột của mình” là tâm niệm mà thầy Phạm Thành Tấn (SN 1973) - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Kiệt, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi hướng đến trong suốt 24 năm sự nghiệp “trồng người” của mình.

Với thầy Tấn, sự cống hiến trong chuyên môn cùng những sáng tạo, đổi mới trong công tác dạy học của thầy, THCS và THPT Phạm Kiệt dần trở thành một trong những điểm sáng của ngành giáo dục tỉnh nhà.

Trò chuyện cùng Báo GD&TĐ, thầy Tấn cho biết, thầy sinh ra và lớn lên ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, có 7 anh chị em, thầy Tấn là con út trong gia đình.

Mất mẹ từ khi mới 15 tháng tuổi, thầy Tấn đã sống cùng ông, bà nội, bố và 6 anh chị. Thiếu thốn tình thương từ mẹ ngay từ nhỏ, cùng với đó là những khó khăn của cuộc sống bủa vây gia đình khiến thầy Tấn quyết chí học tập, để lớn lên có được một công việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình.

Thầy Tấn (thứ 2, từ phải sang) cùng các giáo viên đến nhà học sinh.
Thầy Tấn (thứ 2, từ phải sang) cùng các giáo viên đến nhà học sinh.

“Ngày đó, tôi theo học tại trường huyện, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường lúc đó cũng rất khó khăn, toàn mái tranh vách đất, học sinh nghèo khó, thiếu thốn trong việc học. Hình ảnh đó, cứ hiện mãi trong suy nghĩ của bản thân, khát vọng trở thành nhà giáo để có thể giúp đỡ phần nào cho thế hệ sau chính là khát vọng lớn nhất của tôi”, thầy Tấn tâm sự.

Tốt nghiệp ra trường, từ năm 1997–2018 thầy Tấn được phân công về giảng dạy tại trường THPT Ba Gia, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và sau đó giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng 10 năm. Đến năm 2018, thầy được điều đến công tác tại trường THCS và THPT Phạm Kiệt, huyện Sơn Hà, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của tỉnh Quảng Ngãi.

Giảng dạy ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn là một nỗi niềm trăn trở đối với người làm cương vị quản lý. Thế nhưng, bằng tình cảm và niềm thương yêu học sinh như con ruột của mình, thầy Tấn cùng đội ngũ giáo viên của trường đã cố gắng đi đầu trong công việc, quyết tâm xây dựng và phát triển trường học khu vực miền núi.

Thầy Tấn cùng giáo viên đến trao quà cho phụ huynh học sinh để vận động các em đến trường.
Thầy Tấn cùng giáo viên đến trao quà cho phụ huynh học sinh để vận động các em đến trường. 

Thầy Tấn tâm sự rằng: “Với 24 năm giảng dạy và trên cương vị quản lý, những kỷ niệm trong nghề của tôi không ít, trong đó kỷ niệm đáng nhớ vẫn là thời gian giảng dạy, quản lý hơn 3 năm tại khu vực miền núi. Việc tôi cùng các giáo viên trong trường đi về thôn bản xa xôi, địa hình hiểm trở để vận động học sinh ra lớp”.

Theo lời thầy Tấn, hằng ngày, các thầy cô giáo phải dạy học trên lớp học, đến đêm về lại ngược đường lên các vùng cao, vùng xa để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, tặng quà cho học sinh, với mong muốn các em được đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học sớm, tảo hôn.  

“Nhiều cô giáo, chân yếu tay mềm vượt đèo, lội suối, nhiều hôm bị trượt ngã, chấn thương. Tuy nhiên, trong công tác này đã giúp cho anh em được tiếp cận với phụ huynh, hiểu rõ tâm tư, tập tục, đặc biệt là học được nhiều câu nói chân thật của người đồng bào địa phương.

Là một người quản lý, luôn đồng hành cùng anh chị em, tôi rất đồng cảm và chia sẻ gánh nặng trong công việc với giáo viên. Đây có lẻ là hoạt động làm cho anh chị em đang công tác trên các trường vùng sâu, vùng xa xích lại gần nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Từ đó họ có được sự đoàn kết trong suy nghĩ và hành động”, thầy Tấn nói.

Cố gắng tìm “hướng đi” tốt nhất cho học sinh

Gần 25 năm trong nghề giáo, nhiều chuyện buồn vui của nghề giáo thầy Tấn đều đã nếm trải. Thế nhưng, dù có khó khăn cực khổ bao nhiêu thì thầy Tấn vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc.

Nếu nói mệt mỏi và hụt hẫng trong công tác “gõ đầu trẻ” thì có lẽ ở thầy Tấn chưa bao giờ gặp bởi vì chính sự nhiệt huyết của các giáo viên trong trường cùng bản thân thầy, đã làm cho thầy quên đi mệt mỏi. Cái tâm và lòng nhiệt thành với học trò cùng với năm tháng gần gũi các em đã hun đúc thêm lòng nhiệt huyết, giúp thầy vượt qua tất cả để cống hiến hết mình cho học trò.

Thầy Tấn (áo trắng) cùng các giáo viên tổ chức nấu Nồi cháo tình thương cho học sinh bán trú.
Thầy Tấn (áo trắng) cùng các giáo viên tổ chức nấu Nồi cháo tình thương cho học sinh bán trú.

“Nói thật, ban đầu mới ra trường tôi hơi bỡ ngỡ trong công việc, nhưng với sự quyết tâm và yêu nghề, hình như chưa khó khăn nào mà mình chưa vượt qua được trong lĩnh vực công tác. Đến nay, cảm giác của tôi đang cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều lớp học trò khá thành công, dù các em chỉ được học tập ở một trường huyện. Tôi không nghĩ bản thân mình lại góp công lớn đến vậy, đúng là rất tự hào về những gì tôi đã cống hiến cho thế hệ trẻ”, thầy Tấn cho hay.

Với cương vị mới, tại đơn vị miền núi thì cống hiến được như ở miền xuôi là điều rất khó khăn. Đây có thể nói là trở ngại lớn trong công việc của thầy Tấn. Song, dù ở đâu, dù trong điều kiện nào, thầy Tấn vẫn luôn cố gắng tìm ra hướng đi tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, của nhà trường, của đối tượng học sinh, quyết tâm phát huy thế mạnh của đơn vị, đồng thời xoá dần những khiếm khuyết một cách hiệu quả, đưa sự nghiệp giáo dục nhà trường từng bước đi lên.

Không những làm quản lý, thầy Tấn vẫn thường xuyên tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh, Quốc gia.

Mặc dù điều kiện nhà trường còn rất khó khăn, nghèo nàn nhưng với sự nỗ lực của bản thân thầy, sự đoàn kết, đồng thuận của đội ngũ giáo viên của trường, 3 năm qua, thành tích của trường tiến bộ theo mỗi năm.

Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, mặc dù phải tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng trường đã thực hiện rất thành công nhiệm vụ giáo dục, về đích với thành tích đáng trân trọng như: UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Trường được Công an tỉnh Quảng Ngãi tặng Giấy khen đơn vị xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự năm 2020. UBND huyện công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” năm 2021. Được UBND huyện công nhận Cơ quan văn hoá 3 năm liền. Công đoàn được công nhận Công đoàn vững mạnh xuất sắc cấp tỉnh và dẫn đầu trong Cụm thi đua của các đơn vị miền núi, hải đảo năm học 2020-2021.

Thầy Tấn (ngoài cùng bên phải) trao quà từ thiện cho các em học sinh.
Thầy Tấn (ngoài cùng bên phải) trao quà từ thiện cho các em học sinh.

“Khi biết tin được vinh danh trong chương trình Tri ân thầy cô, tôi rất xúc động. Đây là niềm vui lớn, là niềm vinh hạnh rất lớn của bản thân, đơn vị và gia đình. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ là người thay mặt cho anh chị em đồng nghiệp trong ngành đón nhận danh hiệu này, chứ thực sự đây là công sức của toàn tập thể sư phạm nhà trường, đặc biệt có sự quan tâm giúp đỡ của đồng nghiệp và lãnh đạo ngành giáo dục”, thầy Tấn bộc bạch.

Thầy Tấn cho rằng, theo suy nghĩ của thầy thì nghề nào cũng là một nghề, nó sẽ được tôn trọng và tôn vinh khi nó được hun đúc từ “tâm” và “tầm” mà Bác Hồ và bao thế hệ cha anh đã từng nói đó là “đức” và “tài”.

Thầy Tấn phát biểu tại chương trình Tình nguyện vì học sinh miền núi
Thầy Tấn phát biểu tại chương trình Tình nguyện vì học sinh miền núi

“Đối với nghề “gõ đầu trẻ” thì “đức” vẫn là nền tảng. Một khi “đức” trong sáng sẽ giúp người thầy cảm thấy yêu nghề, yêu người và họ sẽ đem hết trí tuệ để cống hiến cho thế hệ trẻ. Với bản thân tôi, một người làm công tác giáo dục, dù ở đâu, ở cương vị nào cũng không ngại khó, không ngại khổ, phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, quyết tâm làm thay đổi nhà trường ngày một tốt hơn, học sinh ngày càng được hưởng những điều tốt đẹp hơn trong tương lai”, thầy Tấn khẳng định.

Trong 24 công tác trong ngành giáo dục, thầy Tấn đã đạt được những thành tích như:

-Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, từng là thành viên của Hội đồng chuyên môn của tỉnh, môn Hoá học. Đã có nhiều sáng kiến về chuyên môn được công nhận ở cấp Sở, giúp học sinh tại trường và cán bộ, giáo viên Hoá học tham khảo, nghiên cứu giảng dạy.

 -Trong công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học, thầy Tấn đã giúp học sinh nghiên cứu đề tài “Khả năng hút dầu loang bằng hỗn hợp bột bắp và mùn cưa”; đề tài đạt giải Nhất cấp tỉnh, lọt vào kỳ thi chung kết cấp Quốc gia, năm học 2013-2014.

-Trong công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia, thầy Tấn đã từng là người đi đầu trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường THPT Ba Gia dự thi cấp tỉnh và đạt nhiều giải trong bộ môn Hoá học.

Đặc biệt, năm học 2007-2008, tham gia bồi dưỡng đội tuyển Học sinh Giỏi máy tính cầm tay của tỉnh tham gia kỳ thi khu vực Miền Trung, Tây Nguyên môn Hoá học đạt 4 giải. Năm học 2008-2009, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham gia kỳ thi Học sinh Giỏi cấp Quốc gia môn Hoá học, đạt 3 giải (trong đó có học sinh của trường THPT Ba Gia).

- Trong công tác quản lý tại trường THPT Ba Gia, thầy Tấn luôn cố gắng làm hết khả năng để đem lại những thành tích tốt trong chuyên môn: Tham mưu và trực tiếp tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường, đã góp nhiều sản phẩm vào các kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp Quốc gia (3 lần có đội tuyển dự thi Quốc gia, trong đó có 2 lần đạt giải). Thành tích các đội tuyển Học sinh Giỏi dự thi cấp tỉnh ngày càng cao, sánh vai với các trường tốp đầu trong tỉnh. Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ