Thầy hiệu trưởng làm "tổng đài" chống bắt nạt, xâm hại học đường

GD&TĐ - Công khai số điện thoại trước cổng trường, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đã ngăn chặn và hóa giải nhiều vụ bắt nạt, xâm hại học đường.

Băng rôn kèm số điện thoại thầy Hiệu trưởng trước cổng Trường THCS Quỳnh Phương.
Băng rôn kèm số điện thoại thầy Hiệu trưởng trước cổng Trường THCS Quỳnh Phương.

“Học sinh an toàn, áp lực hiệu trưởng chịu được hết”

Nhớ lại những ngày đầu mới về Trường THCS Quỳnh Phương đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng, thầy Hồ Tuấn Anh đã rất tâm tư về trình trạng mất an ninh và bắt nạt học đường diễn ra tại trường.

Tiếp quản vị trí “ghế nóng”, thầy Hồ Tuấn Anh xác định, bên cạnh nâng cao chất lượng giảng dạy thì việc đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh là hết sức quan trọng. Để mỗi ngày đến trường, các em được an tâm và vui vẻ.

Trong một chuyến đi công tác tại Hà Nội vào năm 2019, thầy Tuấn Anh tình cờ bắt gặp trước cổng một trường THCS có gắn tấm băng rôn với nội dung: “Nghi ngờ trẻ bị xâm hại, bạo lực hãy gọi 111” (Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em).

Xuất phát từ tấm băng rôn này, thầy Hồ Tuấn Anh đã quyết định công khai số điện thoại của chính mình, in khổ lớn treo trước cổng trường. Thầy suy nghĩ, với người dân thành phố Hà Nội việc gọi điện đến số 111 sẽ rất dễ dàng, nhưng ở vùng nông thôn thì không phải khi nào cũng có thể gọi và xử lý kịp thời được.

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh vui vẻ khi kể chuyện về các học trò của mình.
Thầy giáo Hồ Tuấn Anh vui vẻ khi kể chuyện về các học trò của mình.
“Ban đầu cũng có nhiều người lo lắng việc tôi công khai số điện thoại sẽ có người quấy phá, trêu chọc nhưng tôi xác định, chỉ cần an toàn cho các cháu, mọi áp lực khác tôi chịu được hết. Tôi nghĩ, có sự tham gia của hiệu trưởng thì vấn đề bạo lực và xâm hại học đường sẽ được giải quyết nhanh và hiệu quả nhất”, thầy Tuấn Anh tâm sự.

Sau khi treo tấm biển với nội dung: “Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hoặc chứng kiến bạn bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi 111 hoặc số điện thoại của thầy hiệu trưởng”, nhiều phụ huynh đã đọc được và cảm thấy rất thích thú. Một số phụ huynh hào hứng chụp ảnh đăng lên các trang mạng xã hội, các hội nhóm của địa phương.

Nhận được sự quan tâm, đồng lòng của các bậc phụ huynh, thầy Tuấn Anh cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi. Thời gian đầu, cứ nghĩ sẽ có nhiều tin nhắn cuộc gọi quấy phá nhưng ngược lại, thầy Tuấn Anh lại nhận được nhiều tin nhắn của học trò.

Có những tin nhắn ngây ngô nhưng phần lớn là những tin báo giá trị, giúp thầy và nhà trường kịp thời ngăn chặn, hóa giải các vụ bắt nạt, đánh nhau trong trường học.

Trong số những tin nhắn của học sinh, thầy hiệu trưởng vẫn nhớ mãi câu chuyện về một nữ sinh lớp 9, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp nhưng em vẫn quyết định nghỉ học để lấy chồng. Khuyên nhủ có, tâm tình có, nhưng thầy không lay chuyển được quyết định của cô học trò đang ở cái tuổi ẩm ương, thích làm theo ý mình.

Chứng kiến học trò của mình đi lấy chồng, thầy buồn, bất lực và không tránh khỏi lo lắng bởi cả về thể chất và tinh thần, em đều chưa sẵn sàng với thiên chức làm vợ, làm mẹ. “Là một người thầy, người quản lý và người cha, tôi thấy chưa làm tròn được trách nhiệm của mình”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Bên cạnh giải quyết các tâm sự, mâu thuẫn của học trò, số điện thoại nóng của thầy hiệu trưởng còn là kênh thông tin giúp nhà trường nắm bắt thông tin, giúp đỡ nhiều em học sinh trong cuộc sống và học tập.

“Người dân miền biển rất chất phác, nhiều bậc phụ huynh có suy nghĩ chửi mắng, đánh đòn là thương con. Thậm chí có trường hợp vì con ham chơi mà bị cha mẹ nhốt ở nhà, chúng tôi phải trực tiếp đến giải quyết. Nhiều khi thầy cô phải kiêm luôn bố mẹ, có những hôm kiểm tra, thi học kỳ thầy cô phải đến tận nhà chở học sinh”, thầy hiệu trưởng vui vẻ nói.

Chia sẻ về hiệu quả của việc công khai số điện thoại, thấy Tuấn Anh vui mừng khi nó đang mang lại nhiều thành công. Trước đây, có tình trạng học sinh trong trường văng tục, chửi nhau, đánh nhau nhưng bây giờ đã không còn. Học sinh đến trường an toàn và đầy đủ hơn, em nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép.

Chống bạo lực học đường, cuộc chiến không của riêng ai

Không chỉ quan tâm, lo lắng cho các em học sinh thông qua những tin nhắn hay cuộc điện thoại, thầy Tuấn Anh còn là người gần gũi mà các trò có thể thoải mái nói chuyện, thậm chí ôm vai bá cổ xem ai cao hơn.

Hình ảnh thầy mỗi sáng đứng trước cổng trường để đón học trò và kiểm tra công tác phòng dịch đã không còn xa lạ, nhiều em học sinh còn lầm tưởng thầy hiệu trưởng là bảo vệ.

Thầy Hồ Tuấn Anh thường xuyên lắng nghe và tâm sự với các học trò.
Thầy Hồ Tuấn Anh thường xuyên lắng nghe và tâm sự với các học trò.

Thầy hiệu trưởng hào hứng kể lại, cách đây không lâu, có một em học sinh lớp 6 nhắn tin “Xin được gặp thầy vì có chuyện rất quan trọng”. Được sự đồng ý, sau giờ tan học, em học sinh này đến phòng gặp thầy.

Để tạo không khí thoải mái và giảm bớt sự căng thẳng, thầy Tuấn Anh cùng học sinh ra ngồi ngoài bậc thềm để nói chuyện.

Vì dịch bệnh Covid-19 nên Trường THCS Quỳnh Phương chưa tổ chức chào cờ thứ 2 đầu tuần. Sáng nào thầy Tuấn Anh cũng đứng trước cổng trường đón học sinh nên học trò này nghĩ thầy hiệu trưởng là bảo vệ.

“Học sinh này tâm sự, khi lên lớn 6 mỗi cô giáo dạy một môn nên em rất thích. Nhưng có một cô giáo hay xem điện thoại trong giờ dạy, lại cười to. Em phân vân cô giáo chơi điện thoại trong lớp được thì học sinh có được chơi không? Em tâm sự rằng mình thích được học hơn là đến giờ ngồi chơi như “giam lỏng” trong lớp. Tôi thực sự ngạc nhiên với suy nghĩ một cậu học trò lớp 6. Tôi thấy đây không còn là câu chuyện của trẻ con nữa là chuyện về quản lý nhà trường”, thầy Tuấn Anh đăm chiêu.

Thầy hiệu trưởng cho rằng, nguyên lý nền tảng giáo dục hiện đại không giống với truyền thống. Trước đây, giáo viên hay nổi cáu với học sinh, ít thân thiện, áp đặt nhưng bây giờ quan điểm này không còn phù hợp nữa, phải có sự tôn trọng qua lại giữa giáo viên và học sinh.

Thầy cô không được đổ lỗi và chê học trò, bởi vì nếu giáo dục học trò không tiến bộ thì đó là lỗi tại giáo viên.

“Các em học sinh không chỉ đến trường để học văn hóa mà còn học cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, học cách giải quyết vấn đề, học cách xây dựng và giải quyết mối quan hệ. Cách các thầy, các cô cầm viên phấn viết trên bảng thế nào, đó cũng là giáo dục. Phải dạy cho học trò từng lời ăn, tiếng nói. Để học trò tôn trọng thầy, trước hết thầy phải tôn trọng học trò. Muốn tôn sư thì thầy phải có cái đạo gì học trò trọng cái đạo ấy.” thầy chia sẻ.

Bên cạnh đó, thấy Tuấn Anh cũng cho rằng, làm người đứng đầu nhà trường thì không bao giờ được nặng nề với giáo viên. “Có nhiều việc giáo viên rất e ngại, nhưng sau khi nói chuyện với hiệu trưởng thì trở nên nhẹ nhàng thoải mái. Làm người đứng đầu, chỉ cần một lời nói hay ánh mắt cũng có thể làm giáo viên mất ngủ cả đêm”.

Hiện nay, tình trạng bắt nạt và xâm hại trong lứa tuổi học sinh diễn ra nhiều cả trong và ngoài trường học. Tuy nhiên, thầy Tuấn Anh không đồng tình với quan điểm của một số nhà trường thoái thác trách nhiệm nếu như sự việc xảy ra bên ngoài trường học.

 “Nhà trường là đại diện của Nhà nước quản lý học sinh bao gồm từ dạy dỗ, giáo dục và bảo vệ học trò. Dù bị đuối nước, tai nạn hay bị bạo hành bất kỳ ở đâu thì nhà trường phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng và gia đình để xử lý”, thầy giáo nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ