Thầy giáo băng rừng đón học sinh trở lại trường

GD&TĐ - Ngoài công việc giảng dạy, các thầy cô của Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn (Nghệ An) hàng ngày còn bám bản, vận động từng em học sinh đến trường.

Thầy giáo Thầy Lầu Bá Rê (giữa) và em Vừ Y Rai.
Thầy giáo Thầy Lầu Bá Rê (giữa) và em Vừ Y Rai.

Băng rừng vào bản 

Thầy Lầu Bá Rê (SN 1976) dạy môn Toán ở Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kì Sơn, Nghệ An). Thầy vừa hoàn thành nghĩa vụ biệt phái ở trường Mường Lống trở về.

Trong lớp 6B mà thầy Rê chủ nhiệm có em Vừ Y Rai (SN 2010, dân tộc H’Mông, trú ở bản Huồi Pốc) đã hơn một tháng nay không đến trường. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, thầy Rê vượt hơn chục cây số đường rừng vào bản, vận động gia đình cho Vừ Y Rai quay trở lại trường.

Bản Huồi Pốc cách trường khoảng 15km đường rừng. Vào mùa mưa, đường trơn như mỡ, đất bùn bám đặc vành bánh xe. Có những đoạn dốc cao dựng đứng, muốn vào được bản thì chỉ có cách đi bộ. Phải mất hàng giờ băng rừng, lội suối thầy Lầu Bá Rê mới vào đến nơi.

Biết được hoàn cảnh của em Vừ Y Rai, thầy Lầu Bá Rê nhiều lần lên vận động gia đình cho em trở lại trường
Biết được hoàn cảnh của em Vừ Y Rai, thầy Lầu Bá Rê nhiều lần lên vận động gia đình cho em trở lại trường

Bố mẹ Y Rai đông con, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Em là chị cả trong gia đình, sau còn có 3 em nhỏ xấp xỉ tuổi nhau. Bố của Y Rai bị bệnh phổi, xơ gan nên kinh tế trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đi rừng, làm rẫy của mẹ.

Y Rai vừa đi học, vừa phải giúp mẹ trông em và phụ giúp việc vặt trong gia đình. Kinh tế khó khăn, lo miếng ăn cho các con đã vất vả nói gì đến việc đến trường, vì vậy gia đình đã quyết định cho Y Rai nghỉ học.

Ban giám hiệu Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn đã nhiều lần cử giáo viên vào bản làm công tác vận động học sinh quay lại trường.

Đường vào bản xa và rất khó đi, phương tiện liên lạc không có nên có nhiều bữa vào được đến bản nhưng không gặp được gia đình. Ngày mùa, gia đình đi rừng làm nương, ngủ lại luôn trên rẫy.

Hiểu được hoàn cảnh của Vừ Y Rai, thầy Lầu Bá Rê đã kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp quyên góp tiền, sách vở, quần áo và động viên em đến trường.

Cảm động trước tấm lòng của các thầy cô, gia đình Vừ Y Rai đã đồng ý  để em quay lại trường học tập.

Sách vở, quần áo là những thứ học sinh vùng cao đang rất thiếu thốn.
Sách vở, quần áo là những thứ học sinh vùng cao đang rất thiếu thốn.

Chia sẻ về việc làm của mình, thầy Lầu Bá Rê cho biết: “Học sinh ở vùng cao, điều kiện học tập khó khăn. Riêng em Vừ Y Rai hoàn cảnh gia đình nghèo khó, vất vả nên hơn một tháng nay  không đến trường. Nhà trường và bản thân tôi phải nhiều lần vào bản vận động phụ huynh. Rất may, đến nay gia đình đã đồng ý cho em tiếp tục đi học”.

Biết được việc làm ý nghĩa trên, giáo viên cũ của thầy Rê là cô Nguyễn Anh Thơ cảm động: “Thầy Lầu Bá Rê là cựu học sinh Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Tôi vô cùng tự hào vì thêm một học sinh trưởng thành từ mái trường này đã phát huy được những phẩm chất tốt đẹp trong sự nghiệp trồng người”.

Ngôi nhà chung của học sinh vùng cao

Năm học 2021-2022, Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn có 315 học sinh, trong đó rất nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu đồ dùng học tập, quần áo, sách vở đến trường.

Nhận thức của phụ huynh về việc học hành của con em còn hạn chế nên nhiều em thường xuyên nghỉ học giữa chừng. Trong bản, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà hoặc tự chăm sóc nhau nên nề nếp học tập chưa được tốt.

Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn.
Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn.

Ngoài thầy Lầu Bá Rê, các giáo viên khác cũng đều phải thay phiên nhau vào bản,  vận động học sinh đến trường.

Đối với cô Lô Thị Thắm (giáo viên môn Ngữ văn), việc băng rừng, lội suối vận động học sinh đến trường không còn xa lạ.

“Các bản nằm xa trung tâm, đường vào bản rất khó đi, nhiều đoạn dốc trơn trượt. Có khi, lúc vào bản thời tiết bình thường nhưng quay ra gặp mưa lũ bất ngờ, giáo viên đành ở lại nhà dân chờ nước rút. Vất vả là vậy nhưng thương trò, muốn đưa cái chữ vào bản thì giáo viên phải chịu khó tận tụy, hết mình”, cô Thắm tâm sự.

Thầy Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Nậm Cắn cho biết, từ đầu tháng 8, nhà trường đã tiến hành rà soát và thành lập ban vận động vào tận bản để đưa các cháu ra trường học tập và sinh hoạt.

Trong quá trình vận động, nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các trưởng phó bản, Bộ đội biên phòng đến tận từng gia đình động viên, thuyết phục phụ huynh. Nhờ sự nỗ lực của thầy cô và chính quyền địa phương nên đến nay 100% học sinh đi học đầy đủ.

Bên cạnh các chế độ chính sách của nhà nước trợ cấp cho các em học sinh, nhà trường còn thường xuyên tổ chức hoạt động tăng gia sản xuất để cải thiện chất lượng bữa ăn. 

Vườn rau xanh giúp học sinh cải thiện chất lượng bữa ăn.
Vườn rau xanh giúp học sinh cải thiện chất lượng bữa ăn.

Ngoài ra, các thầy cô còn tạo cảnh quan môi trường học tập xanh sạch đẹp, tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, ngoại khóa nhằm tạo hứng thú học tập cho các em.

Dẫu biết hành trình gieo chữ nơi vùng cao Nghệ An còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng với nhiệt huyết và lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo nơi đây vẫn đang ngày đêm miệt mài cố gắng để thắp sáng tương lai cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.