Chủ động với đổi mới
Đến xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) không ai không biết đến thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà. Thầy được biết đến là người hiệu trưởng nhiệt tình, tâm huyết với đổi mới và xã hội hóa giáo dục.
Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều điểm trường còn tạm bợ, thầy Chuyền đã cùng các giáo viên nhà trường kêu gọi để xây dựng những điểm trường mới khang trang.
Thầy Chuyền chia sẻ: “Triển khai Chương trình GDPT mới, điều kiện cần nhất là cơ sở vật chất phải đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh”.
Theo thầy Chuyền, khi thực hiện Chương trình GDPT mới, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là về cơ sở vật chất, một số lớp học ở trung tâm còn là phòng tạm, diện tích không đảm bảo theo quy định. Trường còn thiếu các phòng học bộ môn, chưa có đủ các khối phòng phục vụ học tập và khối phòng hành chính, quản trị.
Cùng với đó là tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2022 – 2023, nhà trường thiếu 8 giáo viên và 1 cán bộ quản lý. Năng lực chuyên môn của giáo viên chưa đồng đều, việc tự học, rèn luyện của một số giáo viên chưa được đầu tư, chưa sáng tạo trong công việc, đổi mới phương pháp dạy học chưa rõ nét. Bên cạnh đó là trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều khiến cho giáo viên rất vất vả khi truyền đạt kiến thức theo chương trình mới.
Khắc phục những khó khăn đó, thầy Chuyền cùng Ban giám hiệu trường thường xuyên thăm lớp thực hiện Chương trình mới, dự giờ để nắm bắt việc dạy học. Mặt khác, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp giáo viên những nội dung triển khai chưa phù hợp, cần điều chỉnh.
Cũng theo thầy Chuyền, để đưa giáo dục vùng cao đổi mới, chính thầy cũng phải tự đổi mới bản thân. Từ cách quản trị nhà trường cho đến chuyên môn, nghiệp vụ, Ban giám hiệu phải là những người sẵn sàng tiên phong đổi mới.
Chân dung thầy Lê Đình Chuyền. |
“Tôi luôn coi trọng việc tạo môi trường dân chủ thực sự trong nhà trường. Làm sao mọi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều có tiếng nói và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình. Hơn thế, người đứng đầu phải biết lắng nghe, thậm chí chấp nhận sự khác biệt, biết cách thức tổ chức điều hành để phát huy sáng tạo, trí tuệ tập thể” – thầy Chuyền chia sẻ.
Tiếp lời, thầy Chuyền nói: “Chúng tôi động viên giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới chủ yếu trên tinh thần đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn. Từ quá trình dự giờ, các nội dung còn vướng mắc sẽ được nhà trường tổ chức chuyên đề. Hiệu phó chuyên môn, tổ trưởng sẽ trực tiếp giảng dạy mẫu để tiếp tục điều chỉnh phương pháp, hình thức dạy học cho giáo viên”.
Mặt khác, nhà trường tổ chức các chuyên đề qua buổi sinh hoạt chuyên môn theo từng tuần cho giáo viên bộ môn cùng trao đổi bài giảng, tháo gỡ khó khăn, thay nhau dạy mẫu để cùng rút kinh nghiệm, học tập chéo. Ngoài ra, các khối lớp triển khai Chương trình GDPT mới cũng được đầu tư thiết bị dạy học, phòng chức năng để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất giáo viên trong dạy học.
“Ban giám hiệu và chuyên môn nhà trường đã chuẩn bị sẵn phương án bố trí giáo viên đứng lớp để sẵn sàng tâm thế từ việc nghiên cứu, hội thảo SGK cho đến bồi dưỡng phương pháp, kế hoạch dạy học và phân phối chương trình cho phù hợp với từng lớp. Cùng đó, tính toán nhu cầu cơ sở vật chất để bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình mới” – thầy Phạm Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Đến nay, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin vào quản trị cũng phát huy hiệu quả. 100% cán bộ, giáo viên đều ứng dụng công nghệ trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy, kế hoạch dạy học. Nhà trường đã sử dụng phần mềm quản lý trường học Vnedu, cơ sở dữ liệu ngành trong quản trị giúp thông tin, hồ sơ của giáo viên, học sinh đảm bảo chính xác, có sự liên thông.
Đồng hành cùng Nậm Chà vượt khó
Được biết, năm 2008, thầy Chuyền cùng vợ là cô Trần Mai Thắng đang là giáo viên hợp đồng tại quê Thanh Oai (Hà Nội) cùng làm hồ sơ lên Lai Châu công tác. Sau khi được tuyển dụng, thầy được phân công công tác tại trường Tiểu học Mường Mô 2, xã Mường Mô, huyện Mường Tè (nay là trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn).
Những năm đầu tiên đến công tác, nhà trường rất ít đảng viên. Ban giám hiệu nhà trường cũng chưa có ai là đảng viên. Vì thế, với sự tín nhiệm trong công tác, thầy Chuyền được giữ chức Bí thư Chi bộ Sự nghiệp của các cấp học tại Mường Mô.
Đến năm 2013, sau khi chia tách huyện và tách chi bộ các cấp học, thầy Chuyền vẫn giữ vị trí Bí thư chi bộ trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà cho đến nay.
“Từ việc có rất ít đảng viên, đến nay, nhà trường đã bồi dưỡng kết nạp được 29 quần chúng ưu tú vào Đảng. Đội ngũ giáo viên là đảng viên có trách nhiệm, luôn đi đầu trong đổi mới” – thầy Chuyền chia sẻ.
Tiếp lời, thầy Chuyền khẳng định: “Sự tiến bộ của giáo viên khá đồng loạt, chủ động được chuyên môn nên chất lượng dạy học, kết quả học tập của học sinh cũng chuyển biến tích cực”.
Tiết học Tiếng Anh của học sinh trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà. |
Dưới sự quản lý của thầy Chuyền cùng Ban giám hiệu, chất lượng giáo dục của trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà từng bước được nâng cao.
Theo thầy Phạm Văn Ninh, có được kết quả trên là sự cố gắng của tập thể sư phạm nhà trường dưới sự định hướng của thầy hiệu trưởng.
“Thầy Chuyền luôn linh hoạt trong việc phân quyền, giao quyền cho giáo viên phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Hiện nay, giáo viên được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình. Các tổ chuyên môn và Ban giám hiệu sẽ giám sát, đánh giá kế hoạch của giáo viên thông qua chất lượng, hiệu quả của học sinh” – thầy Phạm Văn Ninh cho biết.
Công tác quản trị nhà trường từ đó cũng phát huy hiệu quả. Minh chứng cho thấy, trước đây nhiều năm liền, trường không có giáo viên giỏi cấp tỉnh bởi công tác bồi dưỡng, sắp xếp bố trí giáo viên chưa hợp lý. Nhưng trong 3 - 4 năm trở lại đây, với sự chuẩn bị theo chiều sâu, chiến lược, kế hoạch khoa học, trường đã có 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 15% giáo viên giỏi cấp huyện và trên 40% giáo viên giỏi cấp trường.
Thầy Lò Văn Tuấn, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà cho biết: “Thầy Chuyền là người thầy và cũng luôn là người đồng hành cùng giáo viên trong suốt quá trình đổi mới. Thầy luôn tạo động lực cho giáo viên chúng tôi làm việc hăng say, đổi mới, hào hứng lên lớp và dành tình yêu thương cho học sinh”.
Đã hơn 15 năm gắn bó, đồng hành cùng giáo dục vùng cao từ những lúc khó khăn nhất, thầy Chuyền vẫn mong muốn được cống hiến tại Nậm Chà. “Vợ tôi đã xin về quê để chăm sóc bố mẹ và các con. Nhưng tôi vẫn muốn gắn bó, cống hiến và mong muốn cho sự nghiệp giáo dục ở Nậm Chà từng bước đổi thay” – thầy Chuyền tâm sự.