Thầy giáo vùng cố đô 'mát tay' rèn đội tuyển

GD&TĐ - Thầy giáo Đinh Khắc Xuân có tiếng là “mát tay” rèn luyện đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Nguyễn Huệ, Tam Điệp, Ninh Bình.

Thầy giáo Đinh Khắc Xuân luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn – nghề giáo. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Đinh Khắc Xuân luôn tự hào về nghề mà mình đã chọn – nghề giáo. Ảnh: NVCC

Nhiều năm liền gắn bó với công tác giáo dục, thầy Xuân luôn tự hào và mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ về tình yêu với nghề giáo.

Lấy nghề dạy học là nhiệm vụ cao quý

Thầy giáo Đinh Khắc Xuân sinh ra trong một gia đình công nhân có ba anh chị em. Dù cuộc sống gia đình khá vất vả nhưng bố mẹ vẫn lo cho ba anh em học hành chu toàn.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh cả đi bộ đội, Đinh Khắc Xuân và chị gái đỗ đại học cùng thời điểm. Khó khăn càng chồng chất khi bố mẹ đều đã nghỉ hưu, đồng lương hưu ít ỏi không thể đảm bảo việc học hành cho con cái.

“Bố mẹ tôi là người coi trọng đạo học, luôn xác định dù khó khăn đến đâu cũng phải tạo điều kiện để con cái theo đuổi việc học. Để các con có thể tiếp tục học tập, bố mẹ tôi đã lao động rất vất vả, trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh vườn gia đình khai hoang được từ năm 1985. Chính cuộc sống cơ cực suốt những năm tháng ấu thơ và niên thiếu đã giúp ba anh em chúng tôi luôn có ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, học hành chăm chỉ, giành được những suất học bổng giá trị”, thầy giáo Đinh Khắc Xuân nhớ lại.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chàng trai trẻ Đinh Khắc Xuân về công tác tại Trường THPT Nho Quan B, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ngôi trường vùng bán sơn địa này đã giúp thầy giáo Xuân có được những trải nghiệm mới mẻ cùng không ít thách thức và cơ hội.

Đến năm 2009, thầy Xuân được phân công về Trường THPT Nguyễn Huệ. Đây là ngôi trường mà thầy Xuân từng gắn bó thời phổ thông nên vừa thân thuộc vừa mới mẻ. Được làm việc tại ngôi trường có truyền thống dạy tốt, học tốt, đặc biệt là sự chăm ngoan, hiếu học của học sinh, điều này đã tạo động lực cho thầy Xuân nỗ lực cố gắng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường.

Hơn 10 năm tham gia giảng dạy tại đây, đã có hàng chục học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi HSG môn Vật lý cấp tỉnh do thầy Xuân ôn luyện. Đội tuyển môn Vật lý của trường do thầy Xuân phụ trách thi HSG cấp tỉnh liên tục đứng tốp đầu của tỉnh.

Đặc biệt, năm học 2015 - 2016, đội tuyển môn Vật lý có 1 học sinh đoạt giải Khuyến khích cấp quốc gia; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba cấp tỉnh. Năm học 2018 - 2019, có 1 học sinh tham gia dự thi HSG quốc gia môn Vật lý...

Và mới đây, tại kỳ thi chọn HSG quốc gia năm học 2021 - 2022, đội tuyển HSG môn Vật lý của tỉnh có 2 học sinh của trường được chọn vào đội tuyển chính thức dự thi, đoạt 2 giải gồm 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích cấp quốc gia…

Đoàn học sinh Trường THPT Nguyển Huệ nhận Bằng khen của tỉnh vì đã đoạt giải suất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”.

Đoàn học sinh Trường THPT Nguyển Huệ nhận Bằng khen của tỉnh vì đã đoạt giải suất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”.

Vận dụng hiệu quả vào giảng dạy

Không chỉ là giáo viên có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HSG, thầy Xuân còn rất tích cực trong việc thực hiện các chuyên đề, sáng kiến và vận dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy. Nổi bật là sản phẩm “máy hàn cắt kim loại sử dụng nguyên liệu nước”, được Hội Liên hiệp Khoa học Mỹ đánh giá là sản phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực cơ khí. Sản phẩm đã được các công ty liên hệ để sản xuất và đưa ra thử nghiệm trên thị trường.

Trong cuộc thi “Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”, sản phẩm xuất sắc vượt qua 554 sản phẩm để đoạt giải Đặc biệt. Sản phẩm cũng đại diện cho Việt Nam tham gia thi tại châu Á - Thái Bình Dương và đoạt Huy chương Vàng. Những năm qua, các sản phẩm khoa học kỹ thuật, sáng kiến do thầy Xuân thực hiện đều đoạt giải cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm kỹ thuật được đánh giá cao và áp dụng hiệu quả trong giảng dạy môn Vật lý các trường THPT.

Với sự nỗ lực, đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thầy Xuân nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu thi đua của các cấp, các ngành. Thầy Xuân liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Tam Điệp, 3 Bằng khen của UBND tỉnh; 2 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...

Thầy Xuân chia sẻ: Nhân duyên đã giúp thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người. Không phải ngay từ đầu đây đã là niềm say mê của thầy, nhưng càng gắn bó thầy càng cảm thấy yêu mến, trân trọng, nhất là khi vượt qua khó khăn, được tận hưởng trái chín ngọt ngào mà nghề nghiệp mang lại. Thầy Xuân vẫn nhớ câu nói của người thầy đáng kính - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh - nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: “Không ai chọn nghề giáo để làm giàu về tiền bạc nhưng có những sự sang trọng và giàu có của nhà giáo chân chính không phải nghề nghiệp nào cũng có được”.

Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt khó trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống có khó khăn đến mấy, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các em đã làm sống dậy tâm hồn và tiếp thêm nguồn động lực cho thầy Xuân cố gắng vượt qua mọi khó khăn phía trước để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình.

Mỗi ngày lên lớp nhìn thấy học trò trong thầy có biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng. Những người thầy giáo, cô giáo như những con đò cần mẫn chở khách sang sông mong đến ngày cập bến. Những con đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ đưa con đò tri thức cập bến thành công.

Bản thân thầy Xuân luôn ý thức được trách nhiệm trước nghề lái đò, đó là phải không ngừng bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, sự chuyên nghiệp và lòng yêu nghề; phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng để có được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của thời đại mới.

“Được trở thành một nhà giáo với trách nhiệm cao cả mà xã hội giao cho, tôi sẽ cố gắng để trở thành một người giáo viên tốt, tiếp thêm tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công. Ngày hôm nay, tôi đã có thể hãnh diện mà nói rằng: Tôi là người yêu nghề, yêu trò, yêu trường lớp và tự hào về nghề nghiệp của tôi”, thầy Đinh Khắc Xuân tự hào nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.