Bài giảng lay động triệu trái tim của thầy giáo mắc ung thư

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tháng 8/2007, khi đang điều trị căn bệnh ung thư tụy, thầy Randy Pausch nhận được chẩn đoán chỉ còn 3 - 6 tháng để sống.

Dù chỉ còn vài tháng để sống, thầy Randy Pausch vẫn tươi vui và “cháy” hết mình. Ảnh: IT
Dù chỉ còn vài tháng để sống, thầy Randy Pausch vẫn tươi vui và “cháy” hết mình. Ảnh: IT

Thay vì buồn nản, giảng viên trẻ này đã dành trọn tâm huyết soạn bài giảng cuối cùng và trình giảng say mê làm lay động hàng triệu trái tim.

Vượt lên trở ngại

Pausch chào đời tại Baltimore, lớn lên ở Columbia và tốt nghiệp Trường Đại học Brown, Khoa Tin học. Sau khi có bằng cử nhân, Pausch liên thông cao học, sớm lấy bằng tiến sĩ và làm phó giáo sư tại Đại học Virginia. Năm 1998, anh hợp tác với Giáo sư Don Marinelli mở Trung tâm Công nghệ giải trí, bắt đầu khóa dạy “Xây dựng thế giới thực tế ảo” trong Trường Đại học Carnegie Mellon. Nhờ khả năng giảng dạy xuất chúng, anh nhận được nhiều giải thưởng giáo dục, từng xuất bản 5 cuốn sách (có cuốn là đồng tác giả) và hơn 70 bài báo.

Đang trên đỉnh cao sự nghiệp, vào năm 2006, ở tuổi 45, thầy Pausch bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Chưa đầy 1 năm sau khi phẫu thuật chữa trị, căn bệnh bị tái phát. Tháng 8/2007, các bác sĩ cho thầy Pausch biết chỉ còn nhiều nhất là 3 – 6 tháng để sống.

Với bệnh trạng như thế này, việc đầu tiên thầy Pausch cần làm là nghỉ dạy. Các giảng viên ở Mỹ có truyền thống làm bài giảng cuối cùng, trình giảng trước khi rời trường hoặc về hưu. Trong bài giảng này, họ tóm lược sự nghiệp và nêu suy ngẫm, truyền đạt cho sinh viên và đồng nghiệp kinh nghiệm cũng như tâm huyết với nghề.

Là người vô cùng yêu thích công việc giảng viên và đã có 10 năm giảng dạy ở Carnegie Mellon, thầy Pausch quyết định soạn bài giảng cuối cùng. Trong bài giảng đặc biệt này, thầy Pausch đưa cả hồ sơ bệnh ung thư của mình vào, nhưng không phải để than oán. Trái lại, bằng chính trở ngại không thể vượt qua này, bài giảng của thầy biểu hiện tinh thần giáo dục tuyệt vời nhất, khơi dậy niềm tin yêu cuộc sống và cổ vũ vươn lên, đạt được ước mơ.

Các con là lý do thầy Pausch viết “Để thật sự đạt được giấc mơ tuổi thơ”. Ảnh: IT

Các con là lý do thầy Pausch viết “Để thật sự đạt được giấc mơ tuổi thơ”. Ảnh: IT

Hãy chinh phục giấc mơ tuổi thơ!

Ngày 18/9/2007, tại giảng đường Carnegie Mellon, trước hơn 500 giảng viên và học sinh, thầy Pausch trình bày bài giảng cuối cùng của mình – “Để thật sự đạt được ước mơ tuổi thơ” (Really Achieving Your Childhood Dreams - RAYCD). “Bài giảng cuối cùng của tôi hướng tới các con tôi. Tuy nhiên, nếu nó cũng có ích cho ai đó thì thật tốt quá”, thầy Pausch mở đầu.

RAYCD được chia làm 9 chương, mỗi chương đều có nửa đầu là một câu chuyện đời thực của thầy Pausch. Các câu chuyện này đóng vai trò như sự kiện quan trọng, dẫn tới sự thay đổi hoặc nâng cao nhận thức, giúp thầy đến gần hơn với ước mơ tuổi thơ. Nói đơn giản, đó là những bài học cuộc sống cá nhân quý giá.

Sau quyết định soạn bài giảng cuối cùng, thầy Pausch đã rất đắn đo nên chọn chủ đề gì. Thầy muốn truyền đạt lại kinh nghiệm giảng dạy như bao nhà giáo dục đại học khác, nhưng cũng âu lo cho gia đình, đặc biệt là 3 con còn quá nhỏ (thầy Pausch có 3 đứa con, tuổi từ 1 – 5 tuổi).

“Tôi muốn để lại ký ức hữu hình cho các con”, thầy Pausch đưa ra lựa chọn.

Trong RAYCD, thầy tái hiện tuổi thơ lớn lên dưới sự yêu thương, bao bọc của gia đình. Cha thầy luôn nhắc nhở con trai phải trở thành người đàn ông chân chính. Mẹ thầy thì vui tươi, thân thiết với con cái như bạn bè. Trong nhà, thầy và các anh chị em, bạn bè tha hồ chơi nghịch, vẽ lên tường. Thầy khuyên các phụ huynh hãy cho phép con cái vẽ nguệch ngoạc bất cứ thứ gì chúng muốn, vì đây chính là phương tiện đầu tiên trẻ thể hiện óc sáng tạo.

Qua va vấp thực tế và tự do tư duy, Pausch định hình, hướng tới ước mơ. Các câu chuyện của thầy Pausch không có gì đặc biệt, chỉ đơn giản là những tình tiết cuộc sống đời thường vụn vặt mà ai ai cũng gặp. Tuy nhiên, chính cái thường gặp này lại mang sức mạnh thuyết phục to lớn. Nó biến RAYCD thành giáo án tâm lý trẻ em đáng tin cậy, khiến người lớn như bắt được tấm vé về lại tuổi thơ còn trẻ em thì say mê.

Bài giảng cuối cùng của thầy Pausch được xuất bản thành sách, dịch sang hơn 40 thứ tiếng. Ảnh: IT

Bài giảng cuối cùng của thầy Pausch được xuất bản thành sách, dịch sang hơn 40 thứ tiếng. Ảnh: IT

Lay động triệu trái tim

Với mục đích “để lại ký ức hữu hình cho các con” vẫn đang tuổi măng non, bài giảng cuối cùng của thầy Pausch sử dụng font chữ và slide hình đơn giản, dễ đọc, nhìn. Thầy chỉ chia sẻ trên học đường vì lý do “lỡ ai đó thấy có ích”, không ngờ lại khiến cả hội trường xúc động. Nhiều sinh viên đã quay và đăng tải trực tuyến, khiến ngay từ phút đầu, bài giảng đã có hàng nghìn người nghe.

Ngay sau buổi giảng này, thầy Jared Cohon - Hiệu trưởng Trường Đại học Carnegie Mellon - đã đứng ra công nhận đóng góp to lớn, “đáng chú ý và đầy kinh ngạc” của thầy Pausch. Thầy hiệu trưởng tuyên bố xây cầu đường dành cho người đi bộ kết nối khoa máy tính mới mở với Trung tâm Nghệ thuật, lấy tên Pausch đặt tên cầu. Nhà xuất bản Hyperion thuộc Disney lập tức mua bản quyền RAYCD với giá 6,7 triệu đô, tiến hành xuất bản sách và chuyển ngữ sang 46 thứ tiếng.

Kể từ lần đầu tiên có mặt trên thị trường Mỹ, RAYCD liên tiếp chiếm vị trí sách bán chạy nhất suốt 48 tuần. Các phương tiện truyền thông quốc tế nhiệt tình giới thiệu RAYCD. Mới một tháng sau ngày phát hành, RAYCD đã thành “hit” trên Internet.

Thầy Pausch nổi tiếng toàn cầu. Trong những tháng cuối đời, thầy không nằm liệt mà hoạt động tích cực, kêu gọi lòng quan tâm, sự ủng hộ cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy. Tại Mỹ, ung thư tuyến tụy là nguyên nhân gây tử vong vì ung thư cao thứ 4, tỷ lệ sống sót sau 5 năm mắc bệnh chỉ 5%, nhưng Viện Ung thư quốc gia chỉ trích 2% kinh phí. Nhờ có thầy Pausch và mạng lưới hành động vì ung thư tuyến tụy (Pancreatic cancer action network) do thầy khởi xướng, mọi chuyện mới dần đổi khác.

Theo Wikipedia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ