Thầy giáo trẻ và kỳ tích dạy học ở “cổng trời“

GD&TĐ - Tình nguyện xung phong lên “cổng trời” (vùng miền núi cao đặc biệt khó khăn) để gieo chữ, thầy giáo trẻ Nghệ An đã được học trò, đồng nghiệp và đồng bào yêu mến, cảm phục bởi lòng nhiệt huyết yêu nghề và những “kì tích” vì sự nghiệp trồng người.

Thầy Lê Viết Thắng trong lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm học 2013 - 2014
Thầy Lê Viết Thắng trong lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm học 2013 - 2014
Vượt khó thực hiện ước mơ 

Người thầy giáo ấy tên đầy đủ là Lê Viết Thắng (SN1983), quê xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), hiện nay là giáo viên trường THCS Dân tộc nội trú huyện miền núi rẻo cao Kì Sơn.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 3 anh em, Thắng là con trai cả, bố mẹ làm nông với vài sào ruộng khoán nên hoàn cảnh rất khó khăn.

Chứng kiến bố mẹ vất vả sớm trưa với ruộng đồng để nuôi đàn con ăn học, Thắng đã tự hứa với lòng phải cố gắng học tập tốt để thoát nghèo. Mặc dù phải vừa học vừa lao động giúp bố mẹ nhưng với ý chí và nghị lực của mình, Thắng đã vươn lên học giỏi. Từ lớp 1 đến lớp 12, Thắng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Tốt nghiệp lớp 12, với lực học của mình, Thắng có thể thi đậu bất kì một trường đại học nào, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên anh đã đăng kí dự thi vào trường CĐSP Nghệ An để đỡ chi phí, giảm gánh nặng cho bố mẹ và nhanh ra trường có việc làm. Vả lại, được trở thành một giáo viên dạy Toán là niềm đam mê lớn nhất của Thắng.

Đậu vào khoa Toán - Lý trường CĐSP Nghệ An, Lê Viết Thắng đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập. Suốt những năm học Cao đẳng, Thắng luôn đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Cả 2 lần tham gia “Hội thi học Toán học sinh viên toàn quốc năm 2003 -2004 vì sự nghiệp trồng người”, chàng sinh viên này đều đạt giải.

Không chỉ học giỏi mà Thắng còn tích cực tham gia công tác Đoàn và các hoạt động xã hội khác. Với những thành tích của mình Thắng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng tại chi bộ sinh viên trường CĐSP Nghệ An.

Tốt nghiệp với bảng điểm xuất sắc tháng 9/2004, Thắng được Sở ngoại vụ biên chế về ngành Giáo dục huyện Hưng Nguyên. Đây là kết quả của quá trình phấn đấu của chàng sinh viên nghèo hiếu học.

Tình nguyện lên “cổng trời” gieo chữ

Thầy giáo Lê Viết Thắng:
 
Hiện  tôi đã tốt nghiệp tại chức Trường ĐH Sư phạm, sắp tới tôi sẽ học lên cao học. Mong muốn lớn nhất của tôi là đưa giáo dục vùng cao hòa nhịp với sự phát triển chung của đất nước trong thời đại mới. 

Được biên chế về huyện nhà, đây là ao ước của biết bao nhiêu người, thế nhưng Lê Viết Thắng lại có quyết định khác. Anh đã viết đơn tình nguyện xin được công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn.

Quyết định của Thắng được cấp trên khen ngợi và anh được điều lên công tác tại trường THCS Dân tộc nội trú Kì Sơn - huyện miền núi rẻo cao đặc biệt khó khăn. Người dân xứ Nghệ thường gọi vùng đất này là “cổng trời” để ví von về độ cao và sự heo hút, khó khăn của nó.

Nói đến quyết định “động trời” này. Thắng tâm sự: “Nhiều lần tham gia hoạt động tình nguyện ở các huyện miền núi cao. Chứng kiến các em học sinh đến trường với bao khó khăn, gian khổ và thiệt thòi, tôi không khỏi ngậm ngùi, rơi nước mắt. Chính vì thế mà khi tốt nghiệp, tôi đã viết đơn tình nguyện xin công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn này.”

Lên công tác nơi rừng thiêng nước độc, quanh năm mây trắng giăng đầy, học sinh 95% là người dân tộc thiểu số. Với sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán, đã nhiều lần khiến thầy giáo Thắng cảm thấy khó khăn trong công tác giảng dạy của bản thân mình.

Thế nhưng, thầy đã vượt qua tất cả, tự học tiếng dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... và tìm hiểu phong tục tập quán để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và con người nơi đây.

Mỗi lần đến lớp, thấy trống vắng đi một vài học sinh, (do nhà xa và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải bỏ học) thầy giáo Thắng buồn lắm. Sau đó, thầy lại một mình băng rừng, lội suối đi bộ cả ngày trời để đến nhà học sinh, vận động, động viên các em đến trường.

Chính vì lòng yêu nghề, nhiệt tình, có trách nhiệm, đặc biệt là sự gần gũi chân thành, thương yêu học sinh như chính người thân của mình đã giúp thầy Thắng thêm gần gũi, gắn bó. Lớp thầy Thắng chủ nhiệm không còn học sinh bỏ học, học sinh khá, giỏi môn Toán-Lý hàng năm luôn chiếm tỷ lệ cao, nhiều em đạt học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện và có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh.

Hết lòng vì học sinh, nên năm 2009 - 2010 thầy Thắng vinh dự được nhận danh hiệu “Thầy giáo được học sinh yêu quý nhất” của ngành Giáo dục huyện Kì Sơn. Đồng bào các dân tộc nơi đây đều yêu mến, cảm phục coi thầy giáo Thắng là người con, người thầy của bản làng.

Cô giáo Trần Thị Châu - Hiệu trưởng trường THCS Dân tộc nội trú Kì Sơn - nhận xét: Thầy giáo Lê Viết Thắng là một giáo viên trẻ rất tâm huyết say sưa với nghề, luôn luôn tìm tòi sáng tạo, thay đổi phương pháp dạy - học để học sinh dễ hiểu, đạt hiệu quả cao nhất...

Ở vùng núi rẻo cao Kì Sơn đặc biệt khó khăn này, những thành tích mà thầy Thắng đạt được quả là những kì tích, là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Thầy Thắng là niềm tự hào của trường chúng tôi nói riêng và ngành Giáo dục Nghệ An nói chung”.

Thầy giáo Lê Viết Thắng 3 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. (Trong đó năm 2012 đạt giải nhất môn Toán). 5 lần tham gia viết SKKN đạt giải (trong đó 3 lần đạt giải A cấp tỉnh); Năm học 2012 - 2013, thầy Thắng đã xuất sắc đoạt giải đặc biệt “Hội thi soạn bài ứng dụng CNTT trong dạy học” của WOB - Dự án giáo dục do Vương quốc Bỉ tổ chức .

Năm học 2012 - 3013, thầy Lê Văn Thắng vinh dự được đón nhận danh hiệu nhà giáo tiêu biểu cấp toàn quốc. Ngày 13/8/2014, thầy giáo Lê Viết Thắng là một trong 36 nhà giáo tiêu biểu nhất được chính quyền, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An vinh danh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ