Thầy giáo phổ cập bơi cho học sinh tiểu học

GD&TĐ - Trăn trở với việc phổ cập bơi lội cho học sinh, thầy Phạm Gia Hữu - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có sáng kiến sử dụng bể bơi thông minh trong khuôn viên các trường tiểu học trên địa bàn quận.

Thầy giáo phổ cập bơi cho học sinh tiểu học

Thầy Hữu là một trong 100 giáo viên được tuyên dương tại lễ trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” lần thứ nhất năm học 2016-2017,

Thầy Hữu cho biết: Với nhiều nước trên thế giới việc học bơi đã được chú trọng và đề cập vào trong chương trình học của học sinh ngay từ bậc tiểu học. Việt Nam có nhiều sông suối, ao hồ, hàng năm có rất nhiều tai nạn sông nước xảy ra. Chính vì vậy mà học bơi lại càng quan trọng.

Xuất phát từ thực tiễn có rất nhiều hoàn cảnh éo le chỉ vì một sơ xuất nhỏ mà có nhiều trường hợp đáng tiếc là trẻ em đã bị đuối nước, ngành GD-ĐT quận Thanh Xuân xác định nhiệm vụ trọng tâm trang bị cho các con kỹ thuật bơi đảm bảo theo đúng yêu cầu không những biết bơi mà còn bơi được 25m.

Đó là phòng vệ cho bản thân trong tất cả các tình huống tiếp xúc với nước để đảm bảo an toàn. Dạy bơi bước đầu còn nhiều khó khăn, quận ủng hộ về kinh phí cho học sinh đăng ký học bơi là 30% từ nguồn ngân sách quận.

Thầy Phạm Gia Hữu - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân

Thầy Hữu cho hay: Thanh Xuân không phải là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai dạy bơi cho học sinh tiểu học. Trước đó, huyện Thanh Trì và quận Cầu Giấy đã phổ cập bơi cho học sinh tiểu học nên dù trên địa bàn có nhiều ao, hồ, nhưng vài năm trở lại đây, gần như không có học sinh nào bị đuối nước.

Việc đưa môn bơi lội vào dạy cho học sinh là rất cần thiết, tuy nhiên không dễ dàng để thực hiện điều này, nhất là quỹ đất dành cho việc xây dựng bể bơi còn hạn chế. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT quận Thanh Xuân đang nỗ lực để ra nhiều giải pháp phù hợp để phổ cập bơi cho học sinh lớp 4, 5 và tiến tới các lớp nhỏ hơn. .

Đối với những trường gần với các trung tâm thể thao, doanh nghiệp có bể bơi, quận hỗ trợ miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh. Nhà trường và phụ huynh trả phần kinh phí đi lại và thù lao cho giáo viên dạy bơi.

Với các trường học không gần bể bơi, quận sẽ hỗ trợ lắp bể bơi thông minh tại nhà thể chất ở các trường để dạy, thuận tiện cho việc đi lại của học sinh. Mỗi khoá bơi thời gian tối đa từ 10 đến 12 buổi, mỗi buổi 1 giờ. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh biết bơi 25m đúng kỹ thuật.

Mô hình bể bơi thông minh có nhiều ưu điểm nổi bật như: Dễ dàng lắp ghép, di chuyển, tận dụng được diện tích không gian, tiết kiệm chi phí xây dựng bể bơi, phù hợp với dạy bơi đại trà trong các trường. Trường Tiểu học Kim Giang là một trường ở xa trung tâm, được lựa chọn lắp bể bơi thông minh. Mỗi buổi dạy có khoảng 20 học sinh.

Một giờ học bơi của học sinh Trường Tiểu học Kim Giang

Cô Chu Thị Thu Hương -Hiệu trưởng Tiểu học Kim Giang cho biết: Phụ huynh, học sinh đều rất hào hứng với mô hình bể bơi thông minh trong nhà giáo dục thể chất. Nhiều phụ huynh đến tham quan rất an tâm vì có giáo viên chủ nhiệm, 3 thầy giáo dạy bơi của ĐH Sư phạm thể dục thể thao phụ trách, thêm một cán bộ cứu hộ giám sát bên ngoài.

Về kinh phí học bơi, mỗi học sinh được quận hỗ trợ 30%, số còn lại phụ huynh phải đóng hơn 800.000 đồng/học sinh. Được thông tin đầy đủ, đa số phụ huynh học sinh đồng thuận, ủng hộ.   
Phát huy hiệu quả mô hình dạy bơi cho học sinh tại bể bơi thông minh được lắp đặt tại nhà thể chất, các trường Tiểu học đã tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy bơi cho học sinh lớp 4, 5; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh tham gia học bơi tại trường.

Tính đến thời điểm này, 100% học sinh học bơi tại trường đều đã biết bơi và được cấp chứng chỉ, đưa Thanh Xuân là quận nội thành đầu tiên của Hà Nội phổ cập bơi cho học sinh tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.