“Cô giáo xì tin” nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

GD&TĐ - Thân thiện với học sinh, tạo sự hấp dẫn trong mỗi bài giảng, cô Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên dạy Lịch sử trường Phan Đình Phùng (Hà Nội) còn gây chú ý bởi những phát ngôn rất "xì tin" và được các học trò yêu quý.

“Cô giáo xì tin” nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô Dung là 1 trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2016 – 2017 lần đầu tiên được Sở GD&ĐT phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “ Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” do Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.

Thiên biến vạn hóa để giúp học sinh nhớ bài học

Để thu hút học sinh đến với môn lịch sử, cô Lê Thị Mỹ Dung- giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng đã tổ chức các buổi học ngoại khóa để bài học trực quan, sinh động và học sinh dễ tiếp thu hơn. Học sinh không chỉ học trên lớp mà học ngay tại Hoàng Thành Thăng Long cũng như tại các di tích lịch sử khác của Hà Nội, tại các bảo tàng...

Cô Dung chia sẻ: Để những kiến thức lịch sử bớt khô khan, trong quá trình dạy, giáo viên phải biết “thiên biến vạn hóa” để giúp học sinh nhớ bài học lâu mà không nhàm chán. Khi giáo viên biết truyền đạt kiến thức bằng cách nói nhẹ nhàng và hài hước, học sinh sẽ dễ tiếp thu hơn.

Lâu nay, việc đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử chưa thực sự hiệu quả, lối dạy truyền thống, thầy dạy trò chép vẫn xuất hiện trong giờ học lịch sử.

Mặt khác, xã hội hiện nay coi trọng các môn khoa học tự nhiên, điều này phần nào khiến môn lịch sử bị coi nhẹ.

Thực tế, nhiều học sinh cho biết rất thích nghe về những câu chuyện lịch sử nhưng lại không chọn làm môn thi vì đại đa số phụ huynh cho rằng các em theo đuổi môn lịch sử, tương lai sẽ bấp bênh khó tìm việc làm hơn các môn tự nhiên.

Và trước kia Lịch sử thi theo hình thức tự luận nên điểm số không cao và nhiều bạn cho rằng đây là một môn học khó.

Đánh giá cao sự đổi mới đối với hình thức thi trắc nghiệm dành cho bộ môn Lịch sử tại kì thi THPT năm vừa rồi, côn Dung cho biết:

Tính tích cực của thi trắc nghiệm là học sinh buộc phải học hết kiến thức và không thể học tủ, học lệch. Với cách ra đề thi hiện nay, các thí sinh buộc phải học thật sự mới có thể làm bài tốt.

Hình thức thi trắc nghiệm cũng giúp học sinh học bộ môn Lịch sử hào hứng hơn và tích cực hơn, không còn thấy nặng nề, nhàm chán, khả năng mở rộng liên hệ trong bài giảng của các thầy cô cũng sẽ linh hoạt hơn bởi cùng một vấn đề nhưng đề thi trắc nghiệm có thể hỏi được rất nhiều khía cạnh, linh hoạt và đa dạng.

Tuy nhiên, với cách ra đề và thể thức thi trắc nghiệm như bây giờ, giáo viên cần phải đổi mới, tìm tòi, sáng tạo hơn trong bài giảng để đáp ứng được yêu cầu dạy học phù hợp với năng lực của học sinh.

Quan điểm của cô Dung là dạy nhẹ nhàng, giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm ngay trên lớp chứ không nhồi nhét tất cả những gì trong sách giáo khoa. Đối với mỗi con số, mỗi sự kiện, cô thường giúp học sinh liên hệ đến một ví dụ thực thế để các em có thể nhớ được lâu hơn một cách khoa học.

Mỗi sự kiện, các em đều được tạo điều kiện để đưa ra chính kiến và quan điểm riêng của mình. Cuối cùng, cô chỉ là người tổng kết các ý kiến để có được nội dung chính xác nhất.

Mang phong cách "xì tin" vào lớp học

Đối với cô Dung, việc giảng dạy không thể thiếu được sự dí dỏm và hài hước vì đa số các em học sinh đều thích điều này. Khi giáo viên biết truyền đạt kiến thức bằng cách nói nhẹ nhàng và hài hước, học sinh sẽ dễ tiếp thu bài học hơn.

Nhiều học sinh không thuộc bài khi lên bảng đều rất sợ phải đối mặt với giáo viên. Vì vậy, trong những tình huống này, cô Dũng dùng lời nhẹ nhàng pha chút dí dỏm để học sinh tự nhận ra khuyết điểm của mình.

“Vậy tại sao không học bài, cô tưởng có người yêu đi chơi thì mới không học bài chứ nhỉ”- Cô Dung chia sẻ một trong những chiêu thức cô sử dụng.

Nhiều học sinh, cựu học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: Không chỉ được yêu thích bởi tính thẳng thắn và tính cách hài hước, dí dỏm, cô Dung còn được “điểm cộng” trong mắt mọi người bởi gần gũi và hiểu học sinh.

Ngoài cách dạy sử độc đáo, cô còn đưa ra nhiều câu hài hước mà thế hệ học sinh nào cũng biết để nhớ lâu môn lịch sử này.

Những phát biểu của cô như: “Anh chị nào đã lên bảng thì đừng có nói với tôi là học qua qua, xem qua qua. Học qua qua là học như thế nào”, “Lúc đầu cô đi thi trường cảnh sát nhưng trượt từ vòng gửi xe vì người ta chê răng xấu, thế là bố cô bảo đi sư phạm cho dễ lấy chồng ai ngờ đi không chỉ đỗ mà lại học giỏi”... đã thành những câu nói không thể nào quên với các bạn học sinh Trường Phan Đình Phùng.

Với những lớp do cô làm chủ nhiệm, nhiều học trò vẫn coi cô như một người mẹ thứ hai của mình. Bao nhiêu những vui buồn của gia đình, giận hờn, ghen ghét đố kỵ trong nhóm bạn hay cả chuyện yêu đương, các em đều tìm đến cô tâm sự. Thậm chí có nhiều học trò nửa đêm còn gọi điện cho cô để tâm sự, nghe cô khuyên giải.

Lúc đó, cô Dung lại đứng ra giảng hòa cho các bên. Đối với chuyện tình yêu, cô không ngăn cấm nhưng luôn nhắc nhở những học sinh của mình rằng:

“Cuộc đời ai cũng phải yêu. Cô không cấm được các em. Nhưng ở mỗi thời điểm các em chỉ được phép lựa chọn một thứ thôi. Em có hứa với cô nếu yêu nhưng vẫn học giỏi, học tốt không".

Đối với cô Dung, khi thấy học trò của mình ngày càng trưởng thành, cứng rắn và giỏi giang hơn thì đó đã là niềm hạnh phúc vô bờ đối với một giáo viên.

Thỉnh thoảng, những cuộc điện thoại của những học trò cũ gọi về hỏi thăm hay thông báo về những thành công đầu tiên cũng khiến cô ấm lòng và có thêm động lực để gắn bó với nghề dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ