Thầy giáo miền núi với sáng kiến hòm thư 'Điều em muốn nói'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Lê Thành Tuyên vẫn luôn giữ trọn ngọn lửa tâm huyết với nghề, say mê cống hiến.

Thầy giáo Lê Thành Tuyên (ngoài cùng bên trái) thăm hỏi gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy giáo Lê Thành Tuyên (ngoài cùng bên trái) thăm hỏi gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Say mê cống hiến

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ thầy giáo Lê Thành Tuyên đã bộc lộ tố chất và nuôi dưỡng mơ ước được đứng trên bục giảng. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh – Kỹ thuật Nông nghiệp trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) thầy Tuyên được phân công về trường THPT Hàm Yên giảng dạy.

Thời gian đầu đứng lớp, thầy Tuyên gặp phải không ít khó khăn do tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa có, học sinh tại trường miền núi có những đặc thù riêng nhưng với tinh thần ham học hỏi, luôn năng nổ, say mê trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cùng tình yêu nghề và sự nỗ lực của bản thân, thầy Tuyên đã nhanh chóng hòa nhịp với công việc, chủ động biên soạn giáo án, xây dựng phương pháp giảng dạy tích cực, mang lại hiệu quả cao cho học sinh.

Năm 2009, thầy Lê Thành Tuyên đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Yên. Đến năm 2010, thầy trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hàm Yên khi tròn 30 tuổi.

Nhận thấy các em học sinh ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, sống xa nhà, điều kiện sinh hoạt tập thể có nhiều điều khó nói. Thầy bàn với Ban Giám hiệu lập hòm thư “Điều em muốn nói”, mỗi tuần đích thân thầy mở và đọc tâm tư của các em, từ đó có phương án xử lý kịp thời.

Thầy giáo Lê Thành Tuyên cùng học trò của mình.

Thầy giáo Lê Thành Tuyên cùng học trò của mình.

Bên cạnh đó, thầy cũng tạo lập phong trào thi đua học tốt, sống có trách nhiệm trong học sinh toàn trường bằng việc mỗi năm học sẽ chọn 4 học sinh tiêu biểu, chụp ảnh và in khổ lớn đặt trang trọng giữa sân trường, vừa để tôn vinh học trò vừa là động lực để phấn đấu cho học trò khác.

Thầy Tuyên cho biết: Tôi luôn tâm niệm “yêu học trò như con”, nên thường nhắc nhở bản thân và giáo viên trong trường thường xuyên quan tâm, động viên, chăm sóc để làm sao các em học sinh cảm nhận được tình cảm yêu thương và cố gắng vươn lên trong học tập.

Dù làm việc gì, ở bất cứ cương vị nào cũng không ngừng cố gắng

Năm 2021, thầy Lê Thành Tuyên được bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm GDTX – Hướng nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Trên cương vị lãnh đạo trung tâm, thầy Tuyên đã có nhiều cách làm hay, đổi mới phương pháp học tập, hình thức rèn luyện và thường xuyên động viên khen thưởng cán bộ, nhân viên, học viên…; kết quả, nhiều học viên ở trung tâm đã cố gắng, có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Học viên ở trung tâm có những đặc điểm riêng chi phối bởi nghề nghiệp, tuổi tác, vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, do đó các thầy cô cần phải hiểu và nắm được tâm tư nguyện vọng của các em để có phương pháp giảng dạy, truyền thụ thích hợp. Qua đó khuyến khích học viên nâng cao phẩm chất, năng lực học tập và đạt kết quả tốt.

Nói về những vất vả trong sự nghiệp “trồng người” của mình, thầy khẳng định: "Dù làm việc gì, ở bất cứ cương vị nào cũng không ngừng cố gắng, bằng tất cả lòng say mê và nhiệt huyết với nghề giáo đã thôi thúc tôi nỗ lực cống hiến vì các thế hệ học trò thân yêu".

Thầy Tuyên cùng đội tình nguyện tiếp sức mùa thi Trung tâm GDTX- Hướng nghiệp tỉnh Tuyên Quang.

Thầy Tuyên cùng đội tình nguyện tiếp sức mùa thi Trung tâm GDTX- Hướng nghiệp tỉnh Tuyên Quang.

Chưa một ngày nào thầy cảm thấy hết yêu nghề. Bởi, nghề giáo đã cho thầy cơ hội được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, giúp thầy hiểu hơn về giá trị của cuộc sống khi sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Em Phạm Thành Duy học viên trung tâm chia sẻ: “Mặc dù là Giám đốc trung tâm, nhưng thầy Tuyên vô cùng giản dị và gần gũi với học viên. Thầy thường xuyên quan tâm, động viên và sẵn sàng giúp đỡ để tháo gỡ những khó khăn của chúng em cả trong học tập lẫn cuộc sống”.

Đến nay, mỗi khi nhắc về thầy giáo Lê Thành Tuyên biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số vẫn luôn ghi nhớ công ơn của thầy. Người thầy đã cần mẫn gieo những hạt mầm yêu thương, hoài bão trong trái tim học trò.

Nói về người thầy, người đồng nghiệp của mình, anh Nguyễn Việt Anh – Bí thư Đoàn TNCS HCM Trung tâm GDTX- Hướng nghiệp chia sẻ: “Thầy Tuyên là người tâm huyết với nghề, có chuyên môn giỏi, tận tụy với học trò, luôn cống hiến hết mình cho ngành giáo dục địa phương. Chính thầy đã tiếp thêm ngọn lửa, lan tỏa năng lượng tích cực và tình yêu thương cho đồng nghiệp và các thế hệ học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.