Thầy giáo mầm non luôn ‘say nghề, mến trẻ’

GD&TĐ - Trong 14 năm qua kể từ khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non đến nay, thầy Đào Văn Toàn (SN 1987) luôn dành trọn tâm huyết, tình cảm của mình để hoàn thành tốt công việc của một “thầy nuôi dạy trẻ”.

Thầy Đào Văn Toàn rất biết cách thu hút sự chú ý của trẻ nhờ tình yêu nghề mến trẻ.
Thầy Đào Văn Toàn rất biết cách thu hút sự chú ý của trẻ nhờ tình yêu nghề mến trẻ.

Ngọn lửa nghề luôn rực cháy

Đang là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), thầy Toàn xuất thân là một người con của quê hương Nam Trực, tỉnh Nam Định, là một con người rất đa năng. Bên cạnh chuyên môn về nuôi dạy trẻ, thầy cũng rất rành về kỹ thuật loa đài, âm thanh ánh sáng nên đã trở thành “linh hồn” nơi hậu trường trong các sự kiện của trường, quận hay thành phố.

Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Đào Văn Toàn tự nhận mình là một người may mắn khi đã lựa chọn theo con đường mà ít người đàn ông nào đủ dũng cảm để lựa chọn. Năm 2008, thầy thực tập tốt nghiệp và dạy ở Trường Mầm non 10-10 của quận Hoàng Mai. Đến năm 2019, thầy được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu phó của Trường Mầm non Giáp Bát cho đến nay.

Kể về gia đình của mình, thầy Toàn cho biết mình có bố làm giáo viên nên khi nghe con trai kể về ý định của mình cũng không hề cấm cản. Ngược lại, ông rất ủng hộ sự lựa chọn của con, miễn sao đủ quyết tâm và tình yêu nghề thì sẽ làm tốt. Thầy giáo “8X” đã được thừa hưởng lòng yêu nghề của bố. Khi vào nghề rồi, ngoài làm cô thì còn phải làm mẹ của các cháu. Đôi khi phải vừa dạy vừa dỗ và rất chú ý từng cử chỉ, lời nói phải thực sự chan chứa yêu thương thì trẻ mới quý mến mình.

Thầy Hiệu phó luôn biết cách pha trò và khuấy động không khí lớp học của trẻ.

Thầy Hiệu phó luôn biết cách pha trò và khuấy động không khí lớp học của trẻ.

Lúc mới vào nghề, thầy giáo trẻ này không thể quên được những kỷ niệm đáng nhớ. Khi phụ huynh thấy con mình được giao cho 1 thầy giáo đứng lớp, nhiều người đã ngỡ ngàng và có phần e ngại bởi chưa đủ tin tưởng bằng giao cho các cô trông. Trong giờ đón trẻ, lúc các cô đi họp thì thầy Toàn cũng làm thay các công việc như vệ sinh lớp, vệ sinh cho trẻ, chải đầu buộc tóc… Sau học kỳ 1 của năm học 2011-2012, nhiều trẻ kể với bố mẹ về việc được thầy giáo chăm sóc con tại lớp tốt và khéo như thế nào nên càng tự tin với công việc của mình hơn.

“Vào những lần phụ huynh đến đón con sớm chứng kiến cảnh thầy buộc tóc cho con, các bố mẹ thấy ngạc nhiên và dần tin tưởng hơn thầy giáo ở tài chăm sóc trẻ cũng không thua kém các cô giáo. Từ đó, mình như được tiếp thêm động lực để vượt qua khó khăn và thêm yêu nghề hơn” – thầy Toàn tâm sự.

Giáo viên mầm non cần được quan tâm hơn

Là người gắn bó với ngành giáo dục nhiều năm qua, thầy Đào Văn Toàn cũng trải qua vai trò giáo viên mầm non và bây giờ đang là cán bộ quản lý. Năm 2015, thầy đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố bậc mầm non. Khi đó, thầy giáo trẻ đã có cuộc nói chuyện với thầy Nguyễn Hữu Độ khi đó đang làm Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và thầy Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non. Các vị lãnh đạo đều thấu hiểu nỗi vất vả của các giáo viên mầm non.

Với thầy Toàn, để trẻ quý mến thì người giáo viên phải thực sự tâm huyết với nghề.

Với thầy Toàn, để trẻ quý mến thì người giáo viên phải thực sự tâm huyết với nghề.

Đời sống giáo viên mầm non còn nhiều vất vả nhưng thu nhập vẫn chưa thể bằng các cấp học khác. Trong suốt thời gian trẻ phải nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, thầy Toàn cũng lập gia đình. Lúc đó thầy cũng phải tranh thủ chạy Grab để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, thầy giáo Hiệu phó cũng làm thêm về lĩnh vực tổ chức sự kiện, âm thanh ánh sáng vào các ngày nghỉ hoặc lễ tết. Dù vậy, thầy vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đảm bảo công việc ở trường.

“Cái cốt lõi của giáo viên mầm non là mình phải yêu trẻ. Phải có niềm đam mê mới gắn bó. Mình phải nền tính và xác định tư tưởng để tránh những lúc tức giận hay cáu gắt với các con. Ngoài kiến thức nhà trường đào tạo, mình cũng tìm hiểu kỹ năng trong cuộc sống. Truyền dạy bằng nhiều hình thức mới lạ để cuốn hút trẻ con. Không gì tinh bằng trẻ, trẻ khoe với bố mẹ nay được thầy dạy cái này dạy cái kia. Từ đó, phụ huynh cũng hiểu được thầy giáo có kỹ năng dạy trẻ tốt và trẻ cũng quý thầy giáo”, thầy Hiệu phó Đào Văn Toàn cho hay.

Là một đồng nghiệp cũ tại Trường Mầm non 10-10, cô Trương Thị Ngọc Bích đánh giá: “Thầy Toàn được rất nhiều phụ huynh và học sinh tin tưởng. Ban đầu, ai cũng lo là một thầy giáo liệu có đủ bản lĩnh và sự kiên trì để theo đuổi một nghề vô cùng vất vả như giáo viên mầm non hay không. Nhưng càng làm việc cùng thì tôi càng thấy được sự quyết tâm, tinh thần phấn đấu của thầy Toàn. Mọi công việc của một giáo viên mầm non thầy đều có thể hoàn thành tốt nên chúng tôi cũng rất yên tâm”.

Chị Lê Thanh Hồng, một phụ huynh có con đã từng học lớp thầy Toàn tại Trường Mầm non 10-10 cho biết, đến nay khi đã học đến lớp 4 nhưng con gái chị vẫn rất nhớ và hay nhắc đến thầy Toàn từ hồi học mầm non. “Vợ chồng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi gửi con vào lớp của thầy. Không chỉ chăm các con khéo, thầy Toàn cũng hay trao đổi với phụ huynh để có phương pháp giáo dục tốt hơn, giúp trẻ được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần” – chị Hồng nhớ lại.

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm Linh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Giáp Bát, toàn trường có 39 cán bộ, giáo viên và 361 trẻ ở 11 lớp. Thầy Toàn là một giáo viên và cán bộ quản lý có năng lực, rất yêu nghề mến trẻ và được nhiều phụ huynh, học sinh quý mến. Do là đàn ông nên mọi công việc sửa chữa hay lắp đặt tại trường thầy đều rất xông xáo giúp các chị em đồng nghiệp. Dù là cán bộ quản lý nhưng thầy Toàn không bao giờ tỏ ra cao ngạo, mà trái lại rất hòa đồng với mọi người, mọi nhiệm vụ được giao đều cố gắng hoàn thành xuất sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.