Rời nhà trường, khởi nghiệp từ da cá bỏ đi
Nhìn thấy người dân địa phương còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, nhiều học sinh của mình phải nghỉ học giữa chừng để đi biển, cái nghèo vẫn đeo bám nhiều năm ở vùng đất Châu Thành, Đồng Tháp, thầy giáo trẻ Trương Lê Huy Hoàng (sinh năm 1988) đã nghĩ đến việc khởi nghiệp, sản xuất kinh tế không chỉ giúp đỡ bản thân mà còn tạo công ăn việc làm, chia sẻ kinh nghiệm của mọi người cùng học tập, làm theo.
Năm 2017, thầy Hoàng đã thành lập cơ sở Khô trâu Quang Hiển tại xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Rời nhà trường sau 8 năm gắn bó làm thầy giáo, anh Hoàng vẫn còn nhớ trước đây, ngoài thời gian đi dạy học, anh thường tranh thủ tham gia Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế do Thành đoàn Sa Đéc tổ chức. Qua quá trình tham gia sinh hoạt, anh Hoàng dần đam mê việc làm kinh tế và muốn khởi nghiệp.
Với kiến thức sẵn có lúc còn làm thầy giáo dạy môn Sinh học, thầy Hoàng đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất chế biến khô trâu để sản phẩm dễ bảo quản, có độ dai, mềm vừa ăn. Tuy nhiên, đây không phải là thế mạnh của địa phương để có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Tìm hiểu về tài nguyên bản địa, các hộ dân chủ yếu nuôi cá. Thời điểm đó, mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cá tra phi lê, nhưng da cá lại không được sử dụng, bỏ phí khoảng 85.000 tấn da. Hơn nữa, lượng da cá này thải bỏ sẽ là một điều rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
Tìm hiểu để xem các tác dụng của da cá, được biết, đây là nguồn thực phẩm nhiều dinh dưỡng, giàu collagen và gelatin tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà máy ở Việt Nam chưa thể tận dụng nguyên liệu này để sản xuất sản phẩm ăn liền.
Chưa kể đến, nếu mỗi kg da cá tăng giá trị lên 100.000 đồng thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 8.500 tỷ đồng mỗi năm. Trên đà phát triển, năm 2019, Hoàng cho ra mắt sản phẩm snack da cá được thị trường và người tiêu dùng ưa thích.
Thầy giáo trẻ chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ tập trung sản xuất ra sản phẩm sạch nên gặp khó khăn về đánh giá vị của sản phẩm. Sau dần, tôi hiểu thêm, mỗi người có một khẩu vị khác nhau và quan trọng nhất, phải sản xuất ra được snack da cá đặc trưng hợp với khẩu vị người Việt Nam, rồi mới phân ra các vị khác nhau cho mỗi đối tượng, độ tuổi có sự lựa chọn”.
Đến đầu 2019, sản phẩm snack từ da cá tra bắt đầu có mặt trên thị trường và dần dần có được sự ưa chuộng của nhiều khách hàng trên khắp cả nước.
Sau đó, sản phẩm từng bước được ký kết hợp tác kinh doanh với nhiều hệ thống siêu thị lớn giúp hàng hóa tăng độ phủ trên thị trường, đến nay đã có gần 700 cửa hàng, siêu thị đang bán sản phẩm.
Anh đã nghiên cứu và đầu tư mở thêm nhà xưởng đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm snack da cá sấy giòn áp dụng công nghệ sạch mang lại doanh thu đạt trên 1.3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 260 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm cho 15 thanh niên.
Đến từng hộ nghèo “tuyển” lao động
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp anh Hoàng cho biết, 3 năm khởi nghiệp anh đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền địa phương. Tất cả thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đều được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả giúp đơn vị tiết kiệm thời gian.
Nhiều chương trình tập huấn, học tập tổ chức giúp tăng cường khả năng quản lý, thay đổi tư duy chiến lược là yếu tố quan trọng cốt lõi giúp sản phẩm của anh đứng vững trên thị trường trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Khi có doanh thu ổn định, thầy giáo trẻ đã tìm hiểu cả về nguồn nhân lực địa phương. Nhận thấy nhiều hộ gia đình đi biển, đánh bắt cá quanh năm mà vẫn thuộc diện hộ nghèo, rủi ro lớn, con cái phải nghỉ học sớm để lao động, anh đã đến từng nhà, vận động các hộ gia đình cùng sản xuất, cung cấp nguyên liệu và nhận 15 thanh niên tại địa phương vào xưởng chế biến. Đến nay, họ vẫn là lao động chính có thu nhập ổn định, có thời gian chăm sóc con cái và quan tâm tới gia đình hơn so với trước đây.
Hiện tại, Hoàng dự tính sẽ đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 2200 và các tiêu chuẩn cần thiết để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc với mục tiêu doanh thu tăng gấp đôi.
Ông chủ 8X phấn khởi cho biết, năm 2019 là năm khá thành công, khi doanh nghiệp của anh có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Đây là bộ tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Vinh dự hơn, cá nhân Hoàng đạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia, giải Nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019, đồng thời lọt vào Top 5 dự án tốt nhất được Ban tổ chức lựa chọn để tiếp tục hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hoàng còn vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp; nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn.
Thầy giáo Huy Hoàng nhắn gửi: “Mình nghĩ rằng thời nào cũng có những khó khăn riêng. Trong thời điểm hiện tại này, việc bán hàng qua các kênh trực tiếp gặp khó khăn thì các doanh nghiệp trẻ có xu hướng tập trung vào trực tuyến và chăm sóc khách hàng từ xa. Càng trẻ thì việc tiếp cận thông tin thị trường càng nhanh nhạy và linh động thay đổi mô hình kinh doanh, đó cũng là một lợi thế mà doanh nghiệp trẻ nên tận dụng”.