Thầy giáo Ê đê âm thầm giúp học trò viết đúng chính tả

GD&TĐ - Sinh ra và lớn trên ở huyện Sông Hinh (Phú Yên), thầy giáo Y Giêng - Trường Tiểu học và THCS Ea Lâm đang thầm lặng “gieo chữ” cho các em nhỏ ở mảnh đất này.

Thầy Y Giêng đang giảng bài cho học sinh.
Thầy Y Giêng đang giảng bài cho học sinh.

Với mong muốn học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đều được học tập bài bản, tiếp thu kiến thức tốt, thầy giáo Y Giêng đã viết đề tài: “Rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh dân tộc Ê-đê”.

“Gieo chữ” trên non

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy Y Giêng (SN 1984), tổ phó tổ 4-5, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học và THCS Ea Lâm cho biết, những khó khăn lúc còn nhỏ là khoảng thời gian không bao giờ quên.

"Khi học cấp Tiểu học là giai đoạn khó nhất của mình, bởi bạn nào cũng không nói được tiếng phổ thông (tiếng Kinh) nên trong quá trình giao tiếp với thầy cô gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, mình và các bạn phải phụ giúp gia đình như chăm em, nếu học buổi chiều thì buổi sáng phải đi chăn bò, tới trưa có người thay mới về đi học", thầy Y Giêng nói.

Theo thầy Y Giêng, từ việc nói không thông viết không thạo tiếng phổ thông và khó khăn trong cuộc sóng hằng ngày như vậy đã dẫn đến việc nhiều bạn cùng lứa phải bỏ học.

“Đến khi lên lớp 4, lớp 5 thì mình đã thấy tự tin hơn trong học tập và ấp ủ ước mơ sau này trở thành giáo viên để quay lại dạy các em trong buôn của mình”, thầy Y Giêng chia sẻ.

Thầy giáo Y Giêng đang chỉ cho học sinh viết chính tả.
Thầy giáo Y Giêng đang chỉ cho học sinh viết chính tả.

Vượt qua khó khăn của cuộc sống, chàng trai Y Giêng lúc bấy giờ đã đỗ vào ngành sư phạm Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học Quy Nhơn. Đầu năm 2010, Y Giêng bắt đầu công tác tại Trường Tiểu học và THCS Ea Lâm. Một ngôi trường nằm trên xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn của Phú Yên.

Trong suốt 11 năm giảng dạy tại ngôi trường này, thầy Y Giêng cho hay, trong lớp chủ yếu là học sinh đồng bào người Ê-đê. Chính vì vậy,  quá trình giảng dạy của mình cũng gặp nhiều khó khăn.

“Khi nhìn vào các em tôi lại thấy chính hình ảnh của mình ngày xưa, để từ đó tôi luôn đặt bản thân vào vị trí của các em để động viên và chia sẻ. Những việc làm nhỏ ấy đã cảm hóa được các em, khiến cho các em cởi mở và chia sẻ với thầy nhiều hơn”, thầy Y Giêng tâm sự.  

Để các em không ngại ngùng với giáo viên, điều đầu tiên là thầy Y Giêng không nói tiếng Ê-đê trong trường và lớp để làm gương cho em. Bên cạnh đó, thầy luôn động viên và phải thực hiện thường xuyên việc sử dụng tiếng phổ thông khi học trò đến trường, đến lớp. Nếu bước được qua rào cản ngôn ngữ thì các em sẽ tự tin và học tốt hơn.

Thầy Y Giêng chơi đùa cùng các học sinh trong lớp.
Thầy Y Giêng chơi đùa cùng các học sinh trong lớp.

Vừa đi dạy vừa đi vận động học sinh đến trường

Trong quá trình dạy học, thầy Y Giêng không nhớ đã bao nhiêu lần vận động các em hay nghỉ học vào mùa mưa. Không chỉ riêng học trò của thầy Y Giêng mà còn có những học trò của đồng nghiệp. Không những thế, thầy luôn mua một số dụng cụ học tập để sẵn trên bàn dạy học, để sẵn sàng cho học sinh khi học sinh đó thiếu thốn đồ dùng học tập.

“Điều tôi trăn trở suốt nhiều năm đi dạy chính là làm sao để giúp các em đọc thông, nói thạo tiếng phổ thông để có thể học tốt môn Tiếng Việt. Từ những trăn trở đó trong năm học 2016-2017, tôi đã viết sáng kiến: "Rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh dân tộc Ê-đê lớp 4, Trường Tiểu học Ea Lâm". Qua một năm áp dụng thì các em đã tiến bộ và viết đúng chính tả hơn”, thầy Y Giêng thông tin.

Thầy Y Giêng cùng đồng nghiệp của mình xuống từng buôn, làng để vận động học sinh đến trường.
Thầy Y Giêng cùng đồng nghiệp của mình xuống từng buôn, làng để vận động học sinh đến trường.

Thầy Y Giêng cho hay, phương pháp của thầy không có gì là mới mẻ, chỉ làm những việc thực tế như; cầm tay chỉ việc cho các em thôi, chỗ nào các em chưa viết đúng là dừng lại ngay rồi lấy nháp và cho viết lại vào nháp để các em nhớ và lần sau không mắc phải nữa, rồi mới tiếp tục viết bài chính tả, chậm mà chắc vậy.

Chính nhờ vào sáng kiến này, học sinh có sự tiến bộ vượt bậc. “Căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh mà mình tự điều chỉnh phương pháp truyền thụ kiến thức cho các em. Có như thế mới đem lại kết quả tốt cho học sinh. Còn môn toán thì chú ý cho các em rèn nhiều đối với các phép tính cơ bản cộng, trừ, nhân và chia. Các em thành thạo rồi mình mới hướng dẫn những bài khó hơn”, thầy Y Giêng bộc bạch.

Niềm vui và hạnh phúc của thầy Y Giêng chính là sự tiến bộ của học sinh từng ngày.
Niềm vui và hạnh phúc của thầy Y Giêng chính là sự tiến bộ của học sinh từng ngày.

11 năm gắn bó tại Trường Tiểu học và THCS Ea Lâ là những năm tháng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp “gieo chữ” của thầy Y Giêng. Niềm vui và hạnh phúc của thầy chính là được dạy học sinh, nhìn học sinh tiến bộ qua từng ngày.

Cuộc sống của thầy Y Giêng cũng không mấy là sung túc. Vợ thầy tốt nghiệp ngành Sư phạm hệ Cao đẳng, không xin được việc, chỉ ở nhà chăm con và phụ giúp công việc gia đình. Thu nhập chính của gia đình chỉ có từ đồng lương của thầy. Hơn 11 năm công tác rồi mà thầy vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế nhưng bằng sự yêu thương học trò, hằng ngày thầy Y Giêng vẫn lặn lội vượt 25km để đến trường truyền đạt kiến thức cho học sinh người đồng bào.

“Mọi khó khăn rồi cũng qua nên mình an tâm công tác. Không có lúc nào mình chán nản hết, vì gia đình và hơn nữa còn có những em học sinh đang chờ đón mình, nên cứ thế bước tiếp”, thầy Y Giêng cười nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ