Nhận định đây là năm học còn nhiều khó khăn, các trường tiểu học đã tìm cách thích nghi và vượt qua khó khăn khi triển khai phương pháp học kết hợp.
Tận dụng giờ học trực tiếp
Cô giáo Lê Thanh Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Châu, huyện Khoái Châu cho biết, năm học 2021-2022, nhà trường có 5 lớp 1 với khoảng 200 học sinh. Nhà trường tổ chức cho mỗi học sinh đến trường tối đa 3 buổi/ tuần, mỗi buổi có không quá 1/3 số học sinh lớp 1 của trường đến trường tại cùng một thời điểm.
“Khi tổ chức học trực tiếp, trường chia đôi lớp trong đó, 3 lớp học buổi sáng và 2 lớp học buổi chiều. Những ngày đến trường, học sinh học Toán, Tiếng Việt trong khi học trực tuyến, giáo viên dạy các môn còn lại. Ngoài ra, thầy cô in bài tập cho học sinh làm tại nhà trong những ngày không đến trường”, cô Thuỷ cho biết thêm.
Trong hơn một tuần vừa qua, giáo viên lớp 1 đã dành những tiết học trực tiếp để hướng dẫn học sinh cách cầm bút, đưa nét… Nhận định đây là những kỹ năng khó có thể triển khai qua hình thức trực tuyến, cô Thuỷ bày tỏ vui mừng khi học sinh lớp 1 được sắp xếp đến trường, dù chỉ tối đa 3 buổi một tuần.
Giáo viên cố gắng tận dụng khoảng thời gian này để giúp học sinh làm quen với chương trình tiểu học, đồng thời, giao thêm bài tập để các em củng cố tại nhà.
Ngoài ra, học sinh đến trường vẫn đảm bảo tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử, mỗi học sinh được xếp ngồi một bàn, được đo thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn trước khi vào lớp. Nhà trường cũng trang bị thêm các bồn rửa tay quanh khuôn viên trường học.
Phụ huynh Nguyễn Thị Ngát, có con theo học lớp 1 tại Trường Tiểu học Tân Tiến, huyện Văn Giang, chia sẻ: Con gái tôi nghỉ hè từ tháng 5, trường mẫu giáo cũng chưa kịp chuẩn bị cho các cháu lên lớp 1. Trước khi tựu trường, tôi lo nếu chỉ học trực tuyến cháu sẽ không theo được. Nhưng tôi rất mừng vì cháu được đến trường 2-3 buổi/ tuần.
“Vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày, không có thời gian ở nhà hướng dẫn con học trực tuyến. Cháu đến trường, cô dạy cách cầm bút, cách tập viết bảng nên về nhà có thể tự luyện. Vợ chồng tôi cũng giảm bớt nỗi lo”, chị Ngát chia sẻ.
Vượt khó học trực tuyến
Phương pháp học trực tuyến kết hợp trực tiếp của tỉnh Hưng Yên đã phần nào giải quyết nỗi lo của giáo viên, phụ huynh khi con lên lớp 1. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn.
Cô giáo Cao Thị Kim Chinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu, huyện Văn Giang, chia sẻ: “Dạy học trực tuyến còn một số bất cập nhất định như trong ngày học đầu tiên, một số lớp gặp trục trặc kỹ thuật. Trang thiết bị của học sinh còn hạn chế trong khi đường truyền Internet có lúc không ổn định. Tuy nhiên, sang tuần học thứ 2, việc dạy học trực tuyến cơ bản đã ổn định”.
Đây cũng là trăn trở của thầy cô giáo Trường Tiểu học Tân Châu. Hiệu trưởng Thanh Thuỷ cho biết nhiều học sinh đến từ gia đình khó khăn, không có điều kiện chuẩn bị Internet và thiết bị nên phải học nhờ nhà bạn bè, hàng xóm. Nhiều em có cha mẹ làm ăn xa, sống với ông bà nên không có ai kèm cặp khi học online, phải tự làm quen với thiết bị công nghệ.
Ngoài ra, khi tổ chức học trực tuyến kết hợp trực tiếp, áp lực của giáo viên tương đối lớn. Để đáp ứng nhu cầu, điều kiện của các gia đình, giáo viên dạy học vào ba buổi sáng, chiều và tối. Bên cạnh đó, thầy cô phải chuẩn bị powerpoint bài giảng, sửa bài tập.
“Khối lượng công việc lớn nhưng giáo viên rất nhiệt tình, nỗ lực để thích nghi với hoàn cảnh đặc biệt. Chúng tôi hiểu rằng việc học trực tuyến của nhiều học sinh còn khó khăn nên phải cố gắng hết sức để mang lại hiệu quả cao nhất trong giảng dạy dưới hình thức này”, cô Thuỷ trong biết.