Thầy giáo Đà Nẵng khởi nghiệp với cây chè dây

GD&TĐ - Không chỉ gắn bó với sự nghiệp trồng người ở miền núi Đà Nẵng, thầy giáo Lê Anh Tú còn tiên phong trong khởi nghiệp từ cây chè dây...

Thầy Lê Anh Tú bên sản phẩm chè dây.
Thầy Lê Anh Tú bên sản phẩm chè dây.

“Bén duyên” với đất khó

Sinh ra và lớn lên ở huyện Anh Sơn (Nghệ An), thế nhưng thầy Lê Anh Tú (sinh năm 1979) lại chọn mảnh đất Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để an cư lạc nghiệp. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thầy Tú đã tình nguyện lên xã Hòa Bắc để dạy học.

Lúc bấy giờ, việc xung phong lên xã Hòa Bắc dạy là điều hiếm thấy. Đây là vùng đất có nhiều người đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Thời điểm này đường sá đi lại khó khăn, kinh tế còn chưa phát triển, nên việc giáo viên xin về dạy tại nơi đây rất ít.

Thầy Tú được phân công dạy môn Thể dục tại điểm trường thôn Nam Mỹ của Trường Tiểu học Hòa Bắc. Tưởng chừng khó khăn sẽ làm chùn chân thầy giáo trẻ, thế nhưng thầy Tú đã vượt mọi khó khăn và “bén duyên” với mảnh đất đầy gian khó này.

25 năm gắn bó với mảnh đất Hòa Bắc, thầy Tú đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao thể chất. Đồng thời, thầy Tú còn phát hiện và đào tạo nhiều học sinh tham gia các môn thể thao, đạt thành tích cao.

Điển hình là em Nguyễn Thùy Trang (thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) đã được rèn luyện kỹ năng bơi lội đã đoạt Huy chương Bạc tại cuộc thi bơi lội cấp thành phố vào năm 2004 - 2005. Năm 2008, thầy Tú đã huấn luyện cho em Bùi Văn Phương và Bùi Văn Tuấn (thôn Giàn Bí) giành Huy chương Vàng cấp thành phố cũng ở bộ môn này.

“Những lần đến nhà dẫn các em đi huấn luyện bơi lội, tôi đã được gia đình các em mời uống nước. Ban đầu tôi nghĩ rằng đó là loại chè xanh bình thường, nhưng khi uống vào có vị đắng rồi sau đó ngọt hậu và đặc biệt có mùi thơm. Lúc này tôi mới được mọi người giới thiệu rằng đây là loại chè dây, một loại lá rừng phát triển khá nhiều ở miền núi lúc bấy giờ. Người đồng bào Cơ Tu chọn dùng chè dây nấu nước uống cho dễ ngủ”, thầy Tú chia sẻ.

Sau đó, thầy Tú ấp ủ và bắt tay vào tìm hiểu cách trồng, chăm sóc loài cây đặc biệt này trong một thời gian dài. Khi đầy đủ hết kiến thức cũng như phương pháp trồng, thầy Tú đã đem ý tưởng của mình bàn với vợ lên kế hoạch khởi nghiệp để phát triển kinh tế.

“Năm 2015, tôi bắt đầu ươm trồng trên diện tích 100 m2, tuy nhiên sau đó thất bại. Đến 2019, tại huyện Đông Giang có một vườn ươm chè dây do Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế tổ chức. Tôi khăn gói lên đó học kỹ thuật chuyên sâu về ươm và chăm sóc cũng như chế biến chè dây.

Lúc này tôi và vợ bắt đầu dồn hết số tiền tiết kiệm cùng với vay mượn người thân gia đình được 350 triệu để bắt đầu xây dựng vườn chè dây trên diện tích 1 hecta. Dự án được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cùng với Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng hỗ trợ vốn đầu tư 100 triệu đồng”, thầy Tú cho biết.

Thầy Tú nhớ lại: “Lúc mới khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn lắm, có lúc cây tươi tốt nhưng có thời điểm bị hư hại. Lúc thì bị hạn nên cây chết, lúc thì bị mưa lũ về đá tràn lấp hết cây. Hai vợ chồng đi dạy về lại lao vào dọn dẹp để trồng lại, vất vả lắm”.

Sản phẩm chè dây.

Sản phẩm chè dây.

Quả ngọt của sự cố gắng

Dẫu khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng thầy Tú vẫn quyết không bỏ cuộc. Tranh thủ rảnh rỗi sau giờ dạy, thầy lại vào rẫy để cải tạo đất, cải tạo vườn, thuê xe san ủi tạo mặt bằng, làm trụ bê tông và đan giàn lưới thép kiên cố để chè dây bám vào phát triển. Cùng với đó, thầy Tú cải tạo hệ thống tưới nước tự động để cây phát triển. Và rồi đến gần cuối năm 2020, cây chè dây bắt đầu đến độ thu hoạch.

Theo lời thầy Tú, chè dây sau khi được thu hoạch sẽ đem về sơ chế và cắt nhỏ. Sau đó sẽ được sao trên bếp củi. Với 16kg chè tươi sau khi sao sẽ được 4kg chè khô, với giá trị 180 nghìn đồng/ký. Khi sao chè xong sẽ để chè nguội rồi ủ thêm 12 tiếng, kế đến là phơi khô khoảng 3 nắng và công đoạn cuối cùng là đóng gói.

“Điều đặc biệt ở loại chè dây chính là tính dược liệu đó là giúp điều trị bệnh dạ dày và giúp cải thiện giấc ngủ. Khi hái thì hái phần lá và thân dây còn non để tính dược liệu cao nhất. Sau khi sao chè và phơi sẽ có một lớp màu trắng phủ bề mặt chè, đây chính là phấn chè có tính dược liệu cao. Chính vì thế nên sản phẩm chè dây được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ chủ yếu là khu vực phía Bắc”, thầy Tú thông tin thêm.

Tới thời điểm hiện nay vườn chè dây hơn 1 ha của thầy Tú đã phát triển tốt và cho sản lượng cao. Cứ 45 ngày thầy Tú sẽ thu hái chè một lần, mỗi lần thu hái như vậy sẽ cho ra khoảng 350kg chè khô. Mỗi năm, thu hoạch gần 15 tạ chè, sau khi trừ hết chi phí, gia đình thầy Tú thu lãi hơn 150 triệu đồng. Không chỉ mang lại sản phẩm giá trị kinh tế cao, vườn chè của thầy Tú còn tạo công ăn việc làm cho 8 người dân địa phương.

“Dự định sắp tới 2 vợ chồng tôi mở rộng quy mô vườn chè lên 2 hecta để có đủ nguồn cung cho thị trường, cùng với đó tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân hơn, giúp ổn định kinh tế”, thầy Tú tâm sự.

Bà Lê Thị Thu Hà – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho hay, vợ chồng thầy Lê Anh Tú là gương điển hình của xã trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương. “Sản phẩm chè dây của thầy Tú là một trong 2 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm – PV) của xã Hòa Bắc, không những vậy mô hình kinh tế này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân của địa phương. Giúp phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Một mô hình hay và sáng tạo, giúp thoát nghèo bền vững”, bà Hà cho hay.

Sản phẩm chè dây của thầy Tú đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng tổ chức. Dự kiến trong năm 2024, sản phẩm sẽ được chọn đi thi cấp Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đơn vị cung cấp Công Nghệ Thiên Nhiên Từ Trà Việt uy tínĐơn vị cung cấp Đẳng Cấp Đích Thực Với Trà Việt uy tín