Khởi nghiệp từ nghề may đến Giáo sư trường đại học danh tiếng

GD&TĐ - Mặc dù gần 70 tuổi, mái tóc đã hai màu nhưng GS.TS Trần Minh Tú vẫn miệt mài nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên đặc biệt là những em 'cá biệt'.

GS.TS Trần Minh Tú, giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ảnh NVCC.
GS.TS Trần Minh Tú, giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Ảnh NVCC.

Bươn chải từ nhiều nghề

Trong một ngày cuối thu, chúng tôi gặp GS.TS Trần Minh Tú, giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đang cặm cụi ngồi viết các bài báo khoa học phục vụ cho đề tài nghiên cứu của nhóm.

GS.TS Trần Minh Tú quê gốc ở Hà Tĩnh, lớn lên tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1979, ông thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nay là ĐH Bách khoa Hà Nội) và là một trong số những tân sinh viên có điểm cao năm đó được nhà nước cử đi học nước ngoài (Tiệp Khắc cũ, nay là Cộng hoà Slovakia).

Năm 1987, tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, chàng thanh niên quê xứ Nghệ trở về nước. Tuy nhiên, lúc đó kinh tế đất nước khó khăn cơ hội việc làm rất hạn hẹp. Ông cùng vợ là bạn học cùng trường Đại học kỹ thuật Bratislava, về quê vợ ở thành phố Hải Phòng “tạm cất” tấm bằng đại học loại Ưu làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh.

GS.TS Trần Minh Tú chia sẻ: “Khi tích được một ít vốn, tôi cùng vợ mở tiệm may. Thời gian đầu, hai vợ chồng chỉ cắt, may cho khách hàng lẻ, sau đó nhận làm gia công. Đến khi có thêm kinh nghiệm, vợ chồng lại mở lớp dạy nghề may. Những năm đó, nghề thêu cũng rất phát triển, tôi đã vào Huế học thêu ba tháng, để rồi về mở thêm lớp dạy thêu”.

Chính cơ duyên nghề may, thêu, năm 1992, vị khách hàng thân thiết hỏi chuyện và biết ông từng đi du học nước ngoài, sở hữu tấm bằng đỏ đã giới thiệu cho ông cơ hội việc làm ở Trường ĐH Hàng Hải. Theo đó, với tấm bằng xuất sắc cộng thêm sự thông minh, chịu khó ông được phỏng vấn và mời vào làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Nguyên lý-Chi tiết máy, khoa Cơ khí, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam.

GS.TS Trần Minh Tú (thứ ba, phải sang) cùng đồng nghiệp. Ảnh NVCC.
GS.TS Trần Minh Tú (thứ ba, phải sang) cùng đồng nghiệp. Ảnh NVCC.

“Cơ duyên gắn bó với nghề giáo bắt đầu từ đây”, GS.TS Trần Minh Tú chia sẻ và nói thêm: "Lúc mới về nước, tôi cũng tìm cách xin vào chỗ này chỗ nọ không được nhưng trong lòng vẫn nung nấu tìm cơ hội để được sử dụng những kiến thức của mình học, và được vào làm việc đúng với ngành nghề của mình".

Sau ba năm công tác ở Trường ĐH Hàng Hải, năm 1995, GS.TS Trần Minh Tú chuyển về Trường ĐH Xây dựng Hà Nội làm việc.

“Môi trường ở Trường ĐH Xây dựng Hà Nội rất thú vị, người học ngành xây dựng tính cách sôi nổi, hào sảng hợp với tính cách của mình. Bên cạnh đó, lúc đó mình còn trẻ, giữa sinh viên và thầy tuổi tác cũng gần nhau nên dễ hòa đồng. Trên lớp chúng tôi học rất nghiêm túc, nhưng rời giảng đường, chúng tôi là những người bạn, sẵn sàng chia sẻ với nhau những gì mình biết. Bản thân cũng đi lên từ khó khăn nên tôi càng trân quý những sinh viên đã chia sẻ hoàn cảnh với mình”, GS.TS Trần Minh Tú tâm sự.

“Sinh viên của những năm 1992 so với bây giờ có sự khác biệt rất lớn. Trước đây, chưa có những phần mềm tính toán kết cấu, những diễn đàn, trang web học tập như bây giờ, tất cả đồ án phải tính toán bằng bằng máy tính cầm tay, bản vẽ phải vẽ thủ công. Từ những năm 2000, công nghệ dần phát triển, các phần mềm hỗ trợ vẽ, tính toán hỗ trợ cho sinh viên rất nhiều tiết kiệm thời gian và công sức cho sinh viên dẫn đến nhiều em có tâm lý ỷ lại, không đi sâu nắm bắt những kiến thức cơ bản của môn học, của nghề, do đó mất đi một phần tính sáng tạo so với thời của chúng tôi”, GS.TS Trần Minh Tú chia sẻ.

Vị giáo sư “nông dân” của bao thế hệ sinh viên trường xây dựng

Nhắc đến GS Trần Minh Tú, nhiều sinh viên tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội sẽ nhớ biệt danh là “giáo sư nông dân” bởi vì mỗi giờ lên lớp, ông luôn cố gắng tạo môi trường thân thiện, cởi mở. Những sinh viên nào học hành chểnh mảng, ông thường mắng yêu là “ông nông dân này”.

“Những câu mắng đó để nhắc nhở các bạn cần phải chú tâm học tập, biết trân trọng khoảng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường nhằm tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân”, GS.TS Trần Minh Tú chia sẻ.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng đến nay, GS.TS Trần Minh Tú vẫn được phân công chủ nhiệm nhiều lớp sinh viên. Với vai trò GV chủ nhiệm, ông đặc biệt quan tâm, kèm cặp những sinh viên có kết quả học tập thấp.

GS.TS Trần Minh Tú kể: “Đối với những sinh viên đó, tôi luôn theo dõi sát sao kết quả học tập, thường liên lạc với gia đình để báo kết quả nhằm phối hợp với gia đình có những phương án hỗ, trợ kịp thời.

Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, khi con mình lên đại học sẽ phải tự lập mọi thứ, không còn sự quản lý sát sao của gia đình, thầy cô như ở phổ thông. Nhưng quan điểm của tôi ngược lại, ở bậc học này, trong những năm đầu tiên, cần phải có sự sát sao hơn để các em không bị những cám dỗ của xã hội tác động dẫn đến học hành sa sút, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Những sinh viên nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt của tôi, khi có sự cố gắng dù chỉ là một điểm nhỏ nhưng tôi luôn khích lệ, động viên để các em có tinh thần vươn lên”.

Hình ảnh gần gũi của GS.TS Trần Minh Tú khi rời bục giảng. Ảnh NVCC.

Hình ảnh gần gũi của GS.TS Trần Minh Tú khi rời bục giảng. Ảnh NVCC.

Cũng chính sự sát sao đó, nhiều sinh viên cá biệt những tưởng sẽ dang dở việc học dưới sự dìu dắt của GS.TS Trần Minh Tú đã thành công, trở thành những kỹ sư, nhà quản lý giỏi.

GS.TS Trần Minh Tú tâm sự: “Hiện tại, tôi đang "bật chế độ" chăm sóc đặc biệt đối với một sinh viên năm hai. Bạn này sau khi đỗ đại học “xả hơi” bằng cách chơi game nhiều quá dẫn đến nghiện và lệch đồng hồ sinh học. Ngủ ngày, đêm thức trắng để “cày” game. Sau một thời gian dài bị trầm cảm, mất kiểm soát bản thân và không còn hứng thú học tập. Vì vậy, để hỗ trợ bạn ấy, tôi đã nhờ bác sĩ tâm lý là bạn của tôi, đến gặp sinh viên chuyện trò và tư vấn. Hiện tại, bạn ấy đã đồng ý sẽ thay đổi lối sống, thay đổi đồng hồ sinh học của bản thân để có thể lên lớp nghe giảng lại trong học kỳ tới”.

Để theo dõi sự tiến bộ của sinh viên, ông còn gọi điện bằng video để hỏi han, kiểm tra xem sinh viên của mình đã dậy chưa, có tập thể dục không. Các cung giờ trưa tối, có phụ giúp bố mẹ nấu ăn không, làm việc nhà không?

“Đến nay đã được hai tuần, bạn ấy đã đi ngủ đúng giờ, biết chia sẻ, hỗ trợ bố mẹ làm việc nhà. Tôi hi vọng ra Tết, học kỳ mới bạn ấy sẽ ổn định và quay trở lại trường học và hoàn thành được chương trình học mình và tốt nghiệp”, GS.TS Trần Minh Tú cho biết.

Với quan điểm giáo dục “gần gũi, chân thành, cởi mở”, hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, ông đã tạo được lòng tin, cũng như tấm gương cho bao thế hệ sinh viên.

Năm 1996, GS.TS Trần Minh Tú làm việc tại Trường ĐH xây dựng Hà Nội; năm 2001 bảo vệ luận văn thạc sĩ, 2007 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; năm 2010 đạt danh hiệu Phó giáo sư, năm 2019 nhận hàm Giáo sư.

Hiện GS.TS Trần Minh Tú đã xuất bản trên 150 bài báo khoa học, trong đó có trên 30 bài báo quốc tế uy tín. Hiện là một trong những giảng viên có chỉ số H-index cao nhất Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, là trưởng Nhóm Nghiên cứu mạnh: Cơ học vật liệu và Kết cấu tiên tiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kho tàng đơn xin việc mẫu chuyên nghiệp