Khởi nghiệp từ nông nghiệp xanh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không chỉ nuôi khát vọng làm giàu và góp phần phát triển quê hương mà nhiều thanh niên đã nghiên cứu và đưa ra những dự án khởi nghiệp xanh...

Chị Lăng Thị Thơ giới thiệu sản phẩm của mình với du khách quốc tế. Ảnh: NVCC
Chị Lăng Thị Thơ giới thiệu sản phẩm của mình với du khách quốc tế. Ảnh: NVCC

Qua đó giúp phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tận dụng lợi thế nông sản vùng miền…

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên, Lăng Thị Thơ về quê hương công tác. Tại xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn có nhiều cây dược liệu cũng như cây gia vị có thể hỗ trợ vào chế biến thực phẩm. Vì vậy, chị Thơ đã lên ý tưởng dùng quả mác mật làm gia vị chủ đạo cho quá trình chế biến sản phẩm heo dẻo mác mật.

Chị Thơ chia sẻ: “Khi đi học đại học, tôi đã ấp ủ cho mình dự định sau này trở về sẽ phát triển các sản phẩm nông sản từ quê hương, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi tháng 4/2023, tôi bắt tay thử nghiệm chế biến heo dẻo mác mật. Qua nhiều lần thử nghiệm, thất bại không nản, đến cuối tháng 7/2023, tôi có sản phẩm đầu tiên chào hàng”.

Với lợi thế là xã vùng núi, người dân chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi, vì vậy quá trình lựa chọn thực phẩm chế biến heo dẻo mác mật của chị Thơ khá thuận lợi. Chị Thơ cho biết: “Thịt lợn tôi mua từ người dân trong xã, do đó quá trình lựa chọn tôi đã biết rõ được nguồn gốc thực phẩm. Mác mật được trồng rất phổ biến ở địa phương tôi sống. Tuy nhiên, để giữ được hương vị của mác mật khi tẩm ướp với thịt, tôi sẽ ưu tiên sản xuất sản phẩm cao điểm vào mùa mác mật chín”.

Cũng như chị Thơ, chị Cà Thị Bày, sinh năm 1989 ở xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã phải bỏ công sức và thời gian suốt 7 năm trời để tìm tòi, nghiên cứu sản phẩm dược liệu men lá phục vụ nấu rượu thay vì sử dụng các loại men công nghiệp không rõ nguồn gốc.

Chị Bày cho biết: “Ở quê tôi có đặc sản rượu ngô, rượu thuốc… Mặc dù nguyên liệu gạo hay ngô được người dân trồng đảm bảo an toàn nhưng loại men để ủ cơm rượu thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, như vậy sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Sau nhiều năm ấp ủ, tôi muốn nghiên cứu để làm ra một loại men xuất phát từ chính những dược liệu có tại quê hương. Vì vậy, tôi đã không ngại bỏ công sức, thời gian đi vào rừng sâu tìm lá, tìm đến những gia đình có truyền thống làm men để hỏi kinh nghiệm”.

7 năm ròng miệt mài, chị Bày đã đưa ra sản phẩm dược liệu men lá nấu rượu thay thế các loại men không rõ nguồn gốc lâu nay. “Trong quá trình 7 năm nghiên cứu dược liệu men lá, tôi đã rút ra cho mình kinh nghiệm muốn làm ra sản phẩm gì thì cũng phải chủ động về nguyên liệu chế biến. Vì thế, sau thời gian đầu phụ thuộc vào những loại dược liệu phải vào rừng sâu mới có, tôi đã chủ động ươm trồng các dược liệu dễ sống tại vườn nhà mình”, chị Bày cho biết.

Năm 2020, Trung tâm Kiểm định chất lượng tỉnh Bắc Kạn đã kiểm định sản phẩm men lá của chị Bày và cấp giấy kiểm định an toàn để bán ra thị trường. Hiện tại, dược liệu men lá của chị Bày đã được bán đến các thị trường như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… Xưởng làm dược liệu men lá của gia đình chị Bày đã tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân là người dân trong xã. Giai đoạn cao điểm trong dịp Tết, chị phải thuê thêm 5 công nhân làm thời vụ.

Từ những kinh nghiệm mà bản thân đã trải nghiệm, chị Bày cho rằng quá trình khởi nghiệp từ các sản phẩm nông nghiệp thuận lợi nhất là có nguồn nguyên liệu dồi dào, thu mua trực tiếp với người sản xuất, kiểm soát được chất lượng, quy trình sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn để mua máy móc, tiếp thị, mở rộng thị trường.

Tương tự, chị Lăng Thị Thơ cho biết, một khó khăn mà nhiều người khởi nghiệp đau đầu chính là thủ tục hành chính kiểm định sản phẩm mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện và được cấp phép.

Chị Lăng Thị Thơ (thứ ba trái sang) và chị Cà Thị Bày (thứ 2 từ trái sang) nhận giải tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023. Ảnh NVCC.

Chị Lăng Thị Thơ (thứ ba trái sang) và chị Cà Thị Bày (thứ 2 từ trái sang) nhận giải tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023. Ảnh NVCC.

Giá trị của khởi nghiệp từ nông nghiệp xanh

Không chỉ tận dụng chủ động về nguồn nguyên liệu trong sản xuất, nâng cao giá thành sản phẩm mà những ý tưởng khởi nghiệp xanh giúp cho người nông dân ổn định đầu ra sản phẩm, yên tâm để sản xuất.

Theo chị Bày, việc tận dụng các nông sản để chế biến sản phẩm thay vì xuất khẩu thô giúp người dân chủ động được quy trình sản xuất, không bị phụ thuộc ở thị trường nhập khẩu quá lớn. Ví dụ: Có những thời điểm nông sản của chúng ta như dưa hấu, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ngừng, ùn tắc tại cửa khẩu, dẫn đến hệ lụy rất nhiều đơn vị tổ chức phải đứng ra kêu gọi người dân tiêu thụ giúp để giải cứu…

“Do đó, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững là biến những nông sản thô thành các sản phẩm tinh đã qua chế biến, đạt giá trị thành phẩm cao. Đó là niềm mơ ước của tôi cũng như nhiều người dân hiện nay”, chị Bày thổ lộ.

Còn theo chị Lăng Thị Thơ, hiện nay, “khách hàng rất chú trọng đến các sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe. Vì vậy, nông nghiệp sạch là hướng đi mà những người khởi nghiệp từ nông sản chúng tôi luôn mong muốn hướng tới để có những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy, đối với những dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp, các chủ ý tưởng đều mong muốn sẽ được tạo điều kiện về nguồn vốn vay, giản tiện các thủ tục hành chính. Như vậy, người khởi nghiệp sẽ có thêm động lực phát triển”, chị Thơ bày tỏ mong muốn.

Tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023, có 178 dự án gửi dự thi, trong đó có 37 dự án lọt vào chung kết. Theo đó, hai dự án heo dẻo mác mật của tác giả Lăng Thị Thơ (Lạng Sơn) và dược liệu men lá của tác giả Cà Thị Bày (Bắc Kạn) đã giành giải Khuyến khích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ