Vượt 'vùng an toàn' để khởi nghiệp

GD&TĐ - Sau tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã bám trụ ở lại thành phố để làm việc, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Chị Nguyễn Hải Yến (thứ ba bên trái sang) cùng bà con thu hoạch chè. Ảnh NVCC.
Chị Nguyễn Hải Yến (thứ ba bên trái sang) cùng bà con thu hoạch chè. Ảnh NVCC.

Sau những trải nghiệm hữu ích, như trái cây đã đủ độ chín, họ quyết định rời khỏi “vùng an toàn”, trở về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Lựa chọn “bỏ phố về làng”

Trước đại dịch Covid-19, vợ chồng chị Nguyễn Hải Yến (Thái Nguyên) sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Sau khi về thăm nhà và mắc kẹt một tháng ở quê không thể trở lại Hà Nội do dịch bệnh, chị Yến và chồng phải chuyển sang chế độ làm việc online. Cũng chính thời gian này, hai vợ chồng chị đã hỗ trợ gia đình cũng như bà con ở địa phương xây dựng các video giới thiệu sản phẩm trà xanh trên nền tảng các mạng xã hội cũng như sàn thương mại điện tử.

Dần dần bị cuốn hút với cuộc sống bình dị ở quê nhà, chị Yến và chồng đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp, phát triển thương hiệu trà xanh của quê hương.

Chị Hải Yến chia sẻ: “Ngày quyết định chọn bỏ phố về quê, nhiều người đưa ra lời khuyên không nên nhưng hai vợ chồng tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình và bắt đầu nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ trà xanh”.

Với lợi thế đã tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ban đầu để khách hàng biết đến sản phẩm của mình, chị Yến đã xây dựng các video ngắn giới thiệu nông sản cũng như bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. “Nhờ vậy mà tôi khai thác được những lợi thế của việc kinh doanh, tiếp thị sản phẩm online so với cách bán hàng truyền thống từ trước tới nay”, chị Yến nói.

Theo chị Yến, khó khăn lớn nhất của những người trẻ bỏ phố về làng khởi nghiệp chính là thiếu nguồn vốn và kinh nghiệm thực tiễn. Hiểu được điều cốt lõi này, mỗi ngày chị luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Chị Yến nhớ lại: “Hồi đầu làm matcha vợ chồng mình đã phải thức trắng bao nhiêu đêm và cũng đã phải bỏ đi không biết bao nhiêu mẻ trà vì thử nghiệm không thành công. Sau một thời gian dài, “cân đong đo đếm” rút kinh nghiệm từng yếu tố sản phẩm cũng thành công, những đơn hàng đầu tiên được bán trên các nền tảng mạng xã hội được khách hàng chào đón khiến chúng tôi hạnh phúc không nói nên lời”.

Được biết, ngoài sản phẩm chính là matcha chiết xuất từ trà xanh, chị Yến còn nghiên cứu thêm các sản phẩm khác cũng chế biến từ trà xanh như bột trà xanh, kẹo lạc trà xanh…

Từ những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, chị Yến cho rằng với người khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển thương hiệu từ nông sản quê hương, việc đầu tiên các bạn cần chuẩn bị chính là dám nghĩ dám làm, dám đối diện với thất bại. Nếu để nỗi sợ thất bại lấn át thì không bao giờ bạn có thể vượt qua được vùng an toàn của bản thân để bứt phá.

Bên cạnh đó, hiện nay việc ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến, bạn cũng nên học cách “kể chuyện bằng hình ảnh” sẽ tạo được sự cuốn hút, có thêm nhiều kênh tiếp thị sản phẩm rất hữu ích cho việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, mọi người có thể giới thiệu cho khách hàng biết đến, tin tưởng và ủng hộ sản phẩm của mình.

Anh Đoàn Ngọc Bảo, chủ mô hình kinh tế cam Bảo Phương (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Anh Đoàn Ngọc Bảo, chủ mô hình kinh tế cam Bảo Phương (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Rời vùng an toàn để khởi nghiệp

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, anh Đoàn Ngọc Bảo, sinh năm 1990 - chủ mô hình kinh tế cam Bảo Phương (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đến nhận công tác tại Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, sau bốn năm anh quyết định xin nghỉ việc trở về quê khởi nghiệp.

Trước đó, khi đang công tác ở Đắk Nông, những lúc rảnh rỗi anh thường dành thời gian để nghiên cứu hướng đi cho ý tưởng khởi nghiệp của mình, đặc biệt tìm hiểu xem các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Vũ Quang phù hợp với cây gì? Từ đó, anh nghiên cứu đặc tính của giống cây đó cũng như giá trị kinh tế mang lại để rút ngắn thời gian trong quá trình triển khai.

Khi đã đủ độ chín, anh Bảo quyết định lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình trồng cam theo hướng sinh thái hữu cơ. Anh cũng là người tiên phong đầu tiên ở huyện trồng cây ăn quả theo hướng này.

Anh Bảo chia sẻ: “Năm 2014, tôi bắt đầu bắt tay vào làm, lúc đó trong tay ngoài những kiến thức học được ở trường, cộng thêm 4 năm tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu khi làm việc tại Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông là có sẵn, còn lại tôi thiếu đủ bề, nhất là nguồn vốn và quỹ đất sản xuất. Bởi quỹ sản xuất lúc này đã được địa phương giao cho Công ty cao su Hương Khê, vì vậy hầu như thanh niên bản địa còn rất ít đất sản xuất.

Tuy nhiên, tôi đã dồn hết số tiền mình có, vay ngân hàng, anh em, các tổ chức để triển khai mô hình khởi nghiệp của mình. Trời không phụ người, ba năm sau lứa cam đầu tiên cho thu hoạch, tôi lại dùng số vốn đó để phát triển mô hình khởi nghiệp của mình”.

5 năm miệt mài theo đuổi và hoàn thiện mô hình khởi nghiệp trồng cam sinh thái hữu cơ của anh Bảo đã nhìn thấy thành quả. Năm 2019, trang trại cam của anh Bảo được tỉnh Hà Tĩnh chọn làm mô hình kinh tế điểm thực hiện đề án OCOP. Đến năm 2020, để mở rộng mô hình phát triển anh được tiếp tục vay vốn từ Quỹ quốc gia thông qua kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Cũng trong năm đó, với mô hình phát triển cam sinh thái, chàng trai sinh năm 1990 đã được vinh danh là gương thanh niên tiêu biểu năm 2020. Từ kinh nghiệm của mình, anh Bảo chia sẻ: “Hiện nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, thanh niên cần phải vận dụng những ưu thế của công nghệ, ứng dụng vào đổi mới phương thức sản xuất, giới thiệu cũng như quảng bá các sản phẩm của mình. Bạn có thể thông qua truyên thông, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội nhằm nâng cao giá trị sản phẩm góp phần quảng bá đặc sản vùng miền, văn hóa bản địa và con người quê hương mình”.

“Khi muốn khởi nghiệp, hành trang đầu tiên các bạn cần chuẩn bị là học hành bài bản, tích lũy kiến thức và kỹ năng. Khi đủ độ chín hãy lập cho mình một kế hoạch cụ thể, vạch ra từng bước đi rõ ràng để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra trong quá trình khởi nghiệp”, anh Đoàn Ngọc Bảo, chủ mô hình kinh tế cam Bảo Phương (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.