Thầy giáo của dân bản

GD&TĐ - Hai trận lũ liên tiếp cuối tháng 7 đầu tháng 8/2018 là trận lũ lịch sử chưa bao giờ có, để lại hậu quả nặng nề tại huyện Văn Chấn (Yên Bái). Theo lời kể của các thầy cô giáo ở Trường PTDTBT Tiểu học An Lương, vì lo cho trường học, lũ chưa rút, các thầy đã vào thăm trường, nhưng dọc đường phải dừng lại vì đường đã bị sạt lở, không đi được nữa. 

Thầy Nguyễn Quang Diện với con đường vào trường còn gập gềnh đá sau lũ
Thầy Nguyễn Quang Diện với con đường vào trường còn gập gềnh đá sau lũ

Câu chuyện gùi thực phẩm về trường để nấu ăn cho học sinh, chuyện thầy hiệu trưởng cho cáng giáo viên bị sảy thai từ trường vượt gần 20 km đến bệnh viện được người dân ở An Lương ca ngợi như những câu chuyện cổ tích về tình thầy trò, đồng nghiệp giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Vận động hỗ trợ phụ huynh và dân bản

Thầy Nguyễn Quang Diện – Hiệu trưởng kể lại: Mất khoảng 1 tuần sau lũ, các thầy mới đi bộ vượt 17 km vào được trường. Cảnh vật tan hoang của vùng lũ để lại khiến các thầy cô không khỏi xót xa. Người dân trong vùng bị thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu.

Công tác đầu tiên thầy Diện tiến hành là rà soát cơ sở vật chất trường học xem có thiệt hại gì để khắc phục, chuẩn bị cho năm học mới. Do ở trên gò cao, chỉ có 4 km đường nước của trường là bị hỏng nặng, phải sửa chữa.

Thầy Nguyễn Quang Diện chăm sóc bữa ăn bán trú cho học sinh
Thầy Nguyễn Quang Diện chăm sóc bữa ăn bán trú cho học sinh 

Không chỉ lo sửa chữa trường lớp, chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh tựu trường, thầy Nguyễn Quang Diện đã họp bàn với tập thể sư phạm, quyên góp, giúp đỡ những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, nhà trường đã cử giáo viên tỏa đi thăm hỏi các hộ dân bản bị mất nhà cửa; đồng thời cũng nắm thông tin học sinh của mình ở các bản có nhà bị ảnh hưởng do mưa lũ.

Đến khi nắm bắt thông tin khá đầy đủ những thôn bản có học sinh của mình cư trú, người thầy giáo này mới thở phào nhẹ nhõm vì không có học sinh nào bị nguy hiểm đến tính mạng, hay bị thương trong lũ dữ. Nhưng nhiều nhà bị lũ cuốn trôi, có gia đình không còn gì để ăn.

Sau khi việc trường được sắp đặt tạm ổn, thầy Nguyễn Quang Diện đã huy động giáo viên đến những hộ gặp khó khăn nhất, giúp đỡ phụ huynh học sinh dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa để ổn định cuộc sống, mong sớm đưa các em đến trường trong năm học mới.

Khai sinh cho học trò đi học

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học An Lương tự học trước khi đi ngủ
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học An Lương tự học trước khi đi ngủ 

Mưa lũ diễn ra trước thềm năm học, cùng với một việc làm thường niên tại thời điểm này là nhà trường phải làm công tác vận động học sinh ra lớp. Những năm trước đây, công tác này rất khó khăn, nhất là đối với các bản vùng sâu, vùng xa. Phụ huynh đa phần là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số nên vận động để dân bản đưa con em đến lớp rất.. vất vả.

Thầy Diện nói: Có trường hợp cá biệt, vận động dân bản đưa trẻ đến trường rồi nhưng khi các thầy, cô làm thủ tục, hồ sơ nhập trường mới biết các em chưa được cha, mẹ làm giấy khai sinh. Thế là các thầy cô phải phối hợp với cán bộ tư pháp xã làm giấy tờ khai sinh cho trẻ. Nhiều trẻ quá tuổi đi học lớp 1 nhưng vẫn phải vận động bố mẹ đưa xuống trường để trẻ không mù chữ.

Những trường hợp khó khăn trong vận động gia đình đưa trẻ đến trường, thầy, cô giáo phải phối hợp với bí thư chi bộ, công an viên, hội phụ nữ để thuyết phục dân bản cho trẻ đi học. Bình thường khó khăn là vậy, nay lại nhiều bản thiệt hại nặng do lũ nên các thầy, cô phải vất vả hơn.

Nhiều gia đình cho rằng cái ăn quan trọng hơn cái chữ. Lũ cuốn trôi hết cả nhà cửa, ruộng đồng, lo cái ăn còn không có, học chữ làm gì? Nhưng bằng tấm lòng tận tâm, hết lòng vì cái chữ cho đồng bào, thầy cô giáo ở Trường PTDTBT Tiểu học An Lương năm nào cũng vận động 100% học sinh ra lớp.

Băng rừng gùi thực phẩm nuôi học sinh

Một tiết học Tiếng Việt lớp 5 của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học An Lương
Một tiết học Tiếng Việt lớp 5 của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học An Lương 

Mưa lũ xảy ra đúng vào thời điểm vận động học sinh đến lớp, đường giao thông chia cắt xe vận chuyển thực phẩm không vào được xã nhưng phải có cái ăn cho trẻ tại trường. Thầy Diện quyết định phối hợp cùng với người dân trong xã đi gùi lương thực, gùi hàng khô, mắm, muối, dầu ăn…

“Phải mất vài ngày đi gùi lương thực về trường. Quãng đường gùi hơn 17 km đến chỗ đường hỏng, xe không thể đi tiếp được trường. Đến thời điểm trẻ tựu trường đầy đủ, các thầy, cô giáo của trường đã gùi được hơn 2 tấn lương thực, thực phẩm về trường để nấu ăn cho trẻ” – thầy hiệu trưởng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Quang Diện được điều về công tác tại trường năm 2015; khi ấy trường còn khó khăn lắm, mới thành lập trường PTDTBT được 3 năm (từ 2012) nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống bán trú của trẻ hầu như không có gì. Vấn đề đặt ra đầu tiên với thầy hiệu trưởng là củng cố khối đoàn kết trong tập thể sư phạm; rồi vận động thầy, cô giáo, người dân từng bước xây dựng những hạng mục thiết yếu phục vụ cho đời sống bán trú của học sinh.

Qua từng năm, trường đã xây dựng được 314 mét vuông bể tắm trong khu bán trú để học sinh tắm, giặt; 90 mét vuông nhà ăn cũng được nhà trường xây dựng cùng với 2 khu rửa tay, 2 khu nhà vệ sinh nam, nữ riêng biệt.

Đáng kể nhất là hơn 1.000 mét vuông sân trường, thầy Diện còn nhớ ngày toàn trường huy động dân bản góp sức đổ bê tông sân trường, dân đến giúp nhà trường đông như hội.

Có ngày hàng trăm người dân đến góp công xây dựng. Nhà trường đã xây dựng khu chăn nuôi lợn với hai ô để liên tục nuôi gối đàn lợn. Chính nguồn thực phẩm này đã đảm bảo học sinh không bị đói trong những ngày sau lũ.

Khi được hỏi bí quyết để lãnh đạo một tập thể sư phạm trường vùng khó đoàn kết, chỉ trong ba năm mà trường thay đổi như vậy, thầy Nguyễn Quang Diện chia sẻ: “Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản như thế này: Muốn giáo viên yêu nghề, gắn bó với trường, lớp, trước hết tập thể sư phạm phải quan tâm đến đời sống của từng giáo viên để có khó khăn gì trong cuộc sống, được nhà trường giúp đỡ kịp thời. Khi ấy giáo viên mới ổn định đời sống, yên tâm công tác, cống hiến cho tập thể sư phạm nhà trường”.

 Những đóng góp, xây dựng trường vùng khó của thầy Nguyễn Quang Diện đã được hội đồng thi đua khen thưởng các cấp tỉnh Yên Bái ghi nhận; Hai năm liền thầy được tôn vinh danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen trong năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.