Những thầy giáo cõng 2 tấn lương thực vượt núi và nỗi đau xé lòng của cô giáo mất con

Thật khó có thể tưởng tượng những người thầy chỉ quen đứng trên bục giảng lại có thể cõng tới 2 tấn lương thực vượt đèo cao, suối sâu để học sinh của mình kịp bắt đầu năm học mới. Với chính những người thầy này, con số 2 tấn và 17km đường đèo suối cũng nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. 

 Những thầy giáo cõng 2 tấn lương thực vượt núi và nỗi đau xé lòng của cô giáo mất con

Thế nhưng điều không tưởng ấy đã trở thành sự thật - một sự thật được kết từ trái tim của những người thầy, từ những giọt mồ hôi trĩu nặng không kịp lau, những gương mặt lấm lem bùn đất và những bước chân hằn sâu trên từng đoạn đường.

Họ là những thầy giáo của trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái - nơi vật lộn với trận lũ kinh hoàng tháng 8/2017.

Hành trình vận chuyển 2 TẤN lương thực bằng SỨC NGƯỜI vượt qua 17KM đường đèo suối

Chuyện những thầy giáo cõng 2 tấn lương thực vượt núi và nỗi đau của cô giáo mất con - Ảnh 3.
Chuyện những thầy giáo cõng 2 tấn lương thực vượt núi và nỗi đau của cô giáo mất con - Ảnh 3. 

4 tháng sau trận lũ lịch sử càn quét qua An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, sự bình yên, những nụ cười trẻ thơ đã trở lại mảnh đất này. Nhưng những gì mà thầy cô trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương trải qua vẫn là nỗi lo sợ, là kỷ niệm buồn mỗi khi nhớ lại.

"Chỉ còn vài ngày nữa thôi, các em học sinh đến trường thì sẽ ăn bằng gì?”. 

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Diện

Sau trận lũ tháng 8/2017, cả một thôn bản bị quét sạch. Mọi ngả đường vào An Lương bị cơn lũ cuồng nộ phá tan. Đó cũng là lúc các thầy cô giáo trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương phải trở lại trường để chuẩn bị cho năm học mới.

"Đến trường, tôi đặt ra câu hỏi với chính mình và với các đồng nghiệp rằng chỉ còn vài ngày nữa thôi, học sinh đến trường thì sẽ ăn bằng gì?" – đó là câu hỏi thôi thúc thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Diện huy động các thầy giáo vận chuyển lương thực để các em học sinh kịp bắt đầu năm học mới.

Không thể vận chuyển bằng xe máy nhưng với suy nghĩ "người dân gùi được thì mình cũng gùi được", 12 thầy giáo hăng hái bắt tay vào cõng từng bao lương thực vượt qua 17km trèo đèo, lội suối, nhiều đoạn trơn trượt nguy hiểm.

"Sạt lở rất nhiều. Nhiều chỗ không còn đường nữa, muốn đi qua phải trèo qua hòn đá rất to. Nhiều chỗ lại sụt lún thành những vực sâu" - thầy Diện nhớ lại cung đường gian in đậm dấu chân mỗi người thầy.

 
 
 

Mỗi bao tải nặng trung bình 30kg đè nặng lên đôi vai suốt 17km đường đèo suối đã khiến nhiều thầy yếu sức dần và phải dừng lại. Nhưng gần 10 ngày, các thầy đã gùi được tổng cộng gần 2 tấn lương thực gồm cá khô, lạc, đỗ, mắm muối, dầu ăn, mì tôm, gạo nếp nấu cháo cho các em … về đến trường để đảm bảo đón khai giảng bình thường và duy trì hoạt động của nhà trường.

Đến giờ khi xem lại những hình ảnh đó, bản thân thầy Diện vẫn thấy sợ nhưng khi ấy không còn lựa chọn nào khác. Dù trong lúc vượt qua nhiều đoạn đường đầy khó khăn nhưng các thầy luôn vui vẻ, động viên nhau để bước chân bớt nặng, con đường trở nên ngắn hơn…

Nỗi đau xé lòng của cô giáo mất đi sinh linh bé nhỏ trong bụng

Sau khi trận lũ kinh hoàng đi qua, nhiều bà con dân bản ở An Lương không còn nhà. Lo lắng không biết tình hình học sinh như thế nào nên các thầy cô trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương đã chia nhau đi thăm hỏi, động viên các gia đình và các em học sinh.

Trong những giáo viên đi vào các thôn bản đó có cô giáo Đinh Lệ Chung (Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học An Lương) - khi ấy cô mang thai được hơn 4 tháng. Hành trình đi bộ cả một ngày từ 7h sáng đến 5h chiều vào đến trường, rồi lại cùng các thầy cô đi đến thôn bản đã khiến cô Chung có dấu hiệu bị động thai.

Các thầy giáo đồng nghiệp đã ngay lập tức thay nhau khiêng cáng đưa cô Chung hơn 10 cây số đường đèo núi để ra đến nơi có thể kiểm tra sức khỏe.

"Khi tôi nằm trên cáng, nhìn những gương mặt dù đã mặt mệt mỏi của đồng nghiệp nhưng vẫn tranh nhau khiêng cáng làm nước mắt tôi cứ tràn ra. Dù những gương mặt thấm đẫm mồ hôi, không giấu được sự lo lắng nhưng trên đường đi, mọi người vẫn động viên tôi "không sao đâu, đừng lo lắng" - cô Chung nhớ lại.

Hình ảnh được dựng lại trong phóng sự ở chương trình "Thay lời tri ân năm 2018: Cống hiến".
Hình ảnh được dựng lại trong phóng sự ở chương trình "Thay lời tri ân năm 2018: Cống hiến". 

Đó là kỷ niệm buồn của cô Chung cũng như các đồng nghiệp. Đến giờ khi nhắc lại, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Diện vẫn cảm thấy ân hận, tự trách mình tại sao ngày hôm đó không nhắc cô Chung ở lại trường? Tuy nhiên, bản thân cô giáo khi ấy cũng rất hăng hái tham gia vào hoạt động cùng các đồng nghiệp.

"Chung ơi, cố gắng lên em nhé. Chuyện gì qua đã qua rồi, cố gắng lên để tiếp tục sự nghiệp trồng người của chúng ta".


Cô giáo Hà Thị Huyền. 

"Một câu chuyện buồn nhưng cũng cho thấy sự hy sinh, cố gắng của cô Chung rất lớn đối với công việc của mình" - thầy Diện chia sẻ.

Sau khi sự việc xảy ra, gần như đêm nào cô giáo Chung cũng thức trắng. Nhưng trở về bên gia đình cùng với sự an ủi của người thân và đồng nghiệp, cô đã dần vơi đi nỗi đau, cố gắng mạnh mẽ trở lại với ngôi trường và với công việc thiêng liêng của mình.

Cô giáo Đinh Lệ Chung trở lại với công việc thiêng liêng của mình.
Cô giáo Đinh Lệ Chung trở lại với công việc thiêng liêng của mình. 

Những mất mát, những hy sinh của cô Chung hay nhiều thầy cô khác trên mọi miền đất nước là không thể đong đếm, nhưng họ đã vượt qua được nhờ những vòng tay ấm áp của các đồng nghiệp, nhờ tình yêu lớn.

Sóng gió đã qua đi, tiếng trống khai trường đã kịp vang lên ở trường PTDT bán trú An Lương để các em có thể bắt đầu một năm học mới trọn vẹn.

Đằng sau nụ cười hồn nhiên của các em trong ngày khai trường đó là những bước chân thanh xuân đầy mạnh mẽ của các thầy cô. Bước chân của họ đã in dấu nơi mảnh đất An Lương - bước chân của tuổi trẻ, của lòng nhiệt huyết và tình yêu với nghề giáo thiêng liêng của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.