Lần đầu đến trường, anh đã phải đi bộ 70km. Vợ chồng lấy nhau chưa bao giờ có nổi bữa cơm “tử tế”. Tiền dành dụm được có khi chỉ đủ để “rải đường” mỗi lần nghe tin vợ ốm, con đau.
Đi bộ 70km tới… trường
Năm 2004, cầm tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Điện Biên trên tay, Lường Văn Dũng mừng lắm. Đang độ “bẻ gãy sừng trâu”, chàng trai trẻ dân tộc Thái hăm hở nắn nót từng nét bút viết vào tờ đơn xin đi huyện Mường Nhé công tác.
Lúc đó, Dũng cũng có biết Mường Nhé là thế nào đâu. Anh chỉ biết đó là huyện vừa được chia tách và thành lập mới. Người ta bảo Mường Nhé còn khó khăn lắm, cho đi cũng chẳng ai muốn vào. Thế mà Dũng lại làm điều trái ngược.
Cầm quyết định phân công vào dạy ở điểm trường Tiểu học – Trung học cơ sở (TH-THCS) xã Sín Thầu trên tay, Lường Văn Dũng từ biệt bố mẹ, anh em rồi cứ thế ra đi.
“Lúc đó, huyện mới thành lập, chỉ đi xe đến trung tâm huyện lỵ ngày trước, đó là xã Chà Cang bây giờ. Từ Chà Cang, tôi thuê xe ôm đi thêm được chừng 70km đi sâu vào phía biên giới, họ lấy 600 nghìn tiền công. Hơn 70km còn lại thì chẳng có đường nên cứ men theo lối mòn mà đi bộ. Ba ngày sau mới đến được trung tâm xã Sín Thầu bây giờ. Nghĩ lại ngày xưa mà thấy vẫn còn sợ…”, thầy Dũng kể.
Lường Văn Dũng sinh năm 1981, quê ở bản Púng Tôm, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ. Thời sinh viên, anh quen biết, đem lòng yêu cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung (quê Thái Nguyên). Hai người cùng tuổi, yêu thương rồi rủ nhau “bỏ phố lên rừng”, trao thân gửi phận cho nhau sau khi anh nhận công tác được 1 năm.
Mang tiếng là về góp gạo thổi cơm chung, nhưng nào có được bữa cơm nào tử tế. Nói thế bởi thời đó lương giáo viên như thầy thuộc dạng cao cũng chỉ ở mức chưa quá 2 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi, mỗi một lượt trở về phải mất 3 ngày đi bộ từ điểm bản Tả Ko Khừ, xã Sín Thầu ra đến xã Mường Toong bây giờ. Từ Mường Toong lại thuê xe ôm mất 600 nghìn đi thêm 70km nữa mới đến chỗ có đường ô tô để bắt xe về nhà. Chiều quay trở lại trường cũng thế. Thành ra dành dụm bao nhiêu, có khi cũng chỉ đủ “rải đường”.
“Lần đầu đến chỗ dạy học, bố mẹ cho được 1,5 triệu đồng. Chuyến xe ôm mất 600 nghìn. Tôi còn 900 nghìn đồng cầm cự cho đến khi có lương. Lúc thiếu ăn, chúng tôi phải vay gạo nhà dân, mua đồ ăn chịu, xin rau bà con… Thế nên, mỗi năm chỉ về nhà được 1 lần, đó là Tết. Ngày hè tuy được nghỉ nhưng lại phải dạy xóa mù, không về được”, thầy Dũng tâm sự.
Mang tiếng là nghỉ Tết về nhà với vợ con, nhưng nào có được đủ đầy. Năm nào may mắn được nghỉ dài cũng chỉ được 2 – 3 ngày. Còn nghỉ ít có khi cũng chỉ về nhà ăn bữa cơm rồi đi bởi cả đi và về hơn 500km từ xã Sín Thầu đến thành phố Điện Biên Phủ nhanh cũng mất 6 ngày.
“Giai đoạn đầu mỗi năm được nghỉ 2, 3 ngày Tết thôi vì thời gian chủ yếu là đi đường hết rồi còn đâu”, thầy Dũng nói.
Những “viên gạch hồng” xây phên dậu
Năm 2004 khi Lường Văn Dũng bước chân vào công tác, cấp THCS thuộc Trường TH-THCS Sín Thầu chỉ có 3 lớp: 6, 7, 8. Lúc đó, em học cao nhất cũng chỉ đến lớp 8. Còn trước đó, gia đình nào có điều kiện thì gửi con ra ở nhờ nhà người quen để học các lớp cao hơn ngoài trung tâm huyện, hoặc sang huyện Mường Tè (nay thuộc tỉnh Lai Châu). Còn đa số người dân địa phương là “mù” chữ.
Xã Sín Thầu có 100% dân số là đồng bào Hà Nhì. Lường Văn Dũng là người Thái. Việc bất đồng ngôn ngữ khiến cho công việc thêm khó khăn.
“Bất đồng ngôn ngữ cũng là một vấn đề lớn. Vì thế, tôi học tiếng qua các anh chị đi trước, học hỏi nhờ anh chị hướng dẫn để mình hiểu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người dân địa phương. Như vậy mới vận động họ cho con em mình đến lớp”, thầy Dũng chia sẻ.
Năm tháng trôi đi, anh đem lòng yêu mảnh đất, con người Sín Thầu từ khi nào cũng chẳng biết. Cũng có không ít cơ hội để chuyển công tác về địa bàn gần nhà hơn, thuận lợi hơn, song anh chẳng đành lòng bước đi.
Năm 2007, chị Dung ở thành phố hạ sinh được cô “công chúa” Lường Thị Diễm Lê khỏe mạnh, xinh đẹp thì thầy Dũng vẫn biền biệt nơi phương xa. Nghe tin vợ vào viện sinh nở, anh nhớ cụ xưa có câu: “Người chửa cửa mả”. Giữa sự sống và cái chết mong manh ấy anh cũng chỉ biết cắn răng đợi tin. Nghĩ thương cho người vợ trẻ đau đớn “vượt cạn”, anh xin trường cho nghỉ ít ngày rồi hộc tốc trở về. Đến nhà thì Diễm Lê đã chào đời được vài hôm.
“Cũng thấy hơi tiếc nuối vì lúc đó vợ chịu đau một mình mà bản thân chẳng có mặt để động viên. Bậc làm cha, làm mẹ ai cũng vậy thôi, muốn đón đứa con đầu lòng từ phòng đẻ ra, nó thiêng liêng lắm chứ”, thầy Dũng ngậm ngùi.
Diễm Lê, rồi Thảo Nguyên cứ thế chào đời mà luôn vắng cha. Bao năm tháng qua, mỗi lúc “trái nắng trở trời”, con ốm, mẹ đau, ba mẹ con chị Dung cũng chỉ biết nương tựa vào nhau mà sống.
Cuộc sống nơi biên giới xa xôi kham khổ đủ đường, anh tự trang trải. Ở nhà, ba mẹ con hầu như chẳng dám trông chờ vào thu nhập của chồng.
“Nhiều lúc trên này khó khăn, thiếu thốn lắm. Mỗi khi hết tiền thì giáo viên như chúng tôi chỉ biết dựa vào bà con. Khi mua chịu cái này, lúc vay bơ gạo. Khi rảnh thì ra suối bắt cá để cải thiện. Nợ rồi đến khi có lương thì trả cho bà con. Ở đây chẳng có hàng quán, chỉ 2 hộ dân có ngựa, họ hay sang Trung Quốc mua hàng về bán. Mình dạy con họ học thì họ cũng tạo điều kiện cho thầy vay”, thầy Dũng kể lại.
Khó khăn, gian khổ, vợ chồng anh nếm trải đủ trong suốt gần 20 năm qua. Song điều khiến anh vui hơn cả là vẫn giữ được gia đình ấm êm, hai đứa con luôn chăm ngoan, học giỏi. Anh còn vui hơn là từ mảnh đất chưa học sinh nào có trình độ lớp 9 thì đến nay, mỗi năm có hàng trăm con em đồng bào Hà Nhì thi đỗ lớp 10, hàng chục em được học ở các trường đại học, cao đẳng uy tín trong cả nước. Mỗi ngày, chỉ cần nghĩ đến những nét mặt rạng ngời khi các em đến lớp là lòng thầy lại cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Nghĩ vậy, bởi công lao khi đặt những “viên gạch hồng” của các thế hệ nhà giáo nơi phên dậu xa xôi này đã được bù đắp thỏa đáng.