Trong thông báo hôm 26 tháng 6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các đơn vị thuộc cánh quân Đông đã kiểm soát Shevchenko, ngôi làng nhỏ có khoảng 1.200 người sinh sống trước chiến sự, nằm gần ngã ba địa giới hành chính giữa tỉnh Donetsk, Zaporizhzhia và Dnipropetrovsk.
Nhóm phân tích DeepState có liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine, hôm 29 tháng 6 thừa nhận lực lượng Nga đã kiểm soát gần như toàn bộ Shevchenko và đang tiếp tục tiến về phía tây. Truyền thông Ukraine sau đó đưa tin lực lượng Nga đã tiếp cận được mỏ lithium nằm ở phía đông ngôi làng.
Khu mỏ có diện tích khoảng 40 hecta nhưng các chuyên gia ngành địa chất nhận định đây là một trong những mỏ có giá trị nhất trong khu vực. Ước tính mỏ có khoảng 1,2 triệu tấn quặng với tỷ lệ lithium là hơn 1,5%, được đánh giá là một trong những mỏ lithium có trữ lượng lớn nhất Đông Âu.
Tờ Yahoo News cho rằng, việc Nga kiểm soát làng Shevchenko và mỏ lithium gần đó càng làm nổi lên những thách thức cốt lõi với thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine.
Cũng theo nguồn tin này, Nga đang kiểm soát khu vực tương đương 20% diện tích Ukraine trước năm 2014, trong đó có nhiều mỏ titan, mangan và các khoáng sản quan trọng.
Moskva cũng giành được hoặc phá hủy nhiều mỏ than lớn nhất trên lãnh thổ đối phương. Một số đơn vị Nga còn có thể áp sát các mỏ titan và nguyên liệu thô khác như uranium nếu duy trì đà tấn công hiện nay.
Hiện nay Ukraine còn hai mỏ lithium có thể khai thác là Dobra và Polokhivske nằm ở miền trung, cách xa tiền tuyến, trong khi mỏ Shevchenko và Kruta Balka có trữ lượng lớn, chất lượng quặng cao đã nằm trong vùng Nga kiểm soát.
Mykhailo Zhernov, giám đốc công ty Mỹ từng được cấp quyền khai thác lithium ở khu mỏ gần làng Shevchenko, nói: "Nếu quân đội Nga tiến xa hơn và giành thêm lãnh thổ, họ sẽ kiểm soát ngày càng nhiều mỏ khoáng sản, trong khi Ukraine càng có ít tài nguyên để Mỹ có thể khai thác. Đó là vấn đề đối với thỏa thuận này".
Lithium là kim loại có nhu cầu cao, do là thành phần chính trong pin của xe điện, cũng như được dùng trong nhiều ngành công nghiệp và công nghệ khác.
Giới chức Mỹ đã coi lithium là khoáng sản quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Donald Trump hướng tới khai thác trữ lượng lithium khổng lồ của Ukraine thông qua thỏa thuận khoáng sản được hai nước ký đầu tháng 5, nhằm cho phép Washington tiếp cận nguồn tài nguyên của Kiev.
Ukraine coi thỏa thuận khoáng sản là con đường đảm bảo hỗ trợ lâu dài từ Mỹ. Quan chức Ukraine nhiều lần muốn Mỹ tăng cường viện trợ quân sự, lập luận rằng Washington sẽ có lợi ích kinh tế khi giúp Kiev đẩy lùi đối phương và duy trì kiểm soát các nguồn dự trữ khoáng sản giá trị.
Tuy nhiên, Mỹ liên tục từ chối đưa các điều khoản ràng buộc viện trợ hoặc bảo đảm an ninh vào thỏa thuận. Giới chức Ukraine ước tính nước này sở hữu 5% lượng nguyên liệu thô quan trọng nhất thế giới, trong đó có lithium, titan, uranium và than chì.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ nhận xét Ukraine có 20 trong số 50 khoáng sản đóng vai trò quan trọng với quá trình phát triển kinh tế và quốc phòng của Mỹ.
Chính phủ Ukraine gần đây chấp thuận cho tư nhân đầu tư vào Dobra, mỏ lithium lớn do nhà nước sở hữu, động thái được cho là nhằm chứng minh cho giới chức Mỹ rằng thỏa thuận có thể mang lại kết quả.
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết mỏ lithium Dobra có thể trở thành dự án đầu tiên trong thỏa thuận với Mỹ.
Mặc dù vậy, thỏa thuận vẫn đối mặt nhiều rào cản, trong đó có thủ tục cấp phép phức tạp, quá trình khai thác tài nguyên rất tốn kém và khó đạt được tiến triển nếu xung đột tiếp diễn.
Nhiều chi tiết của thỏa thuận khoáng sản cũng chưa được thống nhất, do phụ thuộc vào diễn biến xung đột và nội dung của thỏa thuận hòa bình tiềm năng.
Cùng với đó, hạ tầng năng lượng Ukraine cần được sửa chữa và nâng cấp để bảo đảm nguồn điện khổng lồ cho hoạt động khai thác, trong khi vẫn có nguy cơ trở thành mục tiêu trong những cuộc tập kích dữ dội của Nga.