Thay đổi và kỳ vọng

GD&TĐ - Nửa chặng đường triển khai Chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, giáo dục phổ thông (GDPT) đã có những chuyển biến quan trọng.

Cô trò Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong giờ học Ngữ văn.
Cô trò Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trong giờ học Ngữ văn.

Trong đó bước chuyển rõ rệt thể hiện ở phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh (HS).

Thay đổi cách dạy, cách học

Từ triển khai thực tế, cô Nguyễn Thị Là, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), nhìn nhận những kết quả tích cực từ đổi mới GDPT. Điểm nhấn là Chương trình GDPT 2018 yêu cầu giáo viên (GV), HS chuyển từ cách dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học tổ chức các hoạt động cho HS tự tìm tòi nghiên cứu. Thay vì thầy đọc trò chép, HS tiếp thu kiến thức một chiều, thầy cô thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành trên lớp để trò tự tìm hiểu, trao đổi, khám phá kiến thức.

“GV sẽ không khống chế HS trong quá trình tìm hiểu, trao đổi, phát biểu; chấp nhận cả những phát biểu chưa đúng, chưa chính xác. Trên cơ sở đó, tiếp tục trao đổi, nhận xét và bổ sung cho HS. Học trò không bị gò ép theo hướng của GV mà tự do suy nghĩ, sáng tạo. GV chỉ là người “chốt chặn” cuối cùng để bảo đảm HS hiểu đúng, hiểu đủ về kiến thức.

Có thể nói, việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực giúp HS biết dùng kiến thức để giải quyết bài học, tự đánh giá được năng lực bản thân, biết trau dồi kỹ năng. Thậm chí HS có thể tự khám phá ra điều mới mẻ vượt qua điều thầy cô dạy. Đây là điểm mới được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu các em phải thay đổi cách học, cần chủ động hơn trong quá trình học, lĩnh hội kiến thức” - cô Nguyễn Thị Là chia sẻ.

“Chuyển biến rõ nét nhất ở HS học chương trình mới là nhiều em đã tự tin, mạnh dạn hơn khi tham gia hoạt động giáo dục; chủ động, tự giác hơn trong quá trình học. Nhiều em tích cực chia sẻ ý kiến cá nhân, chủ động hợp tác với bạn bè, thầy cô. Kết quả học tập của HS cơ bản đáp ứng mục tiêu chương trình lớp học, môn học. HS không chỉ ghi nhớ kiến thức, mà đã hiểu, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, do trong quá trình học tập được tham gia tìm hiểu, thực hành, khám phá, vận dụng kiến thức vào những tình huống cụ thể trong cuộc sống” - ông Trịnh Ngọc Hải cho hay.

Chia sẻ góc nhìn từ giáo dục vùng khó, ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT Than Uyên, Lai Châu, nhận định: Tại huyện Than Uyên, Chương trình GDPT 2018 được triển khai đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục. Đội ngũ nhà giáo cơ bản nắm được yêu cầu của chương trình.

Đa số nhà giáo đã tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS thông qua thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Lối dạy học truyền thụ kiến thức cơ bản được khắc phục. GV tổ chức hoạt động giúp HS chủ động lĩnh hội kiến thức, qua đó hình thành các năng lực chung, năng lực đặc thù của môn học. 100% HS chuẩn bị đủ SGK mới. Thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Trực tiếp giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, nhận thức rõ vai trò trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Nhận định vấn đề này đang được toàn ngành Giáo dục thực hiện một cách căn bản, toàn diện và đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, cô Hồng Lê cho rằng, chuyển biến có thể nhìn thấy rõ là sự linh hoạt, chủ động hơn từ thầy cô. GV từ vai trò trung tâm của lớp học trở thành người tổ chức, người dẫn dắt, người bạn, người góp ý...

Ngày càng có nhiều thầy cô với những giải pháp hay, hiệu quả. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ sở vật chất hiện đại, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của công nghệ thông tin (CNTT) trong lớp học. Tác động từ đổi mới phương pháp là HS được tự do hơn trong quá trình nắm bắt, làm chủ tri thức; được thỏa sức sáng tạo và thể hiện bản thân, từ đó phát huy phẩm chất, năng lực của riêng mình.

Học sinh Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).

Học sinh Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).

Chuyển biến trong đổi mới kiểm tra, đánh giá

Đổi mới kiểm tra đánh giá là phần không thể thiếu trong đổi mới giáo dục, đặc biệt khi thực hiện Chương trình GDPT mới. Nhấn mạnh điều này, cô Lê Thị Quyên, GV Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, nhìn nhận: Hoạt động kiểm tra, đánh giá có nhiều thay đổi. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng cải tiến, phù hợp hơn, tạo ra những tín hiệu lạc quan trong dạy - học.

Những tác động tích cực này được thể hiện thông qua thái độ, nhận thức của HS với kiểm tra đánh giá. Thay vì chỉ đánh giá tại một thời điểm, HS được đánh giá trong cả quá trình học tập. Các em bớt nặng nề, lo âu hơn với các bài kiểm tra như trước đây.

Bên cạnh đó, đổi mới kiểm tra đánh giá khi thực hiện chương trình mới còn giúp khai thác tối đa thế mạnh của HS, kích thích tư duy, tính tò mò, sự đua tranh lành mạnh, tạo môi trường học tập sôi nổi hơn. Đổi mới phương pháp dạy học đi cùng đổi mới kiểm tra đánh giá giúp GV, HS nhìn nhận được cả điểm mạnh, điểm yếu trong cả quá trình; từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy - học.

“Đổi mới kiểm tra, đánh giá tất nhiên sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho người dạy, người học. Vấn đề là có hiểu đúng về đổi mới và cách thức đổi mới hay không” - chia sẻ điều này, thầy Biện Văn Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), nhấn mạnh: Nếu đổi mới đúng định hướng đánh giá HS qua cách học, tư duy và sản phẩm học tập thì việc dạy phải thay đổi. Thay vì truyền thụ kiến thức, người dạy phải trang bị cho HS cách thức. Nghĩa là trang bị cách tư duy về môn học, cách học đối với môn học đó (theo yêu cầu cần đạt của chương trình).

Chia sẻ một ví dụ về đổi mới kiểm tra, đánh giá được triển khai, thầy Biện Văn Nam cho biết: Nhiều năm qua, Trường THCS Phan Chu Trinh đã đưa kỹ năng nghe vào nội dung kiểm tra môn Tiếng Anh. Trong năm học này, nhà trường xây dựng kế hoạch đưa vào kiểm tra cả kỹ năng nói.

Trước mắt, để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, tình hình thực tế đội ngũ GV, trường bố trí kiểm tra riêng kỹ năng nói đồng loạt vào buổi chiều; bố trí GV, cơ sở vật chất chu đáo phục vụ cho hoạt động này. Phần nghe được bố trí kiểm tra chéo buổi, có GV nghe và hỏi HS. Đề kiểm tra mang tính vận dụng thực tế nhiều hơn nên HS phải linh hoạt khi làm bài.

Cũng đánh giá tích cực về kết quả đổi mới kiểm tra, đánh giá, cô Nguyễn Cẩm Hường, GV Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội), chia sẻ: Để triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động này, phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với lứa tuổi, từng cấp học; không gây áp lực lên HS; hạn chế tốn kém. Cần chú trọng đánh giá mức độ đạt được so với yêu cầu và phương pháp dạy học.

Cung cấp thông tin phản hồi đầy đủ, chính xác kịp thời về kết quả học tập, giúp: HS tự điều chỉnh quá trình học; GV điều chỉnh hoạt động dạy học; cán bộ quản lý có giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục; gia đình giám sát, giúp đỡ HS. Quan tâm tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng của HS và xem đó là biện pháp rèn luyện năng lực tự học, tư duy phê phán, hình thành phẩm chất chăm học, vượt khó, tự chủ, tự tin…

Kết hợp kiểm tra, đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết; đánh giá định tính với đánh giá định lượng, đánh giá định lượng phải dựa trên đánh giá định tính được phản hồi kịp thời, chính xác. Kiểm tra, đánh giá được phối hợp nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm toàn diện về nội dung, năng lực chung, năng lực đặc thù, phẩm chất. Chú trọng đánh giá kỹ năng thực hành…

Cô Nguyễn Cẩm Hường, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) và học trò.

Cô Nguyễn Cẩm Hường, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) và học trò.

Kỳ vọng vào đổi mới

Mặc dù đạt nhiều kết quả, nhưng triển khai Chương trình, SGK mới cũng còn gặp không ít khó khăn. Lấy ví dụ từ giáo dục Than Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT Trịnh Ngọc Hải cho biết: Vướng mắc nhất của địa phương là đội ngũ. Hầu hết các trường đều chưa có GV THCS được đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện để dạy một số môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật. Cấp tiểu học chưa có GV Tin học và Công nghệ. Chưa đủ GV Ngoại ngữ nên phải thực hiện giải pháp bồi dưỡng GV văn hóa để tham gia giảng dạy. Tình trạng dạy thừa giờ có ở hầu hết các trường THCS, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Thực hiện chương trình mới đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của gia đình, cộng đồng vào quá trình học tập của HS. Tuy nhiên, tại Than Uyên, với hơn 80% HS là người dân tộc, việc quan tâm của gia đình với việc học tập của con em còn hạn chế. Nhiều HS còn khó khăn trong việc tự học, tìm hiểu kiến thức do thiết bị hỗ trợ học tập chưa đủ. Trang thiết bị dạy học của chương trình mới lớp 3, lớp 7 chưa có, ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức dạy học trong các nhà trường…

“Năm 2023, với sự chủ động trong công tác lãnh, chỉ đạo, Phòng GD&ĐT huyện Than Uyên kỳ vọng tiếp tục triển khai Chương trình GDPT mới trên địa bàn hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng nhà trường. Để đạt kỳ vọng đó, phòng GD&ĐT xác định yếu tố, giải pháp tiên quyết là tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên cơ sở rút kinh nghiệm triển khai trong các năm học trước.

Tiếp tục đưa triển khai Chương trình GDPT mới vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Tập trung các nguồn lực, ưu tiên nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo. Với tinh thần quyết tâm, đổi mới GDPT chắc chắn sẽ đem lại diện mạo mới cho giáo dục huyện Than Uyên trong tương lai không xa” - ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lê cũng chia sẻ niềm tin việc triển khai Chương trình GDPT trong năm 2023 tại Trường THPT Minh Châu sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa. “Kỳ vọng lớn nhất của tôi là chương trình mới sẽ giúp nâng tầm và giảm khoảng cách về trình độ trong giáo dục giữa các vùng miền, tạo sự cân bằng hơn trong chất lượng đầu ra của HS. Học trò được phát triển đầy đủ phẩm chất, phát huy năng lực riêng; có nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn và tiến tới chọn được đúng ngành nghề phù hợp với năng lực.

Để làm được điều đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là sự quan tâm, đầu tư đồng đều cho giáo dục giữa các vùng miền. Đầu tư không chỉ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học, mà còn là đầu tư cho con người, GV; qua đó nâng tầm GV và khai thác hiệu quả năng lực dạy học của thầy cô” - cô Nguyễn Thị Hồng Lê nêu quan điểm.

Triển khai Chương trình GDPT 2018 mang lại những đổi mới tích cực cho giáo dục Việt Nam. Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS đã mang lại sự “chuyển mình” trong dạy - học; tạo niềm tin trong GV, HS, cha mẹ HS và xã hội. Bên cạnh đó, chương trình vẫn còn một số hạn chế về công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục và nguồn nhân lực thực hiện. Tôi hy vọng trong năm 2023, những khó khăn, tồn tại trên sẽ được khắc phục. - Cô Nguyễn Thị Hà, GV Trường THPT Lương Tài (Lương Tài, Bắc Ninh), đại biểu Quốc hội khóa XV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.